Trang chủ Blog Nhân cách

6 nấc thang tâm lí chi phối con người đô thị

By: OopsyAdmin, 2019-08-29 17:01:04

Bước tiến quan trọng của tâm lí học hiện đại đến từ sự thấu hiểu ba trạng thái phổ quát của con người đô thị:
- bị khóa lại trong một lượng khá lớn các quan hệ xã hội tuy cố định nhưng không sâu sắc;
- bị nhốt trong một loạt các không gian chật, kín liền nhau từ công sở, chỗ giải trí cho đến nhà ở;
- bị cách li khỏi các giao tiếp thực và chìm vào các giao tiếp kĩ thuật của máy tính, ứng dụng giao tiếp xã hội như Facebook. 

Nhân tố thứ ba chưa xuất hiện lâu so với hai nhân tố kia, vốn có lịch sử hàng trăm năm phát triển đô thị, nhưng lại có một ảnh hưởng to lớn lên tâm lí con người. Vì nó không chỉ là một ứng dụng kĩ thuật số, mà là một “không gian” máy móc nuôi dưỡng từ thẩm mĩ đến cảm quan của chúng ta về thế giới. 

Trong sự tương tác với ba nhân tố này, con người dần hình thành các trạng thái tâm lí tương ứng, các trạng thái này cũng được sắp xếp theo đúng trật tự lịch sử của từng nhân tố. Chính sự sắp xếp này tự nó đã hình thành “các nấc thang tâm lí”.

Bạn hãy làm quen với khái niệm đó, nó rất quan trọng: trong khi tâm lí học cổ điển xem trọng các loại bệnh chứng tâm thần nhất định, thì tâm lí học hiện đại thấy rằng các trạng thái, nấc thang tâm lí mới là đối tượng cần nắm bắt. Nó tương đương với sự chuyển đổi từ y học chữa trị sang y học phòng chống. 

Có lẽ bạn đã quen với bước chuyển ấy rồi mà không biết: bạn đã quen tìm trên sách báo những thông tin về tính cách theo cung hoàng đạo, về nghệ thuật ứng xử giao tiếp, về phương cách thuyết phục và thuật đấu trí, ngụy biện. Đó đều là những lĩnh vực mà tâm lí học hiện đại hướng tới. 

Theo đúng tinh thần đó, việc bạn có dục vọng từ đâu không quan trọng bằng việc bạn kiềm chế, làm chủ, chấp nhận hay bị nó ám ảnh, xâm nhiễm và khống chế như thế nào.

Sáu nấc thang tâm lí: Tích cực và Tiêu cực

Trước hết, tôi muốn nói về các trạng thái, nấc thang tâm lí tích cực. Mối liên hệ cụ thể của các nấc thang này với đời sống đô thị, công sở và trên mạng sẽ được làm rõ sau khi bạn đã nắm rõ những khái niệm cần thiết. 

Xin nói trước: mỗi từ khóa mà bạn bắt gặp về một nấc thang tích cực cũng chính là một kĩ năng tâm lí được dùng để khắc phục các vấn đề mà bạn gặp phải. Do đó tôi sẽ sử dụng cả cách gọi nấc thang và kĩ thuật khi nói về ba trạng thái tích cực của tâm lí. Có ba từ khóa chính dùng để nhận thức cách giải quyết mọi vấn đề tâm lí, bạn hãy nhớ thứ tự của nó. 

Thứ nhất là kiểm soát, nếu kiểm soát không thành công thì sẽ trượt xuống bước thứ hai là cố gắng làm chủ. Nghe thì tưởng làm chủ là bước trên kiểm soát, nhưng không phải đâu. Khi bạn phát tác một tâm trạng, cảm xúc nào đó, như yêu giận ghét, thì việc bạn cần làm là kiểm soát. Và nếu kiểm soát không được thì bạn rơi vào một trạng thái tưởng mình làm chủ. 

Ví dụ, A bỗng có cảm giác khao khát, mong muốn uống sữa. A không kiểm soát được cảm giác này, nên A chủ tâm uống sữa, lại còn tự nghĩ là: uống sữa gì, uống nhiều hay ít, lạnh hay nóng, như thể là mình đang dùng lí trí làm chủ hành động của mình.

Trạng thái này rất thường thấy ở những người sống trong các không gian hẹp như văn phòng, công sở, hoặc có một lượng quan hệ xã hội tương đối cố định suốt một thời gian dài. Họ tưởng mình làm chủ các suy nghĩ, hành động, khao khát của mình, nhưng thật ra là đang mất kiểm soát.

Nếu lại trượt khỏi nấc thang thứ hai – cố gắng làm chủ, thì xuống đến nấc thang thứ ba là chấp nhận. Những người khủng hoảng tâm lí tìm đến Thiền hoặc Yoga có thể sẽ được học kĩ năng tâm lí này, nó đòi hỏi bạn chấp nhận những gì đang có, giống như một trạng thái đương nhiên, chỉ cần biết là mình sẽ không thể nào khác. 



Ví dụ, một hôm A làm cái túi hỏng, A muốn sửa nó, bực tức cố sức mà không làm được, vì kĩ thuật làm túi của A mãi không đủ, lúc đấy tâm lí hết sức nặng nề khó chịu. Qua nhiều ngày mới nghĩ là “Thực ra bàn tay mình, cách mình làm chính là thế, mình không thể làm khác, mình phải sống đúng với mình thôi”. 

Đấy là khi người ta chấp nhận. Đây gần như là một điểm cuối trong các nấc thang tâm lí tích cực. Nếu trượt ra khỏi nấc thang chấp nhận, tức là, khi bạn không chấp nhận nổi chính mình nữa, thì tâm lí sẽ chuyển hướng sang một phía tiêu cực, gần như mang tính lệch lạc.

Sự lệch lạc đó chính là ba trạng thái tiêu cực của tâm lí, hay ba triệu chứng tâm thần cơ bản của một cá nhân.

Có ba trạng thái tiêu cực, ba sự lệch lạc. 

Thứ nhất là ám ảnh, luôn luôn trong tình trạng bất an, rối loạn, ám ảnh, suy nghĩ liên tục về một vấn đề mà không dứt ra được, hoặc nhiều vấn đề không có cùng chủ đích, hay suy nghĩ vô hướng.

Khi bạn bị ám ảnh, bạn luôn cảm thấy có điều gì cần làm, có gì đấy không vui, chán nản, thất vọng, muốn làm cái mới, muốn thay đổi dù không thật sự hành động, nhiều suy nghĩ quanh chuyện phải sửa lại tất cả vấn đề cuộc đời.

Đấy là hướng lệch lạc thứ nhất, mấu chốt ở đây chính là ám ảnh. Sự ám ảnh bao giờ cũng là rối loạn, và bao giờ cũng cần giải pháp cưỡng chế bên trong hoặc bên ngoài để giải thoát mình khỏi cái đấy.

Thứ hai là điên bộ phận, hay giai đoạn xâm nhiẽm. Đó là giai đoạn khi bạn cần một giải pháp tâm thần nào đấy dùng để trụ đỡ mình trước trạng thái mất kiểm soát, không tự chủ và không thể chấp nhận chính mình.

Hãy tưởng tượng đơn giản thế này: công ti gặp một số biến cố, CEO quyết định tổ chức một buổi vui chơi gặp mặt ăn uống cho tất cả các thành viên. Trong buổi vui chơi này các thành viên đều không còn nghĩ chuyện kinh doanh, sự vụ giấy tờ nữa, chỉ lo ăn uống, trêu đùa nhau, thậm chí cố để say sưa ca hát. Đây chính là trạng thái tâm thần dùng để giải phóng các ẩn ức, ấm ức, ức chế, ám ảnh của cá nhân.

“Đôi lúc phải điên một chút mới vui” – bạn có thể nghĩ thế, và đúng là cơ chế tâm lí làm việc như vậy. Về mặt tâm lí học, thì tôi có thể nói với bạn, đây chính là tình trạng bị xâm nhiễm, khi bạn không đủ vững mạnh trước các sức ép đời sống, không thể chịu nổi sự ám ảnh.

Ám ảnh là giai đoạn mang tính tâm lí, còn xâm nhiễm thì đã mang tính hành động rồi. Riêng ở điểm này, tôi có thể nói với bạn: đừng thấy những người lúc nào cũng ca hát, nổi loạn, phóng túng là tự do, biết sống. Thật ra họ không chịu đựng nổi sức nặng của đời sống, chính sự không chịu nổi là đã bị nhiễm. Chính những người này lại khao khát cuộc sống hưởng thụ hơn hẳn những người đang chống chọi lại các sức ép đời sống, thật vậy đấy.

6 nac thang tam li chi phoi con nguoi do thi

Chẳng hạn, A kiểm soát mãi không được tính tò mò tọc mạch với khoe khoang của mình. Đến một mức, trong tinh thần của A tạo ra một giải pháp sai lệch. Nó bắt A phải có một thói quen, ví dụ cứ đến 10 giờ sáng lơ ngơ nhìn trời, hoặc cứ một tiếng lại cần lướt web đọc mạng dù chẳng để làm gì. Đấy là cách mà tâm trí tỏ ra bình thường sau khi bị các sức ép đời sống xâm nhiễm.

Tất cả cơ chế sinh học bị đình đốn và nó chuyển sang một hướng rất kì lạ, đi giày cao gót mới dễ chịu, buộc phải tìm mua một đồ vật gì đó suốt nhiều tháng trời tìm hiểu, luôn muốn nói với ai đó một điều gì đó về bản thân, thậm chí cởi truồng ra ngoài đường, thức đêm đến 12 giờ, hoặc suốt ngày hát chẳng hạn. Có rất nhiều tên gọi, chứng bệnh kiểu đấy.

Đó là nguồn gốc căn bản của các chứng rối loạn tâm thần.

Thứ ba là: Điên thật sự, điên toàn phần, hay mất ý thức tỉnh táo về mình và hành động của mình. Tất cả những triệu chứng tâm thần nhỏ như thế là cách để bạn trốn ra khỏi ám ảnh. Sau giai đoạn ngắn, nếu nó không chỉ dừng ở mức điên bộ phận, thì mức thứ ba bắt đầu mới đáng kể đến. Người ta gọi là bị khống chế, hay điên, thực sự là "mad" rồi đấy. Bị khống chế tức là hoàn toàn không có khả năng làm chủ ý thức của mình nữa, trong khi mức thứ hai vẫn còn có khả năng làm chủ ý thức theo chu kì.

Ám ảnh tưởng là nhẹ nhất nhưng nó lại tồn tại khắp nơi và có giai đoạn là mọi lúc. Nó nhỏ nhặt như kiểu bụi bám khắp nơi, đến điên bộ phận là một cái gì đấy rõ hơn. Thế nhưng nó chỉ là bộ phận, một cục, giống như tật ở trên tay, dễ nhìn thấy. Mức thứ ba thì hoàn toàn chiếm cứ tâm trí. Nghĩa là, giai đoạn ám ảnh là một hạt bụi, xâm nhiễm mang tính bộ phận, bị khống chế là toàn thể, có thể đến mức khiến người ta mất lí trí rồi.

6 nac thang tam li chi phoi con nguoi do thi

Nếu như không trụ lại được ba nấc thang tích cực (kiểm soát, làm chủ, chấp nhận), người ta rơi vào ba nấc thang tiêu cực (ám ảnh, điên bộ phận, điên toàn phần). Ở một phương diện khác, ba kĩ thuật: kiểm soát, làm chủ và chấp nhận là cách chiến thắng ba triệu chứng: ám ảnh, xâm nhiễm, bị khống chế.

Đối với con người, sáu điều này là trạng thái tiềm ẩn, ba điều tốt ba điều xấu, ba điều Thiện ba điều Ác. Ba điều Thiện giống như là biết kiểm soát mình, biết tự làm chủ mình, biết chấp nhận mình.

Nếu như bạn không có các nấc thang đó trong mình, thì bạn không thể tương tác một cách bình thường với những mối quan hệ bên ngoài bạn. Sáu nấc thang cấu thành một tình trạng chung của tâm lí cá nhân, một thứ bản sắc. Nếu bạn không nắm bắt được thứ bản sắc cá nhân đó, thì không kiểm soát được thái độ của mình với các mối quan hệ.

Ví dụ, một người nam hoặc nữ phát sinh dục vọng, nếu không kiểm soát được nó tức là không chặn đứng được nó, không đẩy lùi được. Thế thì lúc đấy các mối quan hệ bên ngoài mất kiểm soát lập tức, giống như một tác động tâm lí hai chiều. Làm chủ và chấp thuận cũng thế, khi bạn không có nhân tố đấy bên trong thì bên ngoài cũng không thành công. Cho nên, kĩ năng làm chủ tâm lí là kĩ năng làm chủ các quan hệ.

Khi một người thúc đẩy một hoạt động nào đó bằng một nhịp độ thường xuyên, các nấc thang tâm lí dần tiến đến giai đoạn kĩ năng, vì có vẻ kĩ năng đóng vai trò là một nhân tố ổn định trong hệ thống tâm-sinh lí con người. 

Trích sách "Sự kiến tạo tâm cảm - Xung đột bất tận giữa đô thị và cộng đồng: Những nguồn gốc của tâm lí đô thị" - Tác giả: HVHĐ (một tác giả Oopsy)

 


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147