Trang chủ Blog Giao tiếp xã hội

Tôi nên làm gì khi có người nói rằng họ muốn tự tử?

By: OopsyAdmin, 2018-08-06 03:07:14

Ai cũng có đôi lúc cảm thấy mệt mỏi, trì trệ hay cáu giận khi phải đối diện với quá nhiều áp lực trong cuộc sống, từ chuyện trường lớp, công việc cho đến các mối quan hệ xung quanh. 

Tâm lý, oopsy

Với một số người những cảm xúc này chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng số còn lại thì không như vậy. Họ thường cảm thấy buồn chán và tuyệt vọng, thiếu đi động lực và ý chí sống. Ngay cả một sự việc nho nhỏ cũng khiến họ phải suy nghĩ rất nhiều và không tìm ra được một hướng đi thỏa đáng.

Sự u uất, trầm buồn cứ kéo dài và ứ đọng ở đó, nó khiến họ bức bách đến mức nghĩ đến cái chết như là sự giải thoát cho tất cả. Sẽ ra sao nếu những người xung quanh bạn cũng có ý nghĩ như vậy?

Có thể bạn cho rằng người ta nghĩ đến cái chết trong nhất thời vậy thôi chứ còn lâu họ mới ''dám'' làm? Không phải vậy đâu, khi đã rơi vào hố sâu tuyệt vọng, họ là những người có khả năng biến những hành động tưởng chừng ''điên rồ'' ấy thành hiện thực nhất.

1. Những cử chỉ, hành động, diễn biến tâm lí của một người có dấu hiệu tự tử là gì?

- Họ luôn luôn nói về cái chết.
- Họ nói đến chuyện đi thật xa.
- Nói về việc cảm thấy vô vọng và tội lỗi.
- Mất dần kết nối với bạn bè và người thân, lúc nào cũng muốn ở một mình.
-  Không còn hứng thua để làm những việc mà họ yêu thích.
- Không thể tập trung vào bất cứ việc gì.
- Gặp vấn đề với thói quen ăn uống và nghỉ ngơi.
- Đôi khi chỉ cần trải qua một sự việc nào đó có tính tác động mạnh, stress hay một sự công kích về mặt tinh thần như sự ra đi của một người thân, sự đổ vỡ trong một mối quan hệ cũng làm phát sinh hành vi muốn tự tử với một người vốn đã có những vấn đề về tâm lí và những dấu hiệu đã nói ở trên.

2. Nếu bạn có gặp một ai đó có những vấn đề về tâm lí như trên đừng chờ cho đến khi họ thấy ổn hơn. Hãy nói chuyện với họ vì những người có suy nghĩ tự tử sẽ rất dễ dàng để chia sẻ nếu có ai đó hỏi han, quan tâm.

Dường như chúng ta rất ''ngại'' khi hỏi về một vấn đề nhạy cảm như vậy, sợ rằng đó sẽ là mầm mống thôi thúc họ biến suy nghĩ thành hành động nhanh hơn? 

Sự thật là không phải vậy. Khi bạn chân thành chia sẻ, họ sẽ có cảm giác bớt đơn độc hơn, họ sẽ thấy được quan tâm, an ủi và dám đối diện với những bóng tối đang nhấn chìm họ hơn. Điều đó còn cho họ thấy rằng còn một giải pháp khác ngoài việc tự hành hạ bản thân, và rằng cuộc sống tràn ngập ánh sáng và hạnh phúc ngoài kia còn đang đón đợi họ.

- Hãy lắng nghe họ mà không phán xét. Lúc đầu, họ sẽ thấy thật khó để có thể mở lòng chia sẻ với người khác. Nên hãy cho họ cảm giác rằng bạn luôn ở đó và thực sự quan tâm đến họ, khiến họ cảm thấy thoải mái, cùng họ giải quyết vấn đề.

- Và bạn phải nhớ chắc chắn rằng, chỉ cần còn một người trên đời này khiến họ có thể mở lòng, có thể cảm nhận được lắng nghe được chia sẻ, thì họ sẽ dần dần vượt qua nó. 

-  Dù đã hứa với người ấy rằng sẽ không nói với ai, nhưng bạn cần nhận thức được là những hiểu biết của bạn sẽ không thể giúp được cho họ thoát khỏi tình cảnh ấy. Vậy nên hãy nói chuyện với những người có chuyên môn, những trung tâm chăm sóc sức khỏe nhờ xin tư vấn.

-  Hãy quan tâm nhiều hơn tới bạn bè, người thân xung quanh mình. Nếu chẳng may thấy họ có những bất ổn về tâm lí hay buồn bã kéo dài liên miên hãy ở cạnh và quan tâm họ vì rất có khả năng họ đang có kế hoạch hủy hoại bản thân mình.

- Nếu như, thật không may mắn, họ vẫn chọn cách ra đi là giải pháp, đừng bó buộc mình bởi những cảm giác tội lỗi, rằng giá như mình làm thế này thì mọi chuyện sẽ khác đi. Đây không phải là việc bạn có thể kiểm soát vì chí ít bạn cũng đã an ủi và sẻ chia một phần nào đó với người ấy.

John Lạc Quan - một tác giả của Oopsy

 


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147