Trang chủ Blog Introvert

Nhìn dấu hiệu - hiểu chính mình

By: OopsyAdmin, 2018-10-24 12:30:31

Bạn có tự tin rằng mình nhận biết được ai là người hướng nội? “Dễ ợt, đó là người luôn yên lặng trong các cuộc gặp mặt, thích ở nhà hơn là đi chơi.” Đừng nhầm nhé. Rất nhiều chuyên gia trong các hoạt động xã hội là người hướng nội. Ngạc nhiên chứ? Có nhiều loại người hướng nội, cũng nhiều loại tính cách bộc lộ ra.

Thậm chí nhiều người còn không nhận ra mình là người hướng nội, bởi vì họ thấy mình không nhút nhát. Ôi, hiểu lầm này bao giờ mới được giải khai đây. “Hướng nội là một tính cách cơ bản, nên nếu chỉ tìm hiểu ở khía cạnh xã hội – xem người đó quan tâm tới điều gì – thì chỉ hiểu được một phần rất nhỏ của người hướng nội” – Marti Olsen Laney, chuyên gia tâm lí trị liệu đồng thời là tác giả của cuốn sách The Introvert Advantage cho hay. Người hướng nội có khả năng phản chiếu mọi điều của cuộc sống trong đời sống của họ. 

Khả năng phản chiếu này rất đặc biệt, nên cũng đâu có gì lạ nếu bạn hiểu lầm. Năm 2010, hiệp hội tâm thần Hoa Kỳ thậm chí đã cân nhắc coi “tính cách hướng nội” như một chứng rối loạn bằng cách liệt kê trong sổ tay Chẩn đoán và Thống kê (DSM-5), một cuốn sổ được sử dụng để chẩn đoán bệnh tâm thần cơ đấy. Thế mới biết người hướng nội bí ẩn ra sao. Nhưng chớ lo, ngày càng có nhiều người hướng nội đứng lên nói rõ cho mọi người hiểu thêm về kiểu dạng yên tĩnh đó, nên người hướng nội sắp được mọi người hiểu hơn rồi. Cả bạn nữa, bạn đã hiểu chính mình hơn chưa?

Nếu vẫn đang thắc mắc chưa biết bản thân thuộc dạng người nào, hay phần lớn thuộc dạng nào (vì hiếm ai hoàn toàn hướng nội hay hướng ngoại), bạn có thể tham khảo một số dấu hiệu của người hướng nội dưới đây. Ít ra, bạn cũng sẽ hiểu hơn về chính mình, hoặc những người có vẻ “bí ẩn” xung quanh mình. Thử tìm hiểu nhé.

Nhìn dấu hiệu - hiểu chính mình

1. Ở gần quá nhiều người khiến bạn cảm thấy rõ sự tiêu hao năng lượng 

Nghe chừng hơi lạ thường. Chúng ta chỉ thấy mệt khi hoạt động quá nhiều: làm việc nhiều, nói chuyện nhiều, và nghĩ rằng do từng bộ phận cơ thể phải vận động nhiều nên mệt. Thế thì làm gì cũng thế, liên quan gì đến ở xung quanh quá nhiều người?

Hãy tưởng tượng khi bạn trao đổi với một người, không chỉ cơ thể, mà cả cảm xúc và suy nghĩ sẽ cùng giao thoa. Theo định luật bảo toàn năng lượng, chúng sẽ cân bằng với nhau. Vấn đề ở chỗ (hãy thử tưởng tượng dưới cấp độ tế bào), nếu vật chất của bạn hình tròn hoặc hình vuông, vật chất của người khác hình tam giác hình thoi, vậy kết quả của quá trình giao thoa là gì? Không thể lấp bù vào như chúng ta vẫn nghĩ. Cái tổng thể chung có thể ra là hình lục giác, bát giác. Vậy còn với nhiều người? Chắc nó sẽ ra hình tứ-tung giác. Năng lượng khó cân bằng nếu không tương hợp, cũng giống như cơ thể chỉ hấp thụ được một lượng chất hạn chế từ đồ ăn thức uống, nên chắc chắn năng lượng tiêu tốn sẽ nhiều.

Người hướng nội nhạy cảm nên nhận thức được những biến chuyển tinh tế trong cơ thể, dù có thể chưa rõ ràng. Bạn có từng cảm thấy kiêt sức sau khi dành thời gian cho quá nhiều người? Bạn có cần những khoảng thời gian trống để ngừng nghỉ tự ngẫm nghĩ giữa các “hiệp” làm việc/ ăn chơi? Bạn đích thực mang phần nhiều tính cách hướng nội nếu cảm nhận rõ những điều đó.

Như vậy không đồng nghĩa với hành động trốn tránh các hoạt động xã hội đâu nhé. Rất nhiều người hướng nội thật sự biết cân đối giữa hoạt động và nghỉ ngơi. Họ có thể vẫn tham gia một cuộc hội họp, chỉ là cần dành thời gian sau đó để tự phục hồi, cân bằng lại năng lượng cơ thể. 

2. Tận hưởng khoảng thời gian yên tĩnh một mình

Bạn thường làm gì vào ngày nghỉ cuối tuần? 

Nếu bạn thường dùng khoảng thời gian rảnh cho những kế hoạch hoặc sở thích cá nhân, nhiều khả năng bạn là người hướng nội. Sở thích cá nhân có thể là đọc sách, viết lách, xem TV, làm đồ handmade hay đơn giản như đi bộ hòa nhịp với không gian xung quanh. Điều này không có nghĩa bạn chỉ làm một mình. Có thể đôi lúc bạn sẽ rủ một người bạn thân hoặc thành viên trong gia đình cùng thực hiện, mấu chốt vẫn là sự yên tĩnh tập trung vào tâm trí. 

Lí do bạn lựa chọn có phải bởi tư duy của bạn hoạt động tốt nhất trong lúc chỉ có một mình?  Dường như những ý tưởng sáng tạo, giải pháp tình thế… dễ xuất hiện trong khoảnh khắc đó. Bạn nhận ra cơ hội yên lặng phản chiếu cho phép bạn tiếp cận được năng lực thật sự bên trong, tạo ra kết quả đáng tự hào.

3. Bạn có một nhóm nhỏ bạn thân

Bạn thấy thoải mái an toàn trong một nhóm nhỏ bạn thân, ít có nhu cầu kết giao thêm bạn mới? Đương nhiên bạn vẫn rất thân thiện nếu gặp người cùng chung sở thích, nhưng bạn không chủ ý tìm kiếm họ. Có thể bạn vẫn tham dự những buổi hội họp chỉ bởi nơi đó có vài người bạn tốt thân thiết, chứ không tham gia vì mục đích gặp gỡ nhiều người. Bạn lựa chọn chăm sóc những mối quan hệ gắn bó sâu sắc thay vì tìm kiếm sự thú vị ở càng nhiều người càng tốt. Các mối quan hệ của bạn càng lâu bền càng sâu sắc chứng tỏ bạn là một người hướng nội, bởi chỉ có gắn kết về tinh thần mới giữ được con người thật sự ở gần nhau.

4. Không  hứng thú tương tác qua các thiết bị điện tử (điện thoại hoặc phần mềm tương tác trực tuyến)

Thái độ của bạn với chiếc điện thoại có thể giúp bạn hiểu mình hướng nội hay hướng ngoại. Thật đấy!

Nói chuyện: Dường như trả lời điện thoại không bao giờ là sở trường của người hướng nội. Gia đình hay bạn thân của bạn cũng cảm thấy nói chuyện với bạn qua điện thoại thiếu thoải mái thân thiện hơn gặp gỡ trực tiếp? Bạn bực bội vì mất tập trung khi tương tác qua các ứng dụng trò chuyện trực tuyến? Chào mừng bạn gia nhập vào nhóm những người hướng nội. Mặc dù bạn có thể trò chuyện hào hứng vui vẻ cả tiếng đồng hồ với một người bạn đặc biệt thú vị, cảm giác vô ích tốn năng lượng vẫn có thể nhen nhóm bên trong sau khi kết thúc cuộc đối thoại. Bạn có cảm thấy điều đó không? Điều này không chứng tỏ người hướng nội ghét cái điện thoại, chỉ đơn giản đó chưa phải sở trường của họ.

Nhắn tin: Bạn sẽ hồi đáp ngay lập tức khi tin nhắn đến hay suy nghĩ/ chờ khi bản thân đã sẵn sàng? Lựa chọn thứ hai chính là của một người hướng nội điển hình. Và kết quả có thể dự tính: hộp thư đến của bạn luôn nhiều hơn hộp thư đi (dĩ nhiên không tính tin nhắn quảng cáo).

5. Bạn được nhận xét là kín đáo, khó hiểu, và thường được hỏi ý kiến 

Nhiều người miêu tả bạn bằng những đặc điểm tính cách của người hướng nội như trầm lặng, dè dặt, kín đáo, khó hiểu… chứng tỏ có lí do. Dù bạn nghĩ mình vẫn tham dự các buổi hội thảo ồn ào, vẫn nói chuyện tầm phào với vài người, chắc hẳn xung quanh vẫn không mấy ai thật sự hiểu kiểu tư duy của bạn. Nếu thường xuyên được nhận xét như thế chắc 80% bạn đã nghĩ mình là người hướng nội?

Còn một điều đặc biệt, có bao giờ bạn thấy mình ít khi chủ động nêu ý kiến, mà vẫn được mọi người hỏi ý kiến? Nguyên do bởi (i) người hướng nội luôn biết lắng nghe và cân nhắc trước khi nói ra, nên ý kiến họ có giá trị; (ii) mọi người khó hiểu tư duy của bạn, nên họ cần ý kiến của bạn để có một cái nhìn toàn thể kiểu “Ở bên ngoài tầm hiểu biết của mình.” Điều này đặc biêt xảy ra trong các cuộc họp nhóm kéo dài mà chưa đi đến cái đích cuối cùng.

Hội tụ đủ cả hai nhân tố, chúc mừng bạn lên thêm một nấc thang tới thế giới của người hướng nội.

6. Khả năng tự nhận thức

Bạn sẽ làm gì những lúc vướng rối? Tìm ngay tới một chuyên gia/ người quen thân hiểu biết để hỏi ý kiến, hay chủ động đọc sách tra mạng tìm hiểu thông tin?

Hai phương cách trên không đại diện cho hai loại tính cách. Chỉ đơn giản để xem bạn lựa chọn tự cố gắng hết sức mình rồi mới tìm sự giúp đỡ hay lập tức tìm nguồn hỗ trợ bên ngoài. Người hướng nội thường thích tự lực, tự học. Họ sẽ tìm hiểu nghiên cứu vấn đề trước để hiểu điều mình chưa nắm được ở đâu, sau đó tìm đúng điểm cần tìm. Có thể sau đấy họ vẫn cần tìm người hỗ trợ, có điều nhờ nhận thức trực diện vấn đề, họ tránh được lan man mất thời gian.
Hơn nữa, người hướng nội có xu hướng thích suy nghĩ và trải nghiệm về những điều bên trong tâm trí.

Họ dành phần lớn thời gian để nhận thức, khám phá, thấu hiểu bản thân, bởi lĩnh vực tâm lí, tinh thần cần sự trải nghiệm sâu sắc của từng cá nhân. Điều này có thể liên quan đến lựa chọn những thói quen, sở thích như đọc sách, suy nghĩ về giá trị cuộc sống, hay đam mê thấu hiểu ý nghĩa từng tương tác - hành động. Nếu bạn thấy mình có khả năng thấu hiểu bản thân như động lực và cảm xúc, ý nghĩa từng việc làm, cử động… chắc chắn bạn là người hướng nội.

7. Rất giỏi học qua quan sát 

Cách tự học nói lên tính cách của bạn.
Người hướng ngoại thích trải nghiệm trực tiếp, học qua thực hành, cứ thử - sai rồi sửa. Họ thích gần cận trực tiếp với thầy dạy, dụng cụ, sách vở, đồng nghiệp. Còn người hướng nội thích học qua quan sát – có thể sao chép lại sau vài lần nhìn người khác thao tác. Với những kĩ năng cần trực tiếp thực hành, họ thà tự rèn luyện ở nhà cho thành thục hơn là tới nơi có người lạ nhìn thấy (như các lớp học, khóa đào tạo). 

Bạn thích (và thường) học theo phương pháp nào? Nếu bạn thích tự học bằng quan sát, có khả năng bạn mang phần nhiều tính cách hướng nội.

8. Bạn bị cuốn hút bởi những công việc tự do

Bạn thích làm công việc có tính chất tập trung cao độ, tự do, ít tương tác trực tiếp hay công việc cần sự phối hợp cùng nhiều người? Người hướng nội chọn những công việc cần làm việc độc lập như: nhà văn, kế toán, lập trình viên, thiết kế đồ họa, kiến trúc sư, dược sĩ, nghệ sĩ… Các công việc này phù hợp với đặc tính: tập trung, ít tương tác tiếp xúc xã hội. Tuy vậy, nhiều người hướng nội cũng lựa chọn các công việc khác như bác sĩ tâm lí, giáo viên, biên tập viên… Lựa chọn công việc tùy thuộc vào giá trị một người muốn hướng đến chứ không chỉ giới hạn trong tính cách cá nhân. Mọi công việc đều có thể được thực hiện bởi người hướng nội hoặc hướng ngoại.
 
Bạn thấy bao nhiêu phần “giống giống” với mình? Nếu nhiều hơn 5 phần, khả năng tính cách trong bạn có bao hàm cả phần hướng nội và hướng ngoại, nhưng hướng nội mạnh hơn. Hiểu tính cách bản thân giúp bạn học được cách tận dụng ưu điểm, khắc phục nhược điểm, quan trọng là biết cách tự cân bằng cuộc sống của chính mình.  

Nếu bạn là một người hoàn toàn hướng nội, hãy học cách kiểm soát bản thân trước những kích động quá nhiều từ bên ngoài, tìm khoảnh thời gian tĩnh lặng để cân bằng. Nhớ rằng, mối quan hệ xã hội mạnh mẽ cũng như kĩ năng kiểm soát cảm xúc giúp một người hạnh phúc hơn. Hãy tận dụng thế mạnh của bạn bằng cách nuôi dưỡng những mối quan hệ gần gũi trở nên sâu sắc, nâng khả năng tự nhìn nhận bản thân lên tầm thấu hiểu cảm xúc, kiểm soát tâm cảm. 
 


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147