Trang chủ Blog Nhân cách

Biết Chỗ Dừng Của Tuổi Trẻ

By: OopsyAdmin, 2020-01-07 15:28:36

Một chị bạn của tôi năm nay đã 37 tuổi, hoặc hơn kém gì đó, có hai bằng thạc sĩ ở hai đại học danh tiếng thế giới, ăn theo hai học bổng chính phủ dành cho những ứng cử viên xuất sắc có nhiều thành tích. Hiếm có ai giỏi như chị, thông thạo ngoại ngữ, đọc nhiều biết nhiều, gần 40 trông vẫn trẻ, thích những thứ hài nhảm. À phải rồi, hài nhảm, đặc trưng của dân văn phòng bi kịch. Sau tất cả những hào quang đó chị lại làm nhân viên văn phòng ở một Đại sứ quán của một nước bé đặt ở Việt Nam. 37 tuổi và chị thân yêu của tôi có gì nhỉ: là nhân viên văn phòng chính thức (hic), chưa chồng, thích hài nhảm, khó tính nhưng mềm lòng, suy nghĩ tiêu cực nhưng thương người, rất sẵn lòng để yêu một người hiểu mình, nhưng ghê tởm những ông già sặc mùi rượu có ánh mắt hau háu.

 Nếu gặp chị ấy, bạn sẽ thấy một người thông minh, tinh tế, vui tính, tốt bụng, nấu ăn ngon. Nhưng cái tôi thấy chỉ là nỗi đau đớn đập buồn bã và lồng lộn sau lồng ngực của một người sắp chết trong văn phòng. Suốt bao nhiêu năm đổi từ văn phòng này sang văn phòng khác, mang cái tiếng là đổi từ tổ chức này sang tổ chức khác, chị còn gì hả chị? Đừng nói với tôi là sự quý mến của mọi người, vì nước bọt dễ rơi dễ mất. Sự quý mến dù tử tế đến đâu, cũng chỉ như hơi ấm lúc vào Thu, đẹp đó mà vô dụng, còn dễ gây bệnh nữa. Người ta sẽ vui thế nào nếu sâu thẳm trái tim là buồn? Đừng nói là ai cũng buồn, mấy câu sáo rỗng ấy xin để dành cho lúc ngồi nhậu ôm vai bá cổ nhận ruột thịt: còn tôi nói một chuyện rõ ràng lắm, cái bi kịch của một tuổi trẻ bị đánh mất.

 Thế giới văn phòng hóa ra cũng đủ mạnh để khép chị vào cái bản án ế chồng: những câu trêu đùa và nỗi lo lắng của đồng nghiệp dành cho chị bề ngoài luôn gợi nhắc chuyện cần một gia đình, bên trong lại giúp chị khỏi phải nghĩ về nó. Đó là một trạng thái đặc trưng của thế giới văn phòng: nhắc liên tục đến những vấn đề để tránh phải giải quyết nó, nghe mâu thuẫn và… đần quá đúng không? Bạn đã bao giờ vừa lo lắng một việc, vừa tự nhủ rồi mình sẽ, rồi mình sẽ chưa? Đó là triệu chứng đầu tiên của cái bệnh tự trấn áp nhờ được bảo vệ trong một phòng kín cùng những lời nhắc đó. Lâu ngày sẽ cấu thành một phần của trái-tim-thấp-thỏm. Những kẻ hay âu lo chuyện vẩn vơ, các người nghe ta nói đấy chứ?

 Ngày qua ngày tôi cũng tìm cách vừa sống có ý nghĩa, vừa thoát khỏi thế giới văn phòng. Tôi yêu công việc. Vậy tôi phải nghĩ gì? Đột nhiên một hôm đi đường nhận ra mình đã 30 tuổi. 30 tuổi, tôi có gì nhỉ, rồi 30 năm nữa tôi sẽ sống thế nào? Tôi lạc hậu, đã không còn tuổi trẻ, không thể làm lại những gì tôi biết là sai lầm. Tôi 30 tuổi, phía trước là đoạn trường miên trường nào, mà từ lúc nào tôi 30 tuổi vậy. Sao năm 25 tuổi tôi không tính cho năm 30, hoặc 26 tuổi tôi không tính? Ở vào tuổi 27 tôi nghĩ gì vậy? 28 tuổi thì sao? 29 tuổi tôi có lo lắng không? Tám năm sống trong thế giới văn phòng, có khi vô trách nhiệm, có khi đam mê, có khi cống hiến, có lúc lười biếng, đó là tám năm của tôi đấy, tám năm đấy. Rồi khi tôi sống tiếp, có nên nghĩ đến tuổi 35, rồi 40 không? Mà nghĩ thì được gì nhỉ, nghĩ cách chuyển sang một văn phòng khác?

 Chẳng phải 40 tuổi đang chờ phía trước sao, bằng một nụ cười nham hiểm có chút bạc bẽo và phôi phai?

 Một lần ngồi với một đồng nghiệp, tôi chỉ cái chân đang rỉ máu từ đầu ngón cái và cười nói: "Này, em có thể chết bất kỳ lúc nào đó, thật là hạnh phúc khi sống giữa sự sống và cái chết." "Chú đừng có cười, không trẻ nữa đâu mà đòi thách đố chơi đùa với thân thể, đi khám đi." À ra thế, không còn tuổi trẻ, đừng tự chơi đùa với chính mình. Nhưng tôi là một người vui tính hài hước, không chấp nhận nỗi buồn nào quá sâu, tôi cười bảo: "Thôi, em còn một tí tuổi trẻ, cho em hủy hoại nó làm vui nốt đi." "À, chú giỏi."

 Em giỏi mà.

 Tôi chẳng tin mấy lý thuyết về trái tim trẻ và thân xác già. Con người văn phòng bị bào mòn đi từng ngày, theo nghĩa đen nhất: chẳng giữ lại nhiều những giá trị mà họ từng theo đuổi. Bạn có thể nhìn tôi cười bảo, ý nghĩa chính là sống thật tốt với những người xung quanh, chăm chỉ và có trách nhiệm. Đừng đem mấy thứ huyền thoại văn phòng đó tự lừa mình nữa. Sự bào mòn giá trị, nỗi chán nản muộn phiền, lòng buồn vô cớ sẽ hủy hoại từng phần sự tử tế, tự trọng. Càng cố tự trọng, tử tế, càng thấy nản và khó đúng không? Đừng giả vờ rằng đó là một điều đương nhiên, đương nhiên tử tế, đương nhiên lý trí và tự trọng. Bạn có thể thắng trong một cuộc tranh luận mị dân, nhưng làm sao thắng được bóng tối trong bạn? Tại sao đô thị đáng sợ thế? Không phải tại những gái điếm ăn cướp đâu, mà tại cái cốt lõi của nó cứ suy tàn từng ngày. Cốt lõi của đô thị: đám trung lưu văn phòng ấy.

 Khi bạn bước vào văn phòng làm việc, tuổi trẻ của bạn đã bắt đầu chết trong phập phồng. Tôi đã ngồi nói chuyện với nó nhiều ngày nhiều tháng kể từ khi biết nó chuẩn bị được chôn cất. Sau tất cả, tôi muốn viết lên bia mộ nó mấy dòng này: 

  1. Hãy đếm tuổi của Tuổi Trẻ, chẳng nhiều gì đâu.
  2. Hãy ghi lại những ước mơ, khát vọng và giá trị mà ta muốn theo đuổi và cống hiến khi còn trẻ.
  3. Hãy ghi lại những gì đã làm cho Tuổi Trẻ, hãy công bằng với chính mình là tự ta đã sai lầm, nếu ta phụ bạc nó.
  4. Hãy cho chính mình biết vì đâu đã chẳng làm tròn lời hứa với Tuổi Trẻ.
  5. Khi Tuổi Trẻ chết rồi, hãy can đảm sống cho những gì ta hứa với Tuổi Trẻ.
  6. Hãy biết rằng đôi khi, Tuổi Trẻ ngóng nhìn ta từ tương lai. Chỉ cần ta không phụ lòng nó, ta sẽ gặp lại nó.

 Nếu bạn chưa viết gì cho Tuổi Trẻ, thì hãy viết đi. Không bao giờ là muộn.

(Trích sách Sống sót nơi văn phòng - Cẩm nang tâm lí dành cho nhân viên cống hiến, tác giả Hạo Thái)


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147