Trang chủ Blog Giao tiếp xã hội

Phương Pháp Vạn Năng Nhận Biết Con Người Qua Ngôn Từ - Người Danh Từ

By: OopsyAdmin, 2019-02-13 11:12:39

1. Danh từ

Người ta thường cho rằng danh-từ là từ để gọi tên, nên chia ra thành riêng-chung, khái niệm-trừu tượng, hiện tượng-đơn vị,…Cách phân loại ngôn ngữ học, như bạn đã biết, thật ngờ nghệch. Vì khi ta gọi-tên, ta nào biết ta đang làm gì cơ chứ? Nhà ngôn ngữ học có thể làm trò phân loại của mình dựa trên thành tựu khoa học của loài người, nhờ đó lập nên những cuốn từ điển dày dặn chính xác. Nhưng ông ta làm sao hiểu được thế giới tâm lí? Làm sao ông ta nói được rằng khi người ta gọi-tên-một-điều-gì-đó, thì người ta nghĩ gì, biết gì, khao khát gì, mong muốn gì, thất vọng gì, chán nản gì? Ngôn-từ, dù được mổ xẻ dưới bất cứ hình thức nào, luôn luôn giữ tư cách là một hiện tượng tâm lí.

 Cần mượn đến một trong những hệ tâm-lí-học vĩ đại nhất nhân loại để biện hộ cho điều này. Phật giáo gọi mọi điều nói ra đằng miệng là Vacì-karma, khẩu nghiệp, nghĩa là những gì thuộc về nội tâm mà miệng nói ra. Ngôn từ là Nội tâm, hình thức của nội tâm là lời, phát ra thành tiếng gọi là nói. Tốt, thống nhất vậy nhé. Điều ta cần nghĩ đến bây giờ là: nội tâm nào thì biểu hiện ra thành danh từ (và ta sẽ còn hỏi tiếp, nội tâm nào thì biểu hiện ra thành động từ và tính từ?). Các nhà tâm lí trị liệu hiện đại, may thay, đều biết rằng thay đổi cách nói chuyện sẽ làm thay đổi cả tâm cảm và cách tư duy của thân chủ.

Phải thay đổi câu hỏi một chút: khi nào thì ta có một danh từ? Đó là khi ta đã-biết nó rồi. Như vậy bản chất của danh từ bao gồm hai yếu tố: nhận-thức và thời-gian. Đã-biết có nghĩa là: trong quá khứ có nhận thức về vật đó. Đây chính là tiền đề không thể tránh khỏi của định kiến và thiên kiến. Khi bạn bảo rằng bạn có một cô bạn gái xinh đẹp, thì bạn phải từng gặp cô ấy và biết rằng cô ấy xinh đẹp. Nếu có ai bảo với bạn rằng cô ấy xấu, bạn sẽ gạt phắt đi: Ôi không đâu, con bé xinh lắm!

Chúng ta tạo ra lời của mình, và bạn có tin không, khi lời thay đổi, chúng ta thay đổi (và đời chúng ta nữa, phải không?)

Vì vậy, còn có thể nói, những người nào thích gọi tên, thích dùng danh từ, thì rất quan tâm đến thời gian, và cũng rất quan tâm đến nhận thức, tri thức, hiểu biết về những chủ đề cụ thể. Nếu bạn gặp một anh sửa xe huyên thuyên về cái ống bô sản xuất năm bao nhiêu, qua mấy đời xe thay đổi thế nào, và giờ người ta dùng loại ống bô gì, thì đừng ngạc nhiên nhé, đó là đặc tính của những người danh từ.

 Họ đấy, những người-danh-từ.

2. Người danh-từ-quá-khứ

Vậy, nếu nhận thức là sự tích lũy và bản chất thường không thay đổi, giữ nguyên theo mỗi giai-đoạn, thì thời-gian lại có, và luôn thay đổi. Thời gian dẫu thay đổi thế nào, chỉ có ba dạng chính: quá khứ, hiện tại, tương lai. Do đó ta còn có thể nói, cũng chỉ có ba loại người danh từ ấy thôi.

 Loại người-danh-từ tiêu biểu nhất và căn bản nhất là loại danh-từ-quá-khứ. Họ sống với những điều đã biết, đầy thiên kiến, chỉ tìm hiểu thêm chứ không muốn thay đổi quan niệm. Đây là loại người bảo thủ, có xu hướng bài trừ người khác rất mạnh. Họ rất hay dùng thêm các từ chỉ bản chất không đổi, kiểu thế này: “Cái này vốn là…”, “Thật ra nó là thế này…”, “Em không hiểu rồi, nó là thế này này…”, “Đã là cái này thì nó phải là…”.

Cả một hàng những danh từ đi liền với những khẳng định chắc nịch như thế. Khi những người danh từ quá khứ đụng đầu nhau, thường có những cuộc tranh cãi dằng dai, nảy lửa, không hồi kết, nhiều khi là vô bổ.

 Đặc tính bảo thủ có thể giúp họ thành những người bảo vệ rất tốt. Trong một tập thể, không thể thiếu những người này, họ luôn định nghĩa mọi việc, bảo vệ những quy trình và quy tắc, nhận diện mọi người một cách thiên kiến và khó đổi, giữ gìn trật tự và sự sống của cơ quan. Đừng ngạc nhiên nếu một người phóng khoáng vào bộ phận hành chính nhân sự hoặc thanh tra xong bỗng biến thành ù lì, bảo thủ, khó tính. Sức mạnh của danh-từ và những đặc tính của nó thật ghê gớm, phải không? Cũng đừng ngạc nhiên khi thấy những người phải làm nghề chống sai lầm như kiểu công an, bộ đội, biên tập viên… ngày càng bám giữ các khái niệm, hạch sách, khó tính, soi mói, bảo thủ và định kiến. Việc tiếp xúc với quá nhiều danh-từ cũng khiến họ thành như vậy.

 Ta còn có thể nói gì?

Muốn biến một người phóng khoáng thành bảo thủ, hãy nói thật nhiều danh từ với họ. Một ngày nào đó khi họ bắt đầu bị xâm nhiễm, thì họ cũng vậy thôi.

3. Người danh-từ-tương-lai

 Dựa vào những gì đã biết, người ta thường suy luận và tiên đoán. Do đó dạng thức thực tế thứ hai của danh từ là danh-từ-tương-lai. Đừng sốc nhé, bạn lòng ơi, thật ra chúng ta quen sống trong tương lai hơn ta tưởng đó.

Khi bố của ta uống rượu đến đoạn cao trào, ta bật ra một ý nghĩ hoặc một lời nói không ngăn được: “Bố lại sắp hát đấy…” Dự đoán những trạng thái bằng động từ, ấy chính là dạng thức danh-từ-tương-lai.

Đã là người danh-từ, đương nhiên sẽ bảo thủ. Nhưng loại danh từ tương lai này có một thứ bảo thủ ít hiện hình hơn, họ ngấm ngầm hơn loại người danh từ quá khứ.

Họ giữ những ý nghĩ và định kiến trong lòng, âm thầm phán xét những điều không đúng ý họ hoặc không đúng cách hiểu của họ, rồi họ sẽ tung tóe những cách hiểu của mình khi được châm ngòi vào một dịp thích hợp. Ta có thể gặp những khoa học gia bị lãng quên, những con người mất tiếng nói, những kẻ yếu thế trong xã hội… Họ rất quan tâm đến việc được bộc lộ định kiến, tư duy, suy nghĩ cá nhân của mình, luôn ấm ức nhưng lại không dám nói ra.

Nhưng khi đã nói ra, thì có thể sẽ là những chuyện thật tệ hại. Họ có xu hướng đẩy vấn đề đến mức đạo đức hoặc phẩm chất. Bạn từng gặp chưa, một người phân tích cái sai của người khác trong trạng thái khinh khỉnh hoặc phẫn nộ, từ tốn hoặc liến thoắng, bình tĩnh hoặc sôi sục, và ta bất ngờ thấy hóa ra họ đã quan sát sai lầm đó suốt-một-thời-gian. Nghe quen đúng không? Đúng đó, những bà cô quá lứa lỡ thì, những nhân viên gạo cội trong một cơ quan, những ông già luôn muốn dạy bảo đám con cháu hỗn hào của mình, các nhà đạo đức phẫn nộ với cách mà xã hội đang vận động (và đương nhiên là những trí thức ít tiếng nói hoặc đang cố tỏ ra ta là kẻ hiểu tất xã hội này).

 Phải gọi đúng tên họ: NHỮNG NGƯỜI SOI MÓI ẤM ỨC, NHỮNG KẺ LẠC THỜI.

4. Người danh-từ-hiện-tại

Ta không biết điều gì là hiện tại, do đó danh-từhiện-tại là một hiện tượng khá đáng chú ý. Phép thử để phát hiện họ rất đơn giản.

Khi đi qua một bông hoa chẳng hạn, hãy chỉ vào bông hoa đó và thốt lên: Hoa Hồng Này. Rồi xem xem, nếu họ đáp:

Nên nói về họ thế nào? Họ là những người bằng lòng với hiện tại và hiện thực, những người đã cân bằng giữa tri thức mình có với thế giới mình sống. Họ có thể phức tạp hoặc đơn giản, quan trọng hơn cả là họ hãnh tiến, muốn khẳng định mình, chấp nhận sự thực nếu nó xảy ra là thế. Họ có định kiến nhưng không bị ràng buộc bởi định kiến, có thói soi mói nhưng không đem phán xét của mình biến thành hành xử thực tế. Họ thậm chí có thể chấp nhận cả đúng và sai, đố kị nhưng không biến thành ghen ghét. Nếu họ thành công, họ vui mừng. Nếu họ thất bại, họ xấu hổ. Họ biết ai hại họ, nhưng không đổ lỗi. Đương nhiên, họ có thể háo danh, nhưng không đến nỗi vì danh mà gây phương hại cho người khác. Như vậy là đã khá tử tế trong một đời bon chen rồi đó.

Tại sao họ kì lạ vậy?

Thời gian có một đặc tính ngoan hiền nhất: Hiện tại. Hiện tại là thứ chưa được nhận thức, sẽ được nhận thức sau khi trôi qua. Nó tồn tại mà không hiển hiện. Nó xảy ra mà không gây ra. Nó có thể đau buồn, nhưng chưa thấm sâu. Nó có thể gây tổn thương, nhưng không nhiễm trùng. Nó có thể tốt đẹp, nhưng chưa thành lợi ích. Nó có thể may mắn, nhưng không thành chờ thời. Hiện tại là một sát na, vì sau mỗi một phần tỉ giây thôi hiện tại cũng qua rồi. Mọi tôn giáo và các phép trị liệu đều ngợi ca hiện tại, vì có một điều lạ kì ở trong hiện tại: một cái gì đó là mình mà không cần phải tự khẳng định. Thật an nhàn, thật tự tại. Đúng hơn: thật đơn giản. Chỉ khi sự việc qua đi, trôi vào quá khứ hoặc cần phải suy đoán từ nó, thì người ta mới thấy rằng: sự việc phức tạp, cần độ lùi, cần nhìn nhận, cần quan sát…

 Con người danh từ hiện tại, vì thế, là những người tích cực hiếm hoi.

Ai chấp nhận hiện tại và gọi tên mọi thứ theo hiện tại, ấy là những người có-thể-hạnh-phúc.

Hãy thử nghĩ mà xem, chúng ta ai cũng đều thấy một tòa nhà 21 tầng, rồi một ngày nọ, có một tòa nhà 22 tầng trước mắt chúng ta. Khi đó có mấy lời thốt ra:

Bạn thường gọi họ là gì? Quen thuộc lắm, họ là nghệ sĩ, những người sáng tạo, những người tìm tòi cái mới, những kẻ khai phá, những người tìm đường. Họ hiểu hiện tại như-nó-là, nhìn và gọi tên hiện tại như phút nó xuất hiện. Sau đó họ mới lí giải nó. Họ dễ trầm trồ trước những cái gây ấn tượng, thậm chí họ thích gây ấn tượng. Họ thích cái thời thượng, đôi khi lòe loẹt. Họ dễ có cảm tình với những người tìm đến họ tâm sự (vì những người tìm đến họ luôn đang-xuấthiện với họ). Có quá nhiều điều để nói về họ.

Và như thế, còn cần phải nói với nhau rằng, ai hiểu được hiện tại, kẻ đó khai sáng.

Sự khai sáng, tạo lập luôn là: một hiện tại. Những kẻ đang: sáng tạo. Những kẻ đã: bảo thủ. Những kẻ sẽ: soi mói. Đó chính là đặc tính của danh từ và cũng là đặc tính của những loại người ưa sử dụng những mẫu danh từ nhất định.

 Bạn định đối xử với họ thế nào? Quá phức tạp đúng không? Muốn  hiểu họ, phải hiểu những câu nói VẠN NĂNG.

 (Trích sách: Cất tiếng làm điếng thế gian - Những câu nói làm lay động linh hồn ngay trong bàn tay bạn - OOPSY)


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147