Trang chủ Blog Nhân cách

Ba sức ép tâm lí đô thị: Sức ép thứ hai - các không gian đóng

By: OopsyAdmin, 2018-12-25 15:29:44

Trong đời sống cộng đồng, các không gian đóng không phải là không có, nhưng nó chỉ mang tính tạm bợ.

Ba sức ép tâm lí đô thị

Một ngôi nhà riêng cho một người chỉ là tạm bợ, Đình hoặc là những không gian cộng đồng mới là không gian chính và lâu dài. Những sân chơi rộng lớn, đồng cỏ của chúng ta, vườn ruộng của chúng ta, núi non của chúng ta, non nước của chúng ta, đấy mới là không gian thực, đấy là nơi chúng ta chiến đấu, nơi chúng ta ngã xuống, nơi chúng ta chôn người ta yêu thương, chôn những bậc anh hào của dân tộc.

Nhưng vượt ra khỏi đời sống cộng đồng cổ, đời sống đô thị đã tạo ra các không gian đóng kín. Chúng ta muốn có bằng được cái không gian đóng kín đó và coi nó là thực, còn không gian công cộng là một thứ gì đấy tạm bợ.

Hoàn toàn ngược lại trong cuộc sống cộng đồng. Các không gian công cộng trong đời sống đô thị bị xem thường từ sâu thẳm, chẳng hạn đường là một hoàn cảnh sống tạm bợ, nếu giả thử không ai chú ý nhổ ra một cái cũng được. 

Tất nhiên vẫn có rất nhiều xã hội văn minh ý thức được việc giữ gìn cộng đồng, nhưng dù trong xã hội nào của xã hội hiện đại, hễ nó là đô thị, nó đã phát triển đời sống cá nhân thì không gian của cá nhân cũng trở thành không gian chính, còn không gian không phải cá nhân trở thành một không gian tạm. Còn một thứ có thể khiến mọi thứ rối loạn là không gian ảo.

Không gian đời sống cá nhân khi bắt đầu xuất hiện với một người, ví dụ một người phải đi thuê nhà ở sẽ thấy là tầm quan trọng của việc có một cái phòng gọi là phòng khép kín. Bạn biết phòng khép kín là gì không? Là có một cái nhà vệ sinh ở ngay trong nhà, không phải đi vệ sinh chung. 
Điều này nghe thì rất bình thường nhưng ai nghe đến tự nhiên cũng cảm giác nó rất quan trọng. Nó quan trọng thật, nếu bạn đi thuê một khách sạn để ở trong một chuyến đi công tác mà khách sạn đấy không có nhà vệ sinh riêng, chỉ có nhà vệ sinh chung, chuyện đấy rất kinh khủng.

Có thứ gì lạc hậu đáng buồn hơn những nơi như cái nhà bẩn thỉu ở phố cổ, mọi người phải đi cái nhà vệ sinh chung? Bởi vì, ở đây ý nói với bạn, trong không gian đô thị, trong cuộc sống đô thị, có một thứ đã hình thành: Không gian khép kín. Không gian riêng trở thành một cái gì đấy mang tính thể hiện, nó là không gian thực nhất, nó là giá trị của một người, nhà có to hay không chẳng hạn.

Xét đến cùng thì nhà cao cửa rộng là một tiêu chí, đã tai to mặt lớn, đã làm quan, phải có nhà cao cửa rộng. Đấy là một cách nghĩ rất đô thị, kể cả ở những xứ văn minh tuyệt vời. Người ta có thể có một cuộc đời cống hiến, xét đến cùng không phải là để lại một mảnh đất để canh tác, mà là để lại một ngôi nhà, để lại một số tiền, để lại tài sản và danh tiếng cá nhân.

Tất nhiên không chỉ không gian, các không gian khép kín bao giờ cũng đi liền với một trạng thái vật chất khác là các tài sản cá nhân. Việc hạn chế các tài sản cá nhân thường phát triển ở xã hội văn minh khi mà họ biết là các tài sản cá nhân này có thể gây ra một sự bất công, một sự bất bình đẳng quá lớn.

Thực ra đấy là cách Nhà nước trưng thu và nó sẽ đi liền với chuyện là những người nào muốn giữ tài sản cá nhân một cách dễ hơn, họ chỉ việc gian lận. Gian lận thuế, gian lận kê khai, có rất nhiều cách và thường là những cái khống chế tài sản cuối cùng lại rơi vào những người trung lưu và những người nghèo, nó không động được đến những người giàu mấy. Đấy là chuyện quá xa về xã hội học.

Cuộc sống đô thị do đó tạo nên và gắn liền với cảm giác về không gian khép kín. Không gian khép kín khiến người ta rơi vào trạng thái muốn sở hữu.

Tâm lí sở hữu này rất mạnh, không gian kín khiến mọi người muốn sở hữu và việc thường xuyên ở trong một không gian kín khác hẳn với nhà chùa. Một không gian kín trong nhà chùa khiến người ta phải ý thức về các cấm giới, ý thức về các giới hạn, trong khi một không gian kín của cá nhân ở đô thị chỉ khiến người ta kiểm soát những thứ gì mình có một cách nhiều hơn: đồ ở trong nhà, máy tính để đâu, phòng mình có cái gì... Tất cả đều có trong phòng.

Ví dụ thấy bảo mất cắp, “Có thằng trộm vào nhà” thì nhìn đầu tiên xem mình có mất thứ gì không, phản ứng đấy là một dạng phản ứng tinh thần của cuộc sống đô thị.

Giả thử trong một cộng đồng có một kẻ ăn cắp, mọi người sẽ ngó xem kẻ ăn cắp đó ở đâu để còn bắt, xem nó chạy ra khỏi làng chưa. Sau đấy bắt đầu mới xem là nó có lấy mất thứ đồ gì quý của làng không, đấy là một phản ứng cộng đồng.

Còn ở trong đời sống cá nhân, nghe đến mất cắp thì nhìn ngay lại có thứ đồ gì quý cất đi đã. Ví dụ ở trong xóm trọ, bạn nghe thấy “Thằng ăn cắp!”, lập tức bạn nhìn xung quanh kiểm tra xem nó có ăn cắp phòng mình không đã, sau đấy mới chạy ra xem thằng ăn cắp ở đâu, thậm chí còn đơ người ngồi im trong phòng mong nó không gõ cửa phòng mình. Trong một gia đình cũng thế, nếu ở trong một khu tập thể, nghe đến ăn cắp, mọi người đầu tiên phải nhìn lại những thứ xung quanh mình có.

Như thế có nghĩa là gì? Trong một thời gian dài sống trong một không gian khép kín, coi như một thứ gì đấy có thực và thuộc về mình, người ta đã quen kiểm soát mọi thứ có trong mình. Một trạng thái không thể chống cự được và người ta quen với một chuyện là làm chủ tất cả mọi thứ ở trong đấy. Hễ không làm chủ được thì người ta sẽ rơi vào điên bộ phận, nó mới sinh ra hai trạng thái tâm lí, hai nấc thang tâm lí, một tích cực, một tiêu cực.

Trạng thái tích cực đấy là mong muốn làm chủ, mong muốn có một thứ gì đấy thuộc về mình và khống chế các trạng thái tồn tại của nó. Có thể làm chủ thì chẳng có gì quan trọng.

Đến đây chắc bạn băn khoăn, tại sao tôi phải nói nhiều như thế về các tâm lí đô thị. Có nhiều điều phải quan tâm hơn, có nhiều thứ xảy ra trong đô thị này hơn cơ mà? 
Có một chuyện kể về ông thày dẫn các học trò đến nhìn lên một mỏm núi ngất ngưởng sắc bén, trên mỏm núi ấy có một hòn đá tưởng chừng sắp rơi nhưng hẵng chưa rơi, mà có lẽ còn chưa rơi. Ông thày hỏi các học trò: Tại sao hòn đá chưa rơi xuống? Mỗi học trò trả lời một ý khác nhau, mỗi câu trả lời là một dạng trí tuệ. Cũng thế, mỗi mức lí giải đi kèm với một mức hành sự. Bạn phải thấu hiểu và thấu hiểu đến đâu thì sẽ biết hành động đến đó. 
---------------------------
Trích sách "Sự kiến tạo tâm cảm - Xung đột bất tận giữa đô thị và cộng đồng: Những nguồn gốc của tâm lí đô thị" - Tác giả: HVHĐ (Oopsy Team).


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147