Trang chủ Blog Giao tiếp xã hội

[Giao tiếp xã hội] Đồng Cảm - bí quyết tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp bền vững

By: OopsyAdmin, 2019-03-05 11:48:25

Đồng cảm là khả năng cảm nhận cảm xúc của người khác, cũng như khả năng tưởng tượng người khác có thể nghĩ hay cảm giác gì. Theo các nhà tâm lí học, một người có sự đồng cảm sẽ phát triển lên một mức cao hơn là lòng vị tha.

Lợi ích

  • Giúp bạn hiểu động lực và nhu cầu của những người xung quanh bạn. Điều đó sẽ khiến bạn ít suy nghĩ và phòng thủ hơn, cũng như làm bạn ít căng thẳng hơn.
  • Nhận ra rằng những suy nghĩ và hành động của bạn có thể ảnh hưởng đến những suy nghĩ và hành động của họ (đôi khi rất tinh tế và đòi hỏi bạn phải nhận ra). 
  • ​​Đọc được suy nghĩ của người khác. 
  • San sẻ cảm xúc, giúp người nói cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản hơn

Bởi lẽ mục tiêu cao nhất mà đồng cảm hướng đến là phá bỏ rào cản giữa con người với nhau, tăng cường kết nối với người khác, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ vững chắc, lành mạnh.

Đồng cảm, tâm lý, oopsy, giao tiếp xã hội, tốt đẹp, bền vững


Để có sự đồng cảm, bạn cần:

1. Đặt mình vào hoàn cảnh của người khác

Thật dễ dàng cho bất kỳ ai nếu muốn đưa ra một lời nhận xét hay đánh giá người khác. Chúng ta vẫn thường hay nói “Đây đâu phải vấn đề lớn đâu”, hay “Tôi thật chẳng hiểu sao bạn lại có cảm giác này, nó chẳng đáng để bạn dành nhiều thời gian cho nó đến vậy” hay “Bạn phản ứng quá mức rồi”. Điều đó có thể gây tổn thương lớn cho người nói đó.

Vậy thay vì đưa ra những lời nói vô tâm theo kiểu bác bỏ hoàn toàn trạng thái cảm xúc của người khác, bạn hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của họ và tưởng tượng tình trạng của họ, nếu bạn đang trong hoàn cảnh đó, bạn sẽ nghĩ sao? Có thể họ đang trải qua thật nhiều đau đớn và khó khăn. Có lẽ họ đang trải qua nhiều vấn đề từ những khía cạnh trong cuộc sống của họ, hay có thể họ ít có kinh nghiệm trong việc trải qua và vượt qua những chuyện như này.

2. Nhận thức cảm xúc người khác

Một trong những trở ngại lớn trong đồng cảm là khả năng nhận thức trạng thái cảm xúc cũng như thừa nhận trạng thái cảm xúc của đối phương. Nhận thức ở đây là nhận ra tầm quan trọng và sự ảnh hưởng của trạng thái cảm xúc đối phương. Giả dụ có người trong cơn phẫn uất do bị hãm hại đã nói với bạn rằng “Tao muốn giết chết nó”. Bạn không thể nói với họ “Mày điên à!” vì câu đó sẽ càng làm họ trở nên kích động hơn mà hãy hỏi họ: “Tại sao mày lại muốn giết nó?” hay “Tao rất buồn khi nghe điều đó. Có chuyện gì xảy ra với mày vậy?”

Mặt khác, nếu bạn cố tránh về việc nói về chủ đề cần nói hay lảng sang chủ đề khác không liên quan cũng có nghĩa là bạn đang không thừa nhận hay tôn trọng cảm xúc của họ.

3. Đặt câu hỏi

Câu hỏi luôn là cách để bạn có thể mở đầu cuộc trò chuyện, và cũng là lúc người nói chia sẻ câu chuyện của họ. Khi ai đó chia sẻ câu chuyện của họ, đặc biệt là các vấn đề cá nhân, mang tính riêng tư, hãy đặt câu hỏi để khuyến khích họ chia sẻ nhiều hơn. Chưa hết, bạn hãy suy nghĩ về những gì người đó nói để đưa ra những câu hỏi hợp lí.

Ví dụ bạn của bạn nói rằng cô và người yêu chia tay, bạn có thể hỏi cô ấy rằng: "Điều gì đã xảy ra?", "Bạn ổn chứ?" hoặc "Tại sao các bạn lại chia tay?". Điều này sẽ làm cô ấy kể ra câu chuyện của mình. Mặt khác, nếu bạn đưa ra những nhận xét cảm tính ngay từ đầu “Tớ nghĩ anh ấy là người tốt, cậu không nên chia tay với người tốt như vậy” hay “Chia tay à? Bình thường thôi mà, có bao nhiêu người cũng chia tay kia kìa, thôi dành thời gian mà nghỉ ngơi cho khỏe, yêu đương làm gì.” có thể khiến cô ấy “đóng cửa” với bạn.

4. Gương – sao chép hành động

Chúng ta sẽ dừng cuộc trò chuyện với nhau nếu người nói đang rất hào hứng kể về câu chuyện của họ mà bạn chỉ đáp lại đúng một câu “uh” hay “Thế à”. Hay nói một cách khác, đó là khi bạn không đáp ứng sự cộng hưởng với người đó.

Đây là lúc sử dụng kỹ thuật sao chép. Sao chép trong tiếng Anh là Mirroring – có nghĩa là bắt chước những biểu hiện phi ngôn ngữ của ai đó – có thể là cử chỉ, lời nó hay thái độ nhằm mục đích xây dựng mối quan hệ. Bạn đừng vội nghĩ là chúng ta sẽ sao chép theo kiểu bắt chước y hệt hành động lời nói của họ từ đầu đến chân. Bởi lẽ mục tiêu chúng ta hướng đến không phải là sự sao chép cách thức của ai đó một cách mù quáng mà chúng ta sử dụng nó nhằm mục đích xây dựng mối quan hệ.

Ví dụ nếu người đó chia sẻ một câu chuyện cá nhân với bạn, hãy chia sẻ một câu chuyện, trải nghiệm tương tự của bạn rồi nói cho họ biết cảm nhận của bạn khi đó. Nếu họ liên lạc bằng mắt với bạn, hãy đáp lại họ. Tuy nhiên, đừng sao chép mọi khía cạnh của ngôn ngữ cơ thể mà không suy nghĩ, thay vào đó hãy điều chỉnh cho phù hợp. Chẳng hạn nếu họ chia sẻ câu chuyện của họ với giọng thấp, trầm thì sẽ là phản cảm nếu bạn cứ muốn cao giọng đáp lại họ, khi đó hãy điều chỉnh giọng điệu của bạn để hòa cùng với giọng điệu của họ.

5. Đừng “cầm đèn chạy trước ô tô”

Một sai lầm thường gặp là khi người nói đang chia sẻ một vấn đề mà bạn lập tức “kết luận” luôn câu chuyện của họ, hay nhanh chóng nhảy đến điểm cuối cùng trong câu chuyện. 

Ví dụ có người tâm sự với bạn rằng anh ta đã nghỉ việc ở nơi làm việc cũ. Bạn liền trả lời mà không cần suy nghĩ quá nhiều “Tớ biết điều đấy, hi vọng cậu sớm tìm được một công việc mới.” Đó là lời động viên rất mực chân thành. Tuy nhiên nó lại chưa phù hợp trong hoàn cảnh này. Vì sao lại như vậy? Bởi lẽ, có thể anh ấy nghỉ việc do công ty cắt giảm nhân sự và anh ấy nằm trong danh sách nhân viên cắt giảm đó. Điều anh ấy muốn ở bạn chỉ là mong bạn cần hiểu cảm giác của anh ấy, như sự chán nản và đau khổ.

Có một cách khá phổ biến giúp bạn tiếp cận cuộc trò chuyện bằng việc hỏi những câu hỏi mang tính chuyển tiếp: Tôi rất lấy làm tiếc vì nghe chuyện đó, bạn có thể nói tôi nghe điều gì đã xảy ra? → Bạn cảm thấy thế nào → Kế hoạch sắp tới của bạn là gì → (nếu họ muốn tìm việc sớm) → Bạn đang tìm kiếm loại công việc nào? Sau đó bạn có thể tiếp tục phát triển câu hỏi và câu chuyện của mình, đồng thời chèn thêm những câu hỏi vào giữa tùy thuộc vào cuộc trao đổi.

6. Thể hiện sự hỗ trợ về tinh thần

Hỗ trợ về tinh thần có nghĩa là bạn cho họ sự tin tưởng vào bạn và những điều bạn nói ra. Hãy cho họ biết rằng dù có chuyện gì xảy ra, bạn vẫn luôn ở bên cạnh họ. Ví dụ có người vô tình làm mất khoản tiền của công ty và người đó đang cảm thấy rất lo lắng và sợ hãi. Bạn có thể nói với họ rằng “Tôi biết tính bạn, bạn luôn xem xét và bảo quản mọi thứ, nhất là tiền bạc của công ty rất cẩn thận. Vì thế hãy nhớ kĩ lại những chuyện đã xảy ra, có thể có nhầm lẫn hay thiếu sót ở khoản nào đó.”

Sự hỗ trợ về tinh thần này rất quan trọng, bởi vì đôi khi điều mọi người tìm kiếm không phải là bạn phải đưa cho họ giải pháp, mà họ đơn giản chỉ đang hướng đến sự đồng cảm và khả năng hỗ trợ về tinh thần của những người xung quanh. Bởi vì trong một thế giới rộng lớn với đầy người xa lạ, đầy sự sợ hãi và không chắc chắn, nếu có ai đó vẫn có thể bên cạnh, ủng hộ họ và không phán xét họ, đó mới là điều thực sự đem lại cho họ cảm giác hạnh phúc không gì sánh bằng.


 


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147