Trang chủ Blog Giao tiếp xã hội

6 điều nhỏ bé nhưng quyết định phần lớn sự thành công trong giao tiếp của bạn

By: OopsyAdmin, 2018-10-29 09:40:19

Có những phương cách trong giao tiếp tuy nhỏ bé nhưng lại mang sức mạnh lớn hơn điều bạn có thể tưởng tượng. Chúng được gọi là “những bí kíp” giúp mối quan hệ hay cuộc tương tác trở nên hiệu quả, giúp người sử dụng chúng tạo ấn tượng và sức ảnh hưởng không nhỏ cho những người quanh họ. 

1. Cảm ơn và thừa nhận người khác

Bạn cảm thấy thế nào khi nghe lời nói cảm ơn? Một cảm giác khá dễ chịu phải không? Không kể đến những lời cảm ơn xã giao lấy lệ, những lời cảm ơn thật lòng thật sự có một sức mạnh lớn. Dành lời cảm ơn cho người khác và thừa nhận những cố gắng dù nhỏ nhất của họ, trái tim họ ngay lúc ấy đang hé mở ra trước bạn rồi. 

Hãy tưởng tượng những lời cảm ơn và sự thừa nhận này giống như một món quà bạn trao cho người khác vì những gì họ làm. Chúng có ý nghĩa hơn cả những món đồ vật chất hay tiền bạc, vì sao ư? Vì mỗi tâm hồn luôn cần sự thừa nhận và đồng cảm, những thứ “vô hình” này có tác động tới nó hơn hết thảy. 
Giả sử bạn đang khệ nệ bê một thùng sách nặng và một đồng nghiệp ra bê giúp bạn? Hãy cảm ơn sự tử tế của họ.

Bạn dẫn mọi người cùng văn phòng đến một quán ăn mà đồng nghiệp A trong nhóm từng giới thiệu cho bạn biết? Hãy nói với mọi người rằng: “A đã giới thiệu quán này đấy”;

Nhóm của bạn vừa hoàn thành xong một dự án, hãy nói điều gì đó tương tự như là: “Tôi được làm việc với một nhóm tuyệt vời, mọi người rất chăm chỉ và cống hiến”.

Bạn thấy đấy, biết cảm ơn khi nhận sự tử tế, nhớ đến sự tham gia của người khác từ những việc nhỏ, trân trọng sự cố gắng của đồng đội – bạn không cần phải nói gì về chính mình, cũng đã làm mọi người yêu mến bạn rồi. 

Giao tiếp thành công, tâm lý, oopsy

2. Biết khen ngợi

Lời khen là một công cụ giao tiếp hùng mạnh mà dịu dàng, bạn cần dùng đến để thúc đẩy từng mối quan hệ và tạo những ấn tượng khắc sâu trong lòng người giao tiếp với bạn. Hãy nhớ rằng mọi công cụ giao tiếp chúng ta dùng ở đây, đều xuất phát từ sự thực tâm muốn xây dựng những mối quan hệ tốt. Như thế với bất cứ một bí kíp hay một phương cách nhỏ nào bạn sử dụng, cũng có thể đem đến hiệu dụng vô cùng lớn. 

Chúng ta sẽ dùng lời khen như thế nào nhỉ? Để sử dụng lời khen hiệu quả trước tiên bạn hãy nhắc nhở mình về lòng vị tha, cùng khả năng nhận ra những điều đặc biệt hay tích cực ở người khác. Một người biết nhìn ra điều tốt đẹp ở những người quanh anh ta, là người có thể học hỏi những điều tốt và được tin tưởng.

Tuy thế hãy biết sử dụng lời khen cho đúng, không quá nhiều cũng không quá tiết kiệm. Một đồng nghiệp đang mệt mỏi với bản báo cáo không xong, một người bạn vừa làm ra một tác phẩm mất nhiều công sức, một người thợ sửa xe bạn tình cờ gặp vì chiếc xe mòn lốp của mình – họ rất có thể đang chờ đợi những lời khen của bạn đấy. Mỗi lời khen lúc này lại mang từng ý nghĩa riêng: một lời động viên, chia sẻ niềm vui, hay đồng cảm trân trọng – đều sẽ là những ánh sáng bạn đem đến cho người nhận nó, còn bạn cũng trở nên “lấp lánh” hơn trong mắt họ. 

3. Coi trọng sự lắng nghe

Có người nói lắng nghe là một nghệ thuật, là một kĩ năng của sự tinh tế và thấu cảm. Người biết lắng nghe là người biết đặt xuống sự ích kỷ hay những suy nghĩ cá nhân mình. Điều này lại đặc biệt quan trọng khi bạn muốn rèn luyện thói quen không nói nhiều về bản thân – sự lắng nghe khi này trở thành một nhân tố đắc lực giúp bạn buông bỏ nhu cầu đấy. 

Bởi khi bạn tập trung hoàn toàn vào những điều người đối diện đang nói, cảm nhận và hình dung câu chuyện của họ như những gì chính bạn trải qua – khoảnh khắc này nhu cầu kể về mình của bạn hoàn toàn tan biến, bạn bước chân vào thế giới của người đối thoại, tìm hiểu và lưu dấu ấn trong thế giới này. 
Hãy thực hành nếu bạn chưa quen với việc phải lắng nghe ai đó lâu hơn bình thường, hay chưa quen với việc thật sự cảm nhận những cảm xúc và ý nghĩ của họ. Điều này sẽ giúp bạn rất nhiều trong kĩ năng nắm bắt tâm lí người khác nhờ sự đồng cảm, và trở nên thật sự tự tin với tất cả mọi người. Vì chúng ta chỉ mất tự tin khi chúng ta không hiểu, không phải sao? 

Bắt đầu bằng một bước đơn giản đầu tiên: Tự nhủ với mình rằng sẽ không nói xen vào hay phán xét điều gì khi người đối thoại đang nói. Chỉ bắt đầu nói khi người đối thoại muốn sự chia sẻ của bạn. Rồi khéo léo đẩy vai trò tiếp diễn cuộc trò chuyện sang người kia. 

Tâm lý, oopsy, giao tiếp

4. Thêm một chút lắng nghe


Vẫn là lắng nghe, nhưng thêm một chút, ấy là những kỹ thuật lắng nghe chủ động: Bạn vừa trở thành người lắng nghe giỏi, vừa biết cách để bộc lộ mình một cách khôn ngoan (mà vẫn không cần nói về mình).

Có ba tip nhỏ cho bạn về kĩ thuật này đây:

Chú tâm hoàn toàn vào những gì người kia đang nói – đương nhiên rồi, một nền tảng quan trọng cho mọi cuộc lắng nghe và tương tác hiệu quả. Thêm vào đó là, diễn giải lại hoặc nhắc lại những điểm chính mà người kia vừa nói. Thử mà xem, cách này giúp kĩ năng nắm bắt thông tin của bạn được cải thiện, rất thú vị đấy;

Sử dụng một vài cụm từ này sau khi bạn đã diễn giải hay nhắc lại lời họ nhé: “Như thế có nghĩa là…”; “Thế thì…”; “Nếu làm thế thì cần phải…” đi kèm với một chút ý nghĩ của bạn về những sự kiện trong tương lai liên quan đến điều này – một lời ướm để họ tiếp tục câu chuyện ấy mà;

Những cử chỉ không lời là không thể thiếu: Nụ cười mỉm, ánh mắt chăm chú, gật đầu, đôi khi sao chép cử chỉ - tất cả những biểu hiện này cho thấy sự kết nối của bạn với người nói và làm bạn trở nên thật sự duyên dáng trong mắt họ.

5. Những câu hỏi thêm vào

Những câu hỏi được thêm vào xen giữa cuộc trò chuyện là cách để người đối thoại với bạn có nhiều thời gian hơn để nói về câu chuyện của người ấy. Luôn có thể kéo dài một cuộc trò chuyện bằng những câu hỏi mà chẳng cần nói về mình – đó là một trong những tác dụng lớn của việc đặt câu hỏi này. 
Có hai kiểu câu hỏi đơn giản, đó là:

Câu hỏi Đóng cho những câu trả lời Có – Không. Và câu hỏi Mở cho những câu chuyện được phát triển. Một số cụm từ bạn có thể dùng nếu muốn hỏi những câu hỏi mở là: “Cậu nghĩ sao nếu…?”, “Làm thế nào mà…?”, “Xong rồi thế nào nữa?”,…

Phần trước đã nói với bạn rằng nên hạn chế những kiểu câu hỏi Đóng, vì chúng có thể khóa câu chuyện lại ở đó. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể dùng chúng như một sự bổ sung với câu hỏi Mở. Hoặc đôi khi câu hỏi Đóng cũng thật sự có tác dụng rất lớn nếu bạn dùng để giúp người đối diện nhận thức về cảm xúc hay suy nghĩ thật trong họ. Và đó cũng là một cách để họ tiếp diễn câu chuyện của họ sau đó, theo một hướng mới mẻ và thành thật hơn. 

Một khi đã thành thật chia sẻ với ai, người ta sẽ dành cho người lắng nghe mình những suy nghĩ tích cực và trìu mến. Bạn lại hoàn thành thêm một nấc nữa của “nghệ thuật” nói mà không nói về mình. 

6. Trân trọng những điều người khác nói và cho họ biết điều đấy

Ai cũng quý người biết trân trọng họ, càng quý hơn người biết trân trọng lời họ NÓI. Bởi vì chúng ta luôn cần được lắng nghe và bởi thế cần được nói, một nhu cầu thẳm sâu trong bất cứ ai. Nên một người xuất hiện, biết trân trọng điều ta nói ngay cả khi ta thấy những lời thốt ra ấy sao mà ngớ ngẩn, sẽ làm ta muốn bên họ và ấn tượng về họ hoài không thôi. 

Vì thế còn đợi gì bạn không học bí kíp này nhỉ, một trong những bí kíp giúp tấm lòng bạn trở nên tử tế và trí tuệ thì khôn ngoan hơn. Nền tảng luôn là lòng trân trọng, và sự thể hiện lòng trân trọng là những viên đá được xây nên vững chắc từ nền tảng ấy.Thể hiện lòng trân trọng thế nào? Có những cách thế này:

Hãy tán thưởng

Bạn của Thắng kể với Thắng về một bản dự án mà người ấy làm ra cho công ty. Thắng có thể nói thế này để tỏ lòng trân trọng người bạn ấy: (i) “Ồ, chắc cậu phải rất vất vả để làm ra nó đúng không?” Hoặc là: (ii) “Chà, cậu đúng là đã làm ra một “kì tích” đấy”. Lời tán thưởng thứ hai bắt đầu có xu hướng nói quá, nhưng cũng không sao nếu bản dự án của bạn anh ta thật sự đem lại hiệu quả cho công việc chung.

Hãy học hỏi

“Cậu dạy tớ làm được không?” cũng là một câu nói hiệu quả để thể hiện sự trân trọng, và là cơ hội để chính người hỏi là Thắng (và chúng ta!) biết thêm một điều mới.

Hãy hỏi thêm chi tiết

Đây chính là một dạng câu hỏi Mở. Những câu hỏi đi vào chi tiết kiểu như “Cậu làm nó mất bao lâu?”, “Cậu có gặp nhiều khó khăn lúc làm không? Như thế nào?” sẽ làm họ thấy chúng ta có hứng thú với những gì họ nói, và họ sẽ cảm động vì điều ấy. Chẳng quá khó để tạo ấn tượng trong lòng người khác ngay cả khi bạn không nói về bản thân, đúng không? 

Bạn có thể tham khảo thêm các sách tổng hợp những "bí kíp" giao tiếp hiệu quả bậc thầy (tại đây)
 


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147