Trang chủ Blog Phát triển cá nhân - Quản trị cảm xúc

Hiệu Ứng Cánh Cửa Và Chứng Mất Trí Nhớ Ngắn Hạn

By: OopsyAdmin, 2020-12-01 13:51:02

Mỗi người trong chúng ta đều đôi lần rơi vào tình trạng đãng trí một cách ngớ ngẩn: chạy lên tầng để lấy chùm chìa khóa nhưng khi bước vào phòng rồi thì chẳng biết mình phải lấy cái gì, mở tủ lạnh và với tay lên kệ nhưng rồi ngừng giữa chừng vì chẳng hiểu tại sao mình lại mở tủ lạnh, hay là đợi đôi phút trước khi ngắt lời bạn nhưng vừa định lên tiếng thì chợt nhận ra câu chuyện nóng hổi lúc trước đã bốc hơi không dấu vết.Thế là chúng ta quay ra hỏi ngược lại người đối diện: “Mình tính nói chuyện gì vậy?” nhưng dĩ nhiên không ai có câu trả lời

Những giây phút xấu hổ như trên là chuyện xảy ra thường ngày với bất kì ai. Hiện tượng này được xem như “Hiệu ứng cánh cửa”, và nó hé lộ những chi tiết quan trọng về cách trí óc con người vận hành. Một khi hiểu được điều này thì chúng ta sẽ bớt bực dọc với chính mình vì những lần dù đập đầu vỗ trán bao nhiêu lâu cũng không nhớ ra được mình định làm gì

Hãy hình dung như sau: một người phụ nữ nói chuyện với ba người công nhân xây dựng trong giờ nghỉ trưa. Cô hỏi người thứ nhất: “Hôm nay anh làm gì?”, người đó trả lời một cách chán nản rằng: “Tôi xếp gạch chồng lên nhau thôi.” Người phụ nữ lại hỏi người thứ hai câu hỏi cũ và anh ta đáp: “Tôi đang xây một bức tường.” Đến người thứ ba thì anh chàng không muốn tỏ ra kém cạnh nên nói: “Tôi đang xây một nhà thờ.”

Có thể bạn cho rằng bài học từ câu chuyện là luôn nghĩ đến toàn cục, nhưng xét trên khía cạnh tâm lý học, điều này có nghĩa là mỗi hành động đều là kết quả của một chuỗi suy nghĩ nhằm sắp xếp các bước thực hiện. Người thợ xây thứ ba hẳn là đang hào hứng làm việc với suy nghĩ là anh ta đang hướng tới một cái đích đẹp đẽ, tuy nhiên không ai có thể xây cả một nhà thờ mà không bắt đầu từ việc sắp xếp những viên gạch đầu tiên sao cho khớp, cho thẳng hàng như người thợ thứ nhất

Nói cách khác, trí óc chúng ta vận hành không ngừng nghỉ trong một ngày, luôn xoay chuyển từ việc vạch ra mục tiêu hay lên ý tưởng cho tới lập kế hoạch và bày chiến lược. Những bước đi này được bộ não phân tích tới tận cùng, dẫn tới hành động cốt lõi mà chúng ta thực thi. Khi mọi việc diễn ra theo kế hoạch và không có yếu tố đặc biệt chi phối thì chúng ta sẽ thuận theo thói quen và bộ não sẽ tự chỉ đường cho chúng ta thực hiện từng bước thật suôn sẻ. Giả sử bạn là một tài xế lão luyện thì bạn sẽ dễ dàng nắm vô lăng và điều chỉnh bánh lái một cách hợp lý mà không phải chịu cảm giác căng thẳng, vẫn có thể quan sát tuyến đường một cách thư thái hay bắt chuyện với hành khách. Tuy nhiên nếu bạn đang di chuyển trên một cung đường mới thì sự tập trung chú ý sẽ dồn vào việc bạn đang điều khiển xe như thế nào chứ không phải cuộc hội thoại với người trên xe. Thế nên cuộc trò chuyện sẽ bị đứt quãng khi não bạn đang tập trung vào xử lí tình huống trên đường hay tự nhiên bạn nghe thấy tiếng động cơ khác lạ

Cái cách mà sự tập trung, chú ý của chúng ta leo lên trèo xuống trên những nấc thang hành vi giúp chúng ta thực hiện những hành động phức tạp, lập kế hoạch tổng hợp từ nhiều giai đoạn khác nhau, tại những địa điểm khác nhau

“Hiệu ứng cánh cửa” xảy ra khi sự tập trung của chúng ta nhảy từ bậc này sang bậc khác trên thang hành vi và nó phản ánh sự phụ thuộc của chúng ta vào trí nhớ, thậm chí là những điều chúng ta đã ghim vào bộ nhớ là phải thực hiện ngay tại thời điểm đó, vị trí đó

Quay trở lại với câu chuyện chiếc chìa khóa, khi chúng ta chạy lên tầng nhưng quên mất phải lấy chìa khóa khi bước vào phòng. Về mặt tâm lý thì kế hoạch ban đầu mang tên “Chìa khóa!” đã rơi rụng trong quá trình bộ não “sai khiến” chúng ta “Hãy chạy lên phòng!”. Có thể kế hoạch này chỉ là một phần của cái đích lớn hơn đó là “Hãy chuẩn bị ra khỏi nhà!”, thậm chí là xa hơn nữa như “Hãy đi làm!”, “Hôm nay hay làm việc sao cho tốt!”… Mỗi cái đích này yêu cầu sự tập trung và chú ý nhất định. Như vậy là não bộ đã vẽ ra một sơ đồ với những cấp bậc hành vi mà trong đó việc lấy chìa khóa chỉ là một bước nhỏ. Và chúng ta phân chia sự tập trung theo cái cách mà một người nghệ sĩ đang diễn xiếc với những chiếc đĩa quay vòng trên những chiếc que, tức là chúng ta bị phân tán sự tập trung. Chúng ta chỉ dành sự chú ý cho việc lấy chìa khóa một chút vừa đủ để chạy lên tầng, rồi chuyển sang ngay mục tiêu khác như là khi đến công ty thì chúng ta sẽ làm gì, thậm chí là bộ não đã hướng sự chú ý tới một mốc thời gian và địa điểm khác hoàn toàn

Và cũng như người nghệ sĩ với những chiếc đĩa, chúng ta đánh rơi sự tập trung và chú ý vào những giây phút không định trước. Trí nhớ của chúng ta về mục tiêu hòa vào chung một mạng lưới tạo bởi sự tương tác. Môi trường vật chất xung quanh có tác động đáng kể lên sự tương tác này và đó là lý do tại sao khi chúng ta trở lại căn nhà nơi ta sinh ra và lớn lên sẽ tự động nhớ lại những sự kiện xảy ra khi còn nhỏ, hoặc điều kiện tâm lý cũng tạo ra ảnh hưởng tương tự khi chúng ta nghĩ đến một điều gì đó thì não bộ sẽ ngay lập tức “lục lọi” trong phần kí ức, khiến chúng ta liên tưởng đến những sự vật có liên quan

“Hiệu ứng cánh cửa” xảy ra khi chúng ta thay đổi môi trường xung quanh, về mặt vật chất hoặc tâm lý hay cả hai, khi chúng ta di chuyển từ vị trí này sang vị trí nọ trong khi dòng suy nghĩ vẫn luôn vận động xoay quanh nhiều vấn đề khác nhau. Mục tiêu mà chúng ta nghĩ mình cần phải thực hiện thực ra chỉ là một trong những chiếc đĩa mà ta đang xoay và bị lãng quên bất chợt khi hoàn cảnh thay đổi

Trên đây là một góc nhìn về cách chúng ta phối hợp những hành động phức tạp, lên kế hoạch và đề ra các bước thực hiện, sao cho từ những viên gạch rời rạc mà chúng ta có thể xây nên một thánh đường của cuộc đời mình

---

Link bài chia sẻ từ Reddit: https://redd.it/8riqpz


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147