Trang chủ Blog Introvert

Chúng ta có đang tự biến mình thành những con người yếu đuối và bạc nhược của xã hội?

By: OopsyAdmin, 2018-07-26 18:06:52

1. World Cup hay bóng đá nói chung có lẽ vẫn là một khung cảnh hợp lí nhất để ta tiện quan sát toàn bộ tâm lí đám đông. Gần nhất là trận chung kết World Cup, tôi đọc được khá nhiều bài viết trên toàn thế giới phân tích tâm lí và cục diện để chứng minh là Pháp sẽ thắng. Ai cũng biết chắc chắn gần như 99% Pháp thắng, Pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn, nhanh hơn, kĩ thuật hơn… 

Nhưng trong tâm trạng của một nhóm số đông thì họ vẫn hi vọng, kì vọng và có cùng một phản ứng trong lòng là khao khát chiến thắng của Croatia. Khao khát được thấy một đại diện cho nhóm yếu thế được thắng một kẻ manh. Cuộc lật đổ của những người bên dưới vươn lên để thắng bên trên, một quốc gia nhỏ bé thắng một quốc gia sừng sỏ…

Thật ra rất nhiều đất nước, họ có cái tâm thế xã hội ấy, vẫn là cái tâm thế của xã hội người dưới, yếu đuối và cầu mong một phép lạ. Có hai từ mọi người rất hay nhầm với nhau, một là “minority”, tức là các nhóm nhỏ, chẳng hạn những người đồng tính, nhóm Hippe là một nhóm nhỏ trong một xã hội bất kì; và thứ hai là nhóm như kiểu nhóm weak, tức là nhóm yếu thế. Yếu thế không nhất thiết là nhỏ, mà có thể rất đông, những con người không có tiếng nói trong xã hội. Nhóm người này, trong lịch sử, họ rất cần các phong trào xã hội. Mà các phong trào xã hội thường mang tính chất lật đổ một trật tự nào đấy. Đặc biệt trong nhóm người yếu thể nhất của xã hội, thường sẽ là thanh niên, họ mới bắt đầu mang đầu óc cách mạng, khoảng từ 15 cho đến 27 tuổi. Trong vòng 10 năm đấy là 10 năm nổi loạn, tư duy nổi loạn ghê gớm. 

Tâm lý học đám đông, tâm lý, oopsy

Chẳng hạn đơn giản, một nhóm sinh viên, khi họ biết thêm một điều gì đó hay ho thì họ cảm thấy khinh ông thầy họ lắm, cảm thấy bố mẹ cổ lỗ. Họ biết một điều mà thầy họ không giảng được, hoặc là thầy không biết đến, họ âm thầm vui vẻ với cảm giác ông thầy này cũng bình thường thôi. Những con người yếu thế họ có đầu óc rất nổi loạn nhưng nó là tâm thế, không nói nó là bất ổn, không nói nó là xấu, và tất nhiên điều ấy cũng có đóng góp cho sự phát triển xã hội, nhưng quả nhiên tâm thế ấy nó tồn tại, và khi người ta không vượt lên được cái tâm thế ấy thì vĩnh viễn người ta là một người yếu thế, mang theo cái uất hận vào xã hội.

Và cái xã hội đau đớn nhất khi những người này có tài năng, xong bị đẩy vào tình cảnh yếu thế. Và họ, thay vì tìm cách bứt lên, đáng lẽ họ phải được rèn luyện bản lĩnh suốt thời tuổi trẻ thì họ không rèn luyện được bản lĩnh, không được quen bản lĩnh sống còn.

2. Bạn biết đấy, xã hội thật ra có ba loại:

Tâm thế (tâm trạng) đúng nhất cách sống đúng nhất của những người nghèo, của những người yếu thế là SỐNG-CÒN, làm sao để TỒN TẠI (ở đây không bàn gì chuyện ai giàu ai nghèo, chỉ đang nói về những con người trong nhóm đó, nghèo hơn, khó khăn hơn, không có địa vị, gia thế, có thể là cả tôi và bạn đều thuộc nhóm này). 

Tâm thế đúng nhất của nhóm người trung lưu là TÌM RA Ý NGHĨA SỐNG. Còn tâm thế nhóm thượng lưu, rich kid sau này lớn lên phải là làm sao để học cách dùng tiền để đầu tư được, làm sao để quản hai nhóm bên dưới, tức là làm sao để thống trị những người bên dưới. Đấy là ba tâm thế lành mạnh của xã hội thông thường. Bằng tâm thế đấy thì họ sẽ luôn luôn BIẾT VƯƠN LÊN. 

Cho nên một người thuộc nhóm thượng lưu mà không có Ý TRÍ THỐNG TRỊ điều hành đám đông thì dần dần họ sẽ lụi tàn, họ sẽ chỉ biết tiêu pha chơi bời hưởng thụ. Một người trung lưu không có khát khao đi tìm ý nghĩa sống, một lí tưởng để hướng tới, tìm ra những giá trị thì tự nhiên họ sẽ tầm thường và vật vờ qua ngày đoạn tháng. 

Còn nhóm người bên dưới yếu thế hơn đó, nếu họ không có ý chí SỐNG-CÒN, thì tự nhiên nó sẽ lụn bại. Nên là đáng lẽ nhóm yếu thế và đặc biệt là tuổi trẻ phải được rèn luyện ý chí sống còn, biết vượt qua khó khăn, biết xông pha bươn trải, biết cam chịu, biết nỗ lực, biết chịu nhục… nếu không có những cái đó thì họ bắt đầu bị hòa nhập vào không khí trung lưu giả tạo của tri thức. Bởi vì tri thức, môi trường hiện đại của tri thức gọi là môi trường dân chủ. Thế là nhóm người yếu thế họ sẽ mất dần khả năng sống còn, nó không còn bản năng tranh đấu sự sống còn của mình nữa, không có khát vọng vươn lên nữa.

Còn đúng ra họ là những con người có ý chí sống còn mạnh mẽ lắm. Kiểu như người ta vùi dập đay nghiên thế nào cũng không làm họ gục ngã, hoặc bị người ta quăng quật thì họ cũng tìm cách sống sót họ rèn luyện để bản thân giỏi nhiều cái khác nhau, họ cố gắng nhịn nhục để đi lên đi lên. Không được ai thừa nhận thì họ vẫn đi tiếp. 

Cái sống còn, bạn biết là, biết thu mình lúc này, xong biết tỏa phát sau này, biết rèn luyện móng vuốt của mình, biết mài nhọn răng nanh của mình, biết làm cho thân mình chạy nhanh hơn, thì những cái đấy nó rất hiếm và chỉ có một số người trong xã hội làm được thôi. Thì dần dần cái đấy họ sẽ thành một con dã thú chạy rất nhanh, khỏe, và đến lúc ứng vào thời đại của nó là nó chạy, nó sống rất là tốt. Những con người thành công đi lên từ hai bàn tay trắng bạn nghe quen rồi đó.

Và kể cả nếu như họ giỏi mà không gặp đúng thời, nếu như tuổi trẻ trôi qua mà không gặp thời, thì một ngày nào đấy họ vẫn là một nhân vật trải nghiệm, sống ổn định. Bởi vì bản năng sống còn giúp nó du nhập vào, một nhánh bình ổn của xã hội. Nhưng đáng buồn thì đó là số ít, còn lại vẫn là một đám đông yếu thế nhưng bạc nhược lồng lộn, không có ý chí sinh tồn nhưng thường xuyên tìm chỗ để phát tác tâm cảm của mình, những anh hùng bàn phím, những kẻ ném đá giấu mặt, đám đông độc ác ấy, yếu lắm, cố gắng lật đổ những kẻ mạnh trong vô vọng, mà không có ý chí biến mình trở thành kẻ mạnh mẽ thực sự.

Cho nên một khi đã không có bản năng sống còn giống như những người yếu người ta không có bộ máy miễn dịch tốt, khi hàng bên ngoài vào, hay là khi lực lượng bên ngoài chen vào, mua hết phần đất, khi tài nguyên bị phân xẻ rồi, thế là đất nước vẫn cứ trơ khấc, cứ sống lần lần, cứ hèn hèn sống tiếp, kiểu dạng thế. 

3. Điều đáng buồn chỉ để nói là xã hội tiêu dùng làm người ta mất đi bản năng sinh tồn. Chứ còn người Việt Nam trong truyền thống bản năng sinh tồn của họ khủng khiếp. Trông lành lành lành, nhưng quật ngã họ không dễ. Thế nhưng đến lúc xã hội giả tạo và đô thị làm triệt tiêu sức mạnh của lớp tinh hoa – lớp có trí tuệ thì thật khó nói…Cho nên nếu có cách nào có thể truyền không khí lành mạnh hơn, mạnh mẽ hơn, mang tính chất sinh tồn hơn cho những người yếu thế, thì điều đó thật có giá trị.

Chứ bây giờ đám đông xã hội ủng hộ cuộc sống của người yếu mà không có nỗ lực thế đến mức bảo là “Thôi cứ làm người như thế đi, chẳng sao cả, cuộc sống mà”. Văn chương cho đến mọi thứ, nó chính là cảm xúc của một xã hội lệch lạc và nó tăng cường tính giả tạo của giới trung lưu. Cứ là mình thôi mặc kệ đời.

Một không khí ẽo ợt, bạc nhược, nó truyền vào người ta, đỡ cho người ta phải đi tìm ý nghĩa sống thực sự, không cần người ta phải phấn đấu, sinh tồn. Nó chả cần cho người ta một ý chí thống trị nào. Tức là nó là phần bạc nhược mà cả ba nhóm này hễ trượt ra khỏi đều rơi vào. Nhóm quý tộc mà trượt ra khỏi tinh thần quản trị, xây dựng của nó là nó lại rơi vào u uẩn. Nhóm trung lưu trượt ra khỏi tinh thần đi tìm ý nghĩa sống, giá trị sống, nó rơi vào buồn chán. Và nhóm nghèo yếu thế trượt ra khỏi sinh tồn của nó thì nó rơi vào kiểu căm tức phẫn uất thù ghét xã hội. Ba nhóm này hợp nhất, nó rất ứng với không khí lệch lạc của xã hội.  

Thế nên là sẽ khó khăn cho những ai muốn thay đổi đám đông ấy, trong cuộc chiến chống lại con ác quỷ lan truyền những thứ thông tin, những cảm xúc lệch lạc ấy. Mong là những con người biết nỗ lực dù mệt mỏi thì cũng có thể làm nhiều hơn thế để giúp nhiều người vượt ra khỏi cái định mệnh xã hội.

HHHT - một tác giả của Oopsy


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147