Trang chủ Blog Giao tiếp xã hội

Tại sao hạnh phúc có thể làm bạn KHÓC và MỈM CƯỜI giúp bạn hạnh phúc hơn?

By: OopsyAdmin, 2019-12-28 13:59:57

Hãy cùng thử làm một bài test nho nhỏ trước khi đi vào chủ đề chính Tại sao hạnh phúc có thể làm bạn khóc và mỉm cười giúp bạn hạnh phúc hơn nhé!

Lần gần đây nhất bạn khóc là khi nào?

Lần gần đây nhất bạn khóc vì hạnh phúc là khi nào?

Lần gần đây nhất bạn mỉm cười là khi nào?

Lần gần đây nhất bạn mỉm cười vì hạnh phúc là khi nào?

Vậy lần gần đây nhất bạn khóc vì buồn chán, mệt mỏi là khi nào? (Không biết đọc và trả lời câu hỏi này bạn có thở dài không, vì... nó diễn ra thường xuyên quá?!)

Nào....

TẠI SAO CHÚNG TA KHÓC? 

Trước tiên, khóc là một cách thể hiện cảm xúc chỉ có ở con người. Điều thú vị là, con người ta khóc trong những bối cảnh mang tính khuôn mẫu văn hóa nhất định

Ví dụ, chúng ta không chỉ khóc vì đau lòng trong một đám tang của một người thân quen, mà khi đón chào khoảnh khắc một đứa trẻ mới sinh ra. Chúng ta có thể khóc khi một mối quan hệ vừa chấm dứt, cũng có thể khóc trong một đám cưới, khi gặp lại người thân,... Những cảm xúc mà chúng ta trải qua ở những thời điểm này rất khó diễn tả và thường vượt ra ngoài những trạng thái vui vẻ hay buồn bã thông thường. Có lẽ khóc giúp chúng ta truyền đạt những gì chúng ta cảm nhận theo cách mà ngôn ngữ không thể nào diễn tả hết được. Đó là một ngôn ngữ vô-ngôn!

Mọi thứ có thể trở nên phức tạp, bởi vì phản ứng khi khóc có thể thay đổi dựa trên các yếu tố như giới tính và bối cảnh xã hội. Ví dụ, khóc trong một môi trường thân mật có nhiều khả năng được xem một cách thông cảm hơn là khóc tại nơi làm việc, điều này có thể gợi ra những phản ứng tiêu cực. Phụ nữ - không có gì ngạc nhiên - có xu hướng đưa ra nhiều phản ứng đồng cảm bằng cách khóc hơn đàn ông. Và những người đàn ông khóc (theo nghĩa biểu lộ cảm xúc thông thường nhất) lại thường được xem là người nhạy cảm; còn nếu nó trở thành một tiếng nức nở ở hơn có thể được xem là dấu hiệu của sự yếu đuối! 

KHÓC KHI HẠNH PHÚC

Hầu hết chúng ta đã nghe nói rằng khóc, về bản chất, nó tốt cho chúng ta. Nó làm giảm bớt nỗi đau khi khi chúng ta buồn, giải phóng căng thẳng và thậm chí độc tố! Vậy chắc là, những ngày tôi thổn thức là ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi?! 

Về mặt thần kinh thế này, nằm ở giữa sâu bên trong thùy thái dương của não có một vùng gọi là Hạch hạnh nhân (tiếng Anh là amygdala), nó nhỏ xíu và không thể nói lên sự khác biệt giữa việc bạn đang vui hay buồn hay quá tải hay căng thẳng.  Tất cả những gì nó biết là nó nhận được tín hiệu thần kinh mạnh mẽ, nơi ra quyết định và phản ứng cảm xúc của chúng ta, và đến lượt nó, phải kích hoạt hệ thống thần kinh tự chủ (autonomic nervous system (ANS)) hay hệ thần kinh thực vật

Nguồn: Wikimedia Commons

Hệ thống thần kinh tự chủ được chia thành hai nhánh: giao cảm và đối giao cảm, hoạt động thông qua vùng dưới đồi (trái), hệ thống thần kinh giao cảm được kích thích trong thời gian ta căng thẳng. Đó là lý do tại sao nhịp tim của chúng ta nhanh hơn, tại sao chúng ta đổ mồ hôi, tại sao chúng ta không cảm thấy đói. Mặt khác, về cơ bản, nó còn làm chúng ta bình tĩnh trở lại

Hệ thống thần kinh giao cảm cũng kết nối trực tiếp với các tuyến lệ của chúng ta (còn được gọi là ống dẫn nước mắt), kích hoạt các thụ thể đối giao cảm bởi chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine dẫn đến sản xuất nước mắt. (Sự thật thú vị: Nước mắt chảy qua đường dẫn chảy vào mũi, điều này giải thích tại sao khi khóc nước mắt nước mũi của bạn cũng tèm lem!)

CẢM XÚC TÍCH CỰC KHIẾN CON NGƯỜI TA PHẢN ỨNG MẠNH MẼ, NHANH CHÓNG HƠN

Nhà tâm lý học Oriana Aragon thuộc đại học Yale, Mỹ đã nghiên cứu lý do tại sao mọi người khóc khi họ vui hay cười khi họ gặp rắc rối. Câu trả lời của bà là họ có thể khôi phục "trạng thái cân bằng cảm xúc"

Ví dụ, chúng ta thường phản ứng trước những trải nghiệm mãnh liệt theo những cách dường như không phù hợp với cảm xúc nhất thời. Chẳng hạn như khóc vì được gặp lại người thân sau bao ngày xa cách; cầu thủ U22 Việt Nam có một chiến thắng nghẹt thở trước đối thủ mạnh; một số người không thể cưỡng lại việc véo má một cô bé dễ thương hoặc những gì xinh xắn tương tự; mọi người ‘’điên cuồng” hét lên tại các buổi ca nhạc...

Ngoài ra, cảm xúc tiêu cực mạnh có thể mang đến những biểu hiện tích cực. Ví dụ, tiếng cười thể hiện sự lo lắng xuất hiện khi mọi người đang đối mặt với một tình huống khó khăn hoặc đáng sợ. Họ sẽ mỉm cười trong khi đang trong tình trạng rất buồn... Dù sao thì điều quan trọng ở đây là sự cân bằng cảm xúc. Dù ở trạng thái quá khích, quá vui vẻ hay quá ủ dột đều khiến ta dễ rơi vào trạng thái rối loạn cảm xúc, cho đến giấc ngủ và chuyện ăn uống. Hãy học cách cân bằng cảm xúc mới là điều thiết yếu nhất!

VẬY CÓ CÁCH NÀO LẤY LẠI SỰ CÂN BẰNG ẤY KHÔNG?

Có! Mỉm cười giúp bạn hạnh phúc hơn!

Khi tâm trạng đi xuống, nước mắt sẽ làm tất cả những gì là nỗi buồn, thất vọng hằn sâu vào trong. Khi ấy ta sẽ như bị đục khắc bởi tâm cảm, nước mắt là động lực khiến những tâm cảm tiêu cực ấy bị dùi sâu vào tinh thần và trái tim

Nếu mỉm cười thì ban đầu nỗi buồn vẫn sẽ làm bận lòng, nhưng thân thể lại nhận được một tín hiệu từ nụ cười ấy: À, với chuyện thế này mà vẫn có thể cười được, phải sản xuất ra các năng lượng phấn chấn mới được

Bạn có biết, nụ cười được đánh giá là một biểu tượng tâm lí tích cực nhất trong những biểu tượng tâm lí tích cực không? Khi ai đó cười với chúng ta, trái tim chúng ta ấm áp hơn. Khi chúng ta cười với ai đó, chúng ta thấy họ thân ái hơn. Khi chúng ta buồn bã, chỉ một nụ cười của ai đó hay của chính ta cũng làm ta phấn chấn hơn

Khi chúng ta vui vẻ, nụ cười làm nhân thêm niềm vui trong tinh thần và trái tim. Nhưng không phải ai cũng biết cách mỉm cười, bạn có thể học theo cách sau:

- Bước 1: Mỉm cười và đóng miệng (không để hở răng), giữ như thế trong 10 giây;

- Bước 2: Tiếp theo, để miệng cười rộng hơn nữa và hé môi, hở một chút cạnh răng, giữ nguyên nụ cười như thế 10 giây;

- Bước 3: Cười và để lộ hàm răng trên. Giữ trong 10 giây;

- Bước 4: Lặp lại từ bước 3 ngược về bước 1.

Hãy dành vài phút hàng ngày để cười trước gương (hoặc bất cứ gì có thể soi bóng mình) như thế, bạn sẽ kiểm soát được nụ cười của mình

Người kiểm soát được nụ cười của mình, chính là có thể kiểm soát được tinh thần và tâm ý của mình trước người xung quanh

Học cách mỉm cười, việc vừa đơn giản vừa phức tạp ấy, giống như bất cứ thói quen nào, chỉ cần để tâm rèn luyện là sẽ trở nên thành thục thôi

CÓ CÁCH NÀO ĐỂ NHẬN BIẾT MỘT NGƯỜI QUA NỤ CƯỜI KHÔNG?

Một cái mỉm cười hơi nhếch mép lệch về một bên dễ làm người ta mếch lòng, và cả… lo lắng khi cho rằng mình không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của bạn, cho rằng bạn thật kiêu ngạo và cả không coi trọng họ

Thật kỳ cục khi một nụ cười nhếch mép lại tạo cảm giác rằng ta là người không tôn trọng người khác. Nhưng thực ra điều ấy bắt nguồn từ tâm lí tự ti vào mình của người chứng kiến và tự cao về mình của người đang cười, họ có phần cho rằng mình tốt hơn tất cả người khác khi họ cười bằng nụ cười ấy

Để lí giải rõ ra, ta cần đi sâu vào giải thích sự vận động của thân thể tạo ra các tâm trạng ra sao. Có thể tạm hiểu đơn giản rằng, khi cười và hai bên mép đều đưa lên thì cơ miệng vận động cân bằng. Nó tạo ra một phản ứng hài hòa với não. Người ta khi ấy có xu hướng muốn cư xử thân thiện và nhân ái với người khác hơn

Còn khi cười lệch về một bên, não trái hoặc não phải sẽ nhận một kích thích tương ứng. Tùy xem ta cười lệch về bên não nào, nếu là bên trái, não trái sẽ được kích thích mạnh hơn, khi ấy những ý nghĩ được kích lên. Tương tự với nụ cười lệch về bên phải, khi đó não phải được kích thích sẽ tạo ra những cảm xúc

Người ta luôn có một động lực để cười lệch như vậy. Chính là khi cảm xúc hoặc ý nghĩ người ta đang bị kích thích

Bạn nhận ra mối quan hệ hai chiều chứ?

Nụ cười tạo ra tâm trạng và tâm trạng tạo ra nụ cười. Một suy nghĩ hay cảm xúc tự đề cao mình khiến người ta thể hiện ra thành nụ cười như thế

LỜI NHẮN: ĐỂ CÓ ĐƯỢC KHÓE MIỆNG TƯƠI VUI CUỘC ĐỜI ĐÍCH ĐÁNG

Cuộc đời muôn màu muôn vẻ, có khi là niềm vui, có khi là nước mắt, tôi mong nụ cười bạn đừng tắt, đừng để những nỗi buồn đục khắc, thất vọng lại hằn sâu

Hãy nhìn lên bầu trời, nhìn khung cảnh xung quanh, rồi mỉm cười

Nhìn vào đâu cũng không bằng nhìn vào sâu trong chính mình. Nếu người nào có thể nhìn vào trong mình và mỉm cười, là người đó đang có nụ cười rất vững mạnh

Hãy tưởng tượng thân thể là một căn phòng trống. Bạn ngồi đấy, ánh mắt hướng vào trong như thể tìm căn phòng ấy. Rồi mỉm cười

Hóa ra cười ngay cả khi không muốn cũng không phải là điều gì đáng chán

---

Tham khảo “Khóe miệng tươi vui cuộc đời đích đáng” – Ryu Vội Vã

Đây là lần đầu tiên có một cuốn sách dạy về nụ cười được viết dưới dạng cốt truyện. “Khóe miệng tươi vui, cuộc đời đích đáng” là một câu chuyện tình cảm lãng mạn, trong sáng tại một thế giới tưởng tượng. Xen kẽ câu chuyện là những tips giúp bạn có một nụ cười rạng rỡ, đi cùng là những phân tích sâu sắc dựa theo góc nhìn y học và tâm lý học về nụ cười

Rất có thể bạn phải chấp nhận một thực tế rằng, mình chưa biết thế nào là một nụ cười chân thành, chia sẻ, yêu thương. Hãy bắt đầu học cách cười với bản thân mình trước tiên. Cuốn sách viết cho những người trẻ cô đơn giữa xã hội hiện đại, và cho tất cả những ai chưa hiểu ý nghĩa đích thực của nụ cười


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147