Trang chủ Blog Introvert

Cớ Sao Ta Ngại Ngùng?

By: OopsyAdmin, 2019-10-31 11:58:10

Hỏi: Làm thế nào để phân biệt được bản tính thật của bản thân và sự ngụy biện mà bản thân tạo ra ạ? Kiểu như phân biệt giữa việc không thích giao tiếp với con người vì vốn thế với vì tự ti, ngại ngùng??

Chúng ta đều ngại ngùng với thế giới xung quanh. Những lần đầu gặp người khác, ta chẳng muốn bộc lộ mình mấy, càng chẳng muốn chân thành. Phải qua thời gian rất dài, nỗi xa lạ đấy mới vơi bớt. Tuy thế, đâu phải đã hết ngại, mỗi khi ta làm sai điều gì, hay muốn mình trở nên hoàn hảo trong mắt ai. Ta ám ảnh, e dè, mất kiểm soát. Dần dần mất đi ý thức về chính ta, đấy là ở một mức cực đoan mà nói. Còn không, ta thường có xu hướng bất ổn, lúc thì tự cao, lúc thì tự ti, hiếm khi trung dung, cân bằng được ở giữa. Thế nên làm sao?

Đầu tiên, cứ hiểu về cái tính ấy trước đã.

E dè ấy mà, liên quan đến một cơ chế của thân thể chúng ta. Thân có xu hướng tự bảo vệ để sinh tồn, đồng thời hay đề phòng người khác.

Tưởng tượng như chúng ta đang rơi vào một hoàn cảnh bị nguy cấp (giống như khi bạn chơi trò game đánh nhau ấy), khi thân thể nhận thấy sự xuất hiện của đối phương, nó lập tức phát tín hiệu báo cho chúng ta biết về điều đó, buộc chúng ta kịp tìm ra giải pháp. Chẳng hạn nhịp tim tăng lên, các mạch máu căng ra, mồ hôi tiết nhiều hơn. Cảm xúc cũng thay đổi theo, như hồi hộp, dễ kích động, trí não vận hành gấp gáp, mọi nơ-ron thần kinh phát huy hết công suất nhằm tìm ra giải pháp chiến đấu. Lúc này toàn thân chúng ta xuất hiện một tiếng nói chung. Tiếng nói chung này, một mặt là đánh giá, lượng định tình hình, mặt khác chỉ huy cả một tập đoàn (chính là thân thể chúng ta đấy) để đối phó với tình huống.



Do đâu mà có những điều ấy?

Theo lí giải của Y học, sự bảo vệ - phòng thủ này liên quan đến vùng hạnh nhân (amygdala - hai khối xám nhỏ có hình quả hạnh), nằm ở sâu trong vỏ não. Đó là một chùm thần kinh, là nơi xử lý các yếu tố gây cảm xúc ở con người.

Khi chúng ta nhận được những tín tức – thông tin từ bên ngoài chuyển đến, những thông tin có tính khẩn trương sẽ được vùng Đồi thị (một vùng sâu hơn nữa – cứ tạm hiểu thế đi) gửi thẳng đến Hạnh nhân. Nhiệm vụ của Hạnh nhân là thông qua những gì đã có trong kho hoài niệm nằm ở vùng Hồi hải mã (nằm sát bên cạnh nó) để cấp tốc phát ra những mệnh lệnh, từ đó các bộ phận có liên quan phải chấp hành luôn. Đồng thời, Hạnh nhân phong tỏa mọi con đường đưa tin còn lại, bằng cách ra lệnh tiết ra những chất như Adrenaline (thiên thần của nỗi quá khích), nhằm nâng cao mức độ cảnh giác, đề phòng và chiến đấu. Khi làm những công việc khẩn trương này, Hạnh nhân không cần phải “tham khảo” ý kiến của Vỏ não.

Hiểu một cách đơn giản, Hạnh nhân có nhiệm vụ chính yếu là điều hợp và quản lí đời sống cảm xúc. Chính vì lí do và sự vận hành như thế, khi cảm xúc “lên ngôi”, mọi con đường của Tư duy đều bị phong tỏa, tê liệt và vô hiệu hóa. Bạn có thể nghĩ lại cảm giác này. Khi chúng ta tràn đầy cảm xúc, như yêu thương ai đó quá, hay cực tức giận vì điều gì, hoặc quá sợ hãi vì một ai, chúng ta chẳng thể tỉnh táo nghĩ nổi điều gì nữa. Và hành động của chúng ta hoàn toàn chỉ mang tính bản năng.

Lấy ví dụ như bạn đang đi trên đường, có một người lao đến ôm chầm lấy bạn. Trong khoảnh khắc giật mình thảng thốt thế, bạn vùng chạy khỏi người này càng nhanh càng tốt. Lúc đó hẳn bạn sẽ không “kịp” để nghĩ rằng họ là kiểu người gì, chẳng ý thức được là mình đang chạy thế nào, vận tốc nhanh hay chậm, lực so với người kia là lớn hay nhỏ hơn, làm sao để người ta không đuổi theo được. Điều ấy cho thấy rằng bạn đã hoàn toàn bị những cảm xúc chi phối, đến mức lí trí chẳng thể nghĩ ngợi điều gì.

Đấy là lí giải sơ qua về mặt y học. Và dù bạn nhận ra hay không, những cơ chế như thế vẫn đang chi phối bạn hằng giờ.

>>> Tham khảo sách BIẾT ĐÚNG BIẾT SAI THIÊN TÀI LOGIC - Ryu Vội Vã


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147