Trang chủ Blog Introvert

6 nguyên tắc nhất định phải nhớ khi "vạch mặt thiên tài nói dối"

By: OopsyAdmin, 2018-10-06 16:00:26

Bạn đã biết về Phương pháp bóc tách lời nói dối đặt nền trên ba bước (ba qui tắc) thế này:
(i) tất cả những gì nói ra ngay lập tức thì không phải là sự thật; 
(ii) những gì người ta nói là người ta tin, hoặc là họ tưởng mình tin, đều không phải là sự thật; 
(iii) bản thân người nói dối không thật sự biết sự thật, nói cách khác người ta không biết đến sự thật sâu trong mình.

Vậy để biến những phương pháp đó trở thành tư duy trong bạn thì sao?

Muốn thế, có những quy tắc và vấn đề sau trong tư duy bóc tách bạn phải ghi nhớ khi thực hành bóc tách.

Thứ nhất, hãy ghi nhớ câu trả lời cho vấn đề: 
- Tại sao chúng ta phải bóc tách sự thật? 
- Tại sao về mặt tâm lý, gọi tên sự thật ra ngay lại khiến cho người ta phản cảm?
- Tại sao sự-thật-phải-thật-sự được bóc tách từng lớp, từng lớp một?

Hãy tưởng tượng một hình tượng như thế này, sự thật bị bọc ở trong nhiều lớp chồng xếp lên nhau giống như chúng ta bọc lại, theo nghĩa đen.

Ví dụ bạn bọc một chiếc điện thoại lại, bạn sẽ quấn giấy một lớp, quấn thêm một lớp khác, quấn thêm một lớp khác nữa, quấn cho đến lúc mà cái điện thoại này không còn nhận ra được nữa, chỉ giống một mớ giấy cuộn.

Sự thật trong bạn được bọc trong rất nhiều lớp như thế, có chống sốc, chống va đập, chống nước, chống bụi... sao cho chúng ta cứ việc đưa lời nói dối ra bảo vệ cho hành động của mình.

Thứ hai, trong tư duy bóc tách, lại phải tránh thói phán xét.

Thói phán xét sẽ khiến bạn hiểu nhầm sâu sắc và áp đặt các thiên kiến lên người khác, thậm chí bạn có nỗ lực biến sự hiểu nhầm của mình thành sự thật về người khác.

Phán xét kéo lệch khỏi sự-thật, và trong mọi nỗ lực bóc tách, tâm tình sẽ càng đi lệch khỏi vấn đề.

Thứ ba, tư duy bóc tách yêu cầu bạn phải tin rằng: Sự thật luôn nằm sau điều được nói ra.

Thật ra mọi khoa học đều đặt nền tảng trên một thái độ tương tự. Mọi khoa học đều cho rằng động lực của những hiện tượng mà ta thấy nằm sâu trong những ta không-thể-thấy.

Nhà vật lý tin rằng “lực” hoặc “năng lượng” là động lực của các hiện tượng vật lý. Nhà sử học tin rằng những quy luật lịch sử chi phối các sự kiện và kiến tạo nên xã hội qua các thời kỳ.

Nhà hóa học cho rằng phản ứng ở cấp độ phân tử quyết định những tương tác giữa các chất…

Và theo đó, nhà tâm lý học tin rằng những hiện tượng tâm lý luôn có một động lực sâu thẳm hơn, động lực này mới là sự thật, còn cái biểu hiện ra thành cảm xúc kia chỉ là vỏ ngoài, không đáng tin, luôn thay đổi.

Khi bạn sử dụng phương pháp bóc tách, bạn sẽ kiểm nghiệm được điều ấy không khó khăn gì.

Thứ tư, tư duy bóc tách đòi hỏi bạn hiểu các biểu tượng và biết đâu là các biểu tượng cốt lõi.

Bạn đã biết rằng mọi thứ ta “triệu hồi” trong lời nói dối đều là các biểu tượng dùng để đánh lừa và dẫn lối nhận thức. Nhưng mỗi lời nói ra đều viện đến các biểu tượng khác nhau, vậy đâu là biểu tượng trọng tâm, biểu tượng “sau chót”, lớp áo giáp cuối cùng của lời nói dối?

Có ba lý do khiến bạn không hiểu được các biểu tượng:
(i) bạn quá không muốn hiểu người khác; 
(ii) bạn chưa quen và chưa có kỹ năng bóc tách; (iii) người nói dối đưa ra các biểu tượng giả.

Thứ năm, đôi khi bạn phải chấp nhận lời nói dối của người khác ở một mức để duy trì quan hệ.

Bình thường những mối quan hệ trong cuộc sống đôi lúc phải duy trì theo một dạng khá hình thức, giả dối. Bạn phải cho họ tiếp tục mơ mộng và ảo tưởng, giống như thể là cho con ngựa ăn cỏ, cho mèo ăn thức ăn mèo, cho hổ báo ăn thịt sống, đó chỉ là để chúng tiếp tục tồn tại.

Lời nói dối không ngẫu nhiên tồn tại, nó có chức năng của nó. Chí ít, nó là hiện thân của ba thế lực: những lời hứa hão, tình yêu thương cửa miệng và định kiến độc ác. Cũng có khi con người chỉ muốn bày tỏ một cảm xúc để giải tỏa những ức chế trong nhiều ngày, bạn biết đó chỉ là mượn chuyện mà giải tỏa cảm xúc, bạn vẫn phải hùa theo.

Ví như có một người hớt hải nói với bạn rằng: “Trời ơi, em lo quá! Lương tháng này tự nhiên em bị trừ một khoản rất là lớn, em không biết phải làm gì”. Có thể, để duy trì quan hệ, bạn sẽ phải cho họ tiếp tục lo lắng như thế. “Eo ơi chết thật, thế bây giờ làm thế nào?” Bạn phải tỏ ra đồng cảm. Bạn cũng phải “nói dối”.

Thứ sáu, hãy nhớ thái độ của người có tư duy bóc tách: đối diện với thế giới của lời nói dối, chứ không đối diện với một con người dối trá.

Một người nói dối, thì đó là vì thói quen nói dối và bao nhiêu những biểu tượng lừa dối nơi đời sống xâm nhiễm anh ta, chứ anh ta không phải là kẻ dối trá.

Nếu bạn bóc tách ai, hãy giúp người đó gạt bỏ thói nói dối, giúp cho họ có khả năng tư duy về chính mình, có thể cân nhắc, lựa chọn, trả giá, chịu trách nhiệm và có thể phục hồi những phẩm giá và lòng chân thành trong người đó. Xua đi mây mờ, trăng sẽ sáng lại, đúng như câu nói của cổ nhân: “Vén mây, thấy trăng”.

Khi bạn bắt đầu thực hành bóc tách sự thật, bạn chỉ cần bóc tách cho khoảng 10 đối tượng trở lên là bắt đầu có một tư duy bóc tách thật sự. Trong quá trình thành thạo việc bóc tách tâm lý của người khác, sẽ nảy sinh một loại tư duy chuyên sản xuất các ý niệm bóc tách.

Thật vậy, dần dần, khi đã quen bóc tách người ta, bạn bắt đầu có một khu trí óc chuyên sản xuất loại tư duy bóc tách. Điều đó cũng như khi bạn quen mặt chữ và viết thường xuyên, não bạn sẽ có hẳn một khu vực, một loại tư duy dành cho việc viết.

Đó chính là lúc để nhắc lại, bạn không đối diện với con người, bạn đối diện với lời nói dối.


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147