Trang chủ Blog Sống khỏe

Sống ảo và những hệ lụy thật

By: OopsyAdmin, 2018-07-29 08:26:52

Trước khi đến với hệ lụy của không gian ảo gây ra cho mỗi người, có một điểm đặc biệt mà OOPSY muốn gửi đến các bạn đọc. Đấy là mối quan hệ giữa chữ viết, những bài viết, câu nói với thế giới nội tâm của một người. 

Bạn biết không, tâm cảm có một thế giới riêng của nó, mà chúng ta quen gọi là “thế giới nội tâm.” Thế giới này ở rất sâu trong một người mà khó có từ ngữhay lời nói nào đủ để lột tả được thế giới ấy. 

Ví dụ nhé, bạn yêu thương một người, trong đấy có đầy đủ các cảm giác, bao gồm cả các triệu chứng thân thể, những da diết nhớ nhung, v.v. mà chỉ mình bạn cảm thấy, nhưng khi cô đặc trong một vài chữ cái, nó không thể truyền tải hết được những thông điệp ấy. 

Thậm chí, thế giới nội tâm sẽ trở nên méo mó, biến dạng đi khi cố gắng nói ra các cảm xúc bên trong thông qua ngôn từ. Cá tính, nội tâm là cái ở bên trong (xin nhắc lại lần nữa!) mà khi nó đi ra bên ngoài thì không còn đúng nữa. (Bạn có từng bao giờ cảm thấy mình càng tâm sự, chia sẻ, lại càng thấy nó không đúng, càng thấy bất ổn hơn sau đó không, hay có gì đó chưa giải quyết được khúc mắc không?! Chính là cảm giác đó đó!)

Để hiểu được thế giới nội tâm của mình, người xưa thường có một cách, đấy là dùng sự cảm nhận, sự tĩnh tại, lắng đọng để lắng nghe tiếng nói từ bên trong mình, để thấu hiểu chính mình, thế giới của mình. Và cũng tương tự như thế để thấu hiểu người khác. 
Rất tiếc rằng, đời sống hiện đại đang dần thiếu đi những điều này, mỗi khi chúng ta nói ra một từ, một câu, một câu chuyện, không hẳn nhiều người ý thức và cảm nhận cái thật đằng sau câu chuyện đó, thậm chí còn khó để hiểu tâm lí nào đứng đằng sau những gì chúng ta nói, phát ra. 

Nếu đã từng đọc cuốn "Vạch mặt thiên tài nói dối" hoặc “Hóa ra, sự thật sau cùng là tổn thương”, bạn đã biết rằng, lời một người nói ra chưa chắc đã là cái thật. Nó có thể là lời nói dối. Và cũng như thế, những gì một người post lên facebook để trưng hình ảnh của bản thân hay câu chuyện của mình cũng không chắc đã là thật. Làm sao chúng ta biết được rằng, đằng sau mỗi nụ cười là có nước mắt, đằng sau mỗi vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài là có một cuộc sống cô độc đằng sau, đằng sau một lời nói ngọt ngào có thể là thói tự tôn hay thói hạ thấp người khác. 

Và khi chúng ta ràng buộc vào lời nói của chính mình, sự tung hô, những dòng comments, những cú click “like” của người khác, hay cũng nhìn vào những gì mà người bạn của mình thể hiện ra trên trang cá nhân của họ, để rồi đưa ra những nhận định, hay cảm xúc nào, thì chúng ta cũng đang chấp vào những biểu hiện, những cái giả của nó, chứ không phải điều thật! Còn những sự thật đáng sợ khác, nếu chúng ta chưa bóc tách được các sự thật đằng sau thế giới ấy, và chúng ta sẽ hình thành nên tâm lí rất khác nữa ở bên trong chính mình. Đây là một vài tâm lí mà người dùng mạng xã hội hay mắc phải:

Sống ảo, hệ lụy của sống ảo, oopsy

1. Đố kị, so sánh

Nhìn vào những gì trưng ra trên trang cá nhân của một người, chúng ta thường có cảm giác ganh tị với những gì họ có. Tất nhiên, đã là con người, thì việc so sánh, cạnh tranh lẫn nhau là điều không thể tránh khỏi. 

Chúng ta thường tự định đoạt và cho mình là khi so sánh cuộc sống của mình với cuộc sống của người khác. Khi so sánh mình với người khác, chúng ta bất chợt đánh mất mình là ai, những giá trị cốt lõi của một người nên có: mình là ai, mình đang làm gì, mình đang tin tưởng hay bảo vệ điều gì. Chúng ta chỉ còn thấy những cảnh trưng ra trước mắt, thấy nó, chấp nhận nó. Khi đã chấp nhận một hiện tượng mà ta tưởng đó là sự thật, ta sẽ đánh mất bản thân mình.

Hãy hiểu rằng, những gì bạn đang đố kị với là rất sai lầm, bởi vì nó không có thật, nên cái đố kị ấy cũng là giả. Có thể đằng sau mỗi nụ cười là nước mắt, đằng sau mỗi bức ảnh yêu thương của đôi lứa hạnh phúc là báo hiệu cho tương lai sắp chia tay của họ, đằng sau mỗi status nghe có vẻ hiểu đời lại là những sự thực không ai ngời đến ngay cả chính chủ nhân của nó cũng không biết. 

Và càng so sánh đố kị với người khác, chúng ta lại càng có nhu cầu giống như và trở thành họ. Oái oăm thế đấy! Mà này, bạn có muốn mình đi đố kị và so sánh người khác không? Đa phần trả lời là không, nhưng tại sao chúng ta lại cứ làm ngược lại là có nhỉ?

2. Thổi phồng bản thân

Sức ép của không gian ảo rất mãnh liệt. Nó khiến cho nhiều người trẻ cố gắng gồng mình để thể hiện hình ảnh của bản thân cho đẹp, lung linh, thành công và tài hoa. Họ sẽ cố tìm cách post lên các bức ảnh đi chơi, tụ tập với bạn bè, những bức ảnh cùng gia đình đến những nơi khác biệt, với hàng trăm hoặc hàng nghìn “friends” để chứng tỏ cho cả thế giới thấy “Tôi là người đặc biệt. Tôi rất ổn, rất tuyệt vời.” 

Nhưng sự thực đằng sau những điều đó thì không phải lúc nào cũng thế. Chỉ những giây phút hạnh phúc là có hình, còn những lúc cô đơn, cô độc hay vấn đề thì lại không ai biết. Tất nhiên, đó là một dạng người. Còn những dạng người khác, là đem những chuyện mình bức xúc để up lên facebook, để tìm kiếm sự đồng cảm, hay thể hiện mình mạnh mẽ. Rất nhiều nhiều những kịch bản đời sống được gói gọn trong những trang cá nhân của một người. Liệu nghe có tiêu cực quá không? Đó là sự thực thôi! 
Phụ thuộc vào người khác. Bạn thấy đấy, không chỉ đố kị, đánh bóng mình, gia nhập vào không gian ảo quá nhiều còn khiến một người trở nên dễ dàng phụ thuộc vào người khác. Họ dễ đi theo những dòng cảm xúc của người khác, dựa vào những lời nói của người khác để đo xem mình có ổn không, có tuyệt vời không, có đúng không, v.v. 

Đó là một thực trạng trong rất nhiều người trẻ. Dần dà, sự phụ thuộc này khiến họ trở nên thiếu độc lập trong suy nghĩ, khó tự đưa ra quyết định, khó tự lo cho cuộc sống của mình, thiếu cân nhắc, phân định các chuyện. (Có gì khốn khổ hơn khi một người không tự quyết được chuyện, hay khó hiểu bản thân mình cơ chứ!)

3. Cô đơn, cô độc

Rất nhiều nghiên cứu về tâm lí học trên thế giới đã chỉ ra rằng, những người hay dùng mạng xã hội, ở mật độ cao, có xu hướng cảm thấy dễ buồn chán, cô đơn, và mất kết nối, lạc lõng với nhiều người khác trong đời sống thực. Thậm chí, nếu thiếu vắng điện thoại, hay gia nhập vào thế giới ảo, sẽ làm họ cảm thấy bứt rứt không yên. 

Vì sao có sự cô đơn này? Bởi vì thế giới một người sẽ thật sự tròn đầy khi họ có nội tâm mạnh mẽ và tươi đẹp, là sự vững mạnh được xây dựng từ chính khả năng và nỗ lực của một người. Nó không đến từ lời nói của người ngoài hay hình ảnh thể hiện ra ở bản thân. Bởi thế, càng sống với thế giới bên ngoài, với không gian ảo, một người sẽ quên mất đi thế giới bên trong cần dựng xây ở mình. Khi phải ép mình đối diện với chính mình trong những thời khắc nào đó trong cuộc đời, họ sẽ cảm thấy cô đơn, cô độc. Một chủng buồn bã, chán nản liên miên dai dẳng nhân lên, mà không ai hay người nào khác có thể kéo giúp họ đi lên được cả. (Cô đơn, cô độc có thể giết chết một người đấy, bạn có biết không?)

4. Thiếu thấu hiểu người khác

Bạn có thật sự hiểu bạn của mình không? Hiểu người ấy cảm thấy gì, có nỗ buồn nào, nghĩ cái gì, có lí tưởng cao đẹp nào không? Ngay kể cả khi người ấy không nói ra bằng lời? Rất tiếc rằng, đời sống hiện đại đang dần thiếu đi sự cảm nhận tinh tế về bề sâu của những mối quan hệ. Các mối quan hệ còn lại chỉ là sự hời hợt bên ngoài, cùng những cảm xúc nông cạn, tủn mủn, yêu thương thái quá hoặc căm giận hết mình. 

Tất nhiên, vẫn còn nhiều mối quan hệ tốt và thấu hiểu nhau khác, nhưng đấy không phải điều ta đang nói ở đây. (Này, nếu từng than trách rằng “sao không có ai hiểu cho tôi vậy?” thì hãy tự hỏi mình đi, “mình có hiểu người khác không thế?” Vậy đấy! Một mối quan hệ chân thành bằng hữu trong thời nay là vô cùng hiếm).

Vậy làm thế nào để thoát khỏi chứng "nghiện" mạng xã hội hay bước ra khỏi thế giới ảo để sống thật hơn, mời bạn tiếp tục đón đọc Phần 3 nhé!

Nguồn tham khảo: brookhavenretreat, Humanity.


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147