Trang chủ Blog Nhân cách

Chiều lòng người khác, làm ác với mình

By: OopsyAdmin, 2018-08-11 08:43:53

Thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được một số câu hỏi kiểu như “Em muốn tìm một giải pháp vừa có thể nghĩ cho bản thân, lại vừa quan tâm đến ý của người khác”, “Em nên làm gì khi không đồng tình nhưng không thể nói ra, rồi họ lại thể hiện sự không tôn trọng em thì sao?”

Trước hết, mọi chuyện chỉ để nói rằng, khi ta không lên tiếng, bởi vì ta sợ nhất là gây mâu thuẫn, khi ta quá quan tâm đến người khác thì điều quan trọng là do ta mong cầu tình cảm của mọi người, nên ta đã thuận theo ý họ dù có ý kiến riêng. 

Vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta không lên tiếng?

Ta không lên tiếng để thể hiện sự bất đồng ý kiến của mình nhưng lại luôn mong rằng họ có thể hiểu được ta, điều này sao mà vô lí đến vậy? Và bạn biết không, không dám lên tiếng nảy sinh từ một hạt mầm, nó là một mối nguy hiểm ngầm ẩn ngay từ khi chúng ta còn là những đứa trẻ.

Ngày còn đi học mẫu giáo, tôi chỉ muốn múa và thích hát ca. Tôi thích những động tác múa mềm mại và cái cảm giác khi mình đưa tay lên mọi con mắt đều trầm trồ nhìn theo thật tuyệt xiết bao. Còn bố tôi thì nói rất nhiều về chuyện học vẽ. Khi trường tôi có lớp dạy vẽ, đó cũng là cả một trời mơ ước của bố tôi ùa về, bố bảo muốn điều tốt nhất cho tôi – hay là tốt nhất cho ông nhỉ, tôi cũng không biết nữa, tôi chỉ chắc chắn rằng, tôi chưa từng nói với bố rằng tôi muốn học múa. 

Có một ngày khi đi ngang qua lớp múa, tôi không thể cầm lòng được mà dừng chân lại và xin vào lớp. Kì lạ thay, cô giáo cho tôi vào sau khi bắt gặp ánh mắt thèm thuồng.

Ngày hôm đó, khi bố biết chuyện, một đứa trẻ mới 5 tuổi mà đã biết trốn học, còn điều gì tệ hại hơn đây? Tất cả những điều tôi nhận được là một trận mắng té tát kèm theo câu nói “Múa may làm gì, thật vớ vẩn”...

Tôi thực sự đã không muốn làm ông thất vọng, nhưng niềm khao khát được học múa cũng cứ vang vọng trong tôi.

Tôi đã không thể nói như vậy với bố, vì tôi sợ bị mắng, tôi không dám nói lên ý kiến riêng. Một đứa trẻ 5 tuổi vô tư đấy những cũng có những cảm xúc đủ-sâu-sắc về cuộc đời, tôi bắt đầu mang theo sự oán hận vì bố không hiểu mình và chỉ biết thở dài trước niềm tiếc nuối với ước mơ đầu tiên. 

Chiều lòng người khác, làm ác với mình

Từ đó, tôi không dám nói ra những mong muốn của mình và chỉ làm theo mọi điều bố mẹ hướng tôi phải làm vì “đó là điều tốt nhất bố mẹ muốn dành cho con”. Kì lạ nhỉ, ông bố bà mẹ nào cũng muốn-dành-điều-tốt-nhất-cho-con nhưng lại theo cách-của-bố-mẹ!

Những ước mơ bị kìm nén, những mong mỏi khôn nguôi có thể tan biến dần trong thời thanh xuân – thời tuổi trẻ mà ta từng có khát vọng nhất, cũng có thể làm được nhiều nhất theo cách của riêng mình. 

Khi đã trưởng thành, trong tôi còn sót lại những mảnh kí ức của niềm tiếc nuối và tủi thân vì đã không lên tiếng, không dám theo đuổi đam mê đến cùng, có lúc tôi tự hỏi mình để rồi lại hơi mơ hồ khi thấy mình chẳng còn thực sự thích điều gì nữa. Có đôi lúc mọi thứ đều thật xa tầm tay và ngoài tầm với!

Tôi trách móc rằng chẳng ai hiểu cho mình, hiểu nổi mình nhưng đã chẳng nghĩ rằng chính mình không dám lên tiếng đấy chứ, bao điều tiêu cực, dằn vặt do chính tôi chuốc lấy đấy chứ!

Tôi đã không đối xử tốt với bản thân mình. Đúng vậy đấy, điều tôi hối hận nhất chính là lúc đó, tôi đã không dám thể hiện ý kiến bất đồng của mình với bố. Nó hình thành tính cách trong tôi, mà tới bây giờ để vượt qua điều đó vẫn là một trở ngại rất lớn với tôi.

1. Chúng ta đều có những quan hệ thân tình như bố mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, bạn bè và chính mình, những mối quan hệ mà ta không nỡ từ chối họ điều gì phải không?

2. Hẳn bạn có thể thắc mắc tại sao lại không nỡ từ chối “chính mình”? Khi thân thể của bạn muốn ngủ nướng, nhưng ý chí của bạn đang phục vụ cho một điều lớn lao, chỉ vì không muốn thân mệt mỏi, bạn chiều theo nó, kết cục là bạn ngủ quá giờ thức dậy cùng với sự hối hận của trí. Ngay cả điều đó, cũng là ta đang làm điều ác với chính bản thân mình, khi bạn hiểu rằng, thân thể ta cần được nghỉ ngơi, nhưng ngủ nướng không phải là điều thực sự tốt cho nó và cả cho bạn nữa.

3. Để có thể mạnh mẽ hơn chính bản thân mình, bạn cần có lí trí tỉnh táo, không ngại khó ngại khổ, và đặc biệt là không cầu xin tình cảm của bất kì ai, thì mới thực hiện được mơ ước của mình. 

Tạm dừng ở đây, nhưng đó là một ý niệm tôi muốn bạn thực sự nghĩ nghiêm túc về nó: Không ngại khó, không ngại khổ, không cầu ai yêu thương mình, điều mình làm là vì một mục đích lớn hơn, chứ không vì chút yêu ghét hài lòng từ ai. Vì sự cầu tình chỉ khiến chúng ta dễ bạc nhược hơn, yếu đuối hơn, dựa dẫm hơn, và lạc lối hơn…

Rồi sau đó, tôi sẽ chỉ bạn cách để “không cần ai bên mình” nhưng “vẫn luôn có nhiều người bên bạn vì bạn là một người Chân Thành có Phẩm Giá”.

Hãy nghĩ thêm về nó nhé!

Tham khảo thêm sách Những vết thương thanh xuân - Tâm lí học về những nỗi đau bần thần của tuổi trẻ. 

Đây là cuốn sách đầu tiên phơi bày những sự thực của thanh xuân mơ hồ, những nỗi đau, thương tổn mà bất kì ai cũng phải trải qua.

Đó là những hội chứng tâm lí của tuổi thanh xuân mà chỉ khi bạn thực sự hiểu bạn mới biết mình thực sự là ai và mình cần làm gì. Một cuốn sách sâu sắc, đặc biệt, người bạn tâm tình hiếm có của thanh xuân. Bất cứ ai cũng cần đọc nó, để thật sự có lại đời mình đích đáng.
 


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147