Trang chủ Blog Nhân cách

Đặc tính nhân cách được tạo thành bởi gen hay môi trường?

By: OopsyAdmin, 2018-11-19 11:29:41

Các nhà tâm lí học thường bàn luận về các đặc tính trong nhân cách, nhưng chính xác thì đặc tính nhân cách là gì? Những chuyên gia về sức khỏe tinh thần định nghĩa thuật ngữ này thế nào?

Đặc tính nhân cách phân biệt chúng ta với người khác, nhưng chưa có ai thống kê chính xác có bao nhiêu đặc tính nhân cách tồn tại. Một số người phân chia nhân cách ra thành các nhóm nhỏ và chi tiết, còn số khác nhìn nhận nhân cách là một điều gì đấy rộng lớn và phổ quát hơn. Giờ thì hãy cùng nhìn vào những cách mà đặc tính nhân cách được định nghĩa, những loại đặc tính nhân cách đang được nhận dạng là tồn tại, và những nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của một đặc tính nhân cách.

Đặc tính nhân cách được tạo thành bởi gen hay môi trường?

Đặc tính nhân cách được định nghĩa thế nào?

Đặc tính (theo một cách định nghĩa phổ biến nhất) là những tính cách khác biệt khiến một cá nhân phân biệt với các cá nhân khác. (Như vậy, định nghĩa này mặc định rằng mỗi người khác nhau có bản sắc khác nhau. 

Trong cuốn sách Handbook of Personality: Theory and Research (tạm dịch: Cẩm nang nhân cách: Lí thuyết và nghiên cứu), các tác giả Roberts, Wood và Caspi định nghĩa đặc tính nhân cách là “những kiểu mẫu suy nghĩ, cảm xúc, và hành vi diễn ra liên tục trong một cá nhân mà phân biệt cá nhân này với những người khác.” (Như vậy có nghĩa là, đặc tính nhân cách là một thể phối ngẫu nhiên của nhiều mẫu thức hành vi, và lặp lại liên tục như một thói quen, khiến họ coi rằng đó là đặc tính cá nhân riêng-biệt và đặc sắc, mà họ và những con người quanh họ dùng nó để phân biệt chính mình và người khác. Nói cách khác, đặc tính nhân cách là một kết quả được gán ghép vào trong con người và khiến họ tự chấp nhận một hệ đặc tính đó, dùng nó để đánh giá mình và người khác.)

Thuyết về đặc tính nhân cách gợi ý rằng nhân cách của chúng ta được tạo thành từ rất nhiều các đặc tính phổ quát khác biệt, ví dụ đặc tính hướng ngoại là một khía cạnh nhân cách. Khái niệm hướng ngoại diễn tả cách con người tương tác với thế giới. Một số người có tính cách rất hướng ngoại (hướng ra bên ngoài), trong khi ngược lại là những người hướng nội, họ có xu hướng tìm về bản thân và kín đáo hơn.

Họ kết luận rằng, đặc tính nhân cách là bẩm sinh và không thay đổi được. Mãi cho đến gần đây, người ta mới tin rằng các đặc tính nhân cách có thể thay đổi thông qua quá trình sống của con người.


Đặc tính nhân cách thay đổi khi nào và như thế nào?

Với đặc tính chi phối mạnh và mang tính phổ quát thì việc thay đổi khó diễn ra (thay đổi chỉ là một cách chuyển hóa hình thức của đặc tính đó.) Nếu nó thật sự xảy ra, thì sự thay đổi này thường chỉ rất nhỏ, không phải sự thay đổi bản chất.

Ví dụ một người mang đặc tính rất hướng ngoại sẽ có lúc trở nên kín đáo. Điều này không có nghĩa là họ sẽ chuyển hẳn sang loại người hướng nội, nó chỉ có nghĩa đơn giản là cósự thay đổi nhỏ xảy ra trong họ và xu hướng hướng ngoại của người đấy đang có chút biến đổi. Những người này vẫn thích giao du tụ họp, vẫn thích các hoạt động, nhưng có thể họ cũng thích cảm giác được ở một mình hoặc ở những nơi yên tĩnh.

Mặc khác, một người hướng nội có thể nhận thấy mình trở nên hướng ngoại hơn khi họ lớn lên. Điều này không có nghĩa là những người này tự nhiên phát triển một mong muốn trở thành trung tâm của sự chú ý, hay họ sẵn sàng dành tối thứ Sáu hàng tuần cho những bữa tiệc đêm. Nhưng người này thấy rằng họ bắt đầu thích các hoạt động xã hội hơn (một chút!) và không cảm thấy mệt mỏi hay nề hà gì khi dành thời gian cho xã hội.

Trong cả hai ví dụ trên, hai đặc tính nhân cách chính đều không thay đổi, mà những biến đổi nhỏ thường chỉ là kết quả của các trải nghiệm đời sống, (Có phải đôi lúc bạn thấy mình có cả hai nhân cách đấy không?)

Các nguyên tắc trong đặc tính nhân cách

Trong cuốn Cẩm năng về nhân cách, Roberts và các tác giả đã mô tả một vài nguyên tắc căn bản được đúc rút từ các nghiên cứu về nhân cách:


Nguyên tắc trưởng thành: Con người thường dễ đồng thuận hơn, ổn định cảm xúc hơn, mang tính xã hội hơn khi họ lớn lên. Xem nào, chúng ta muốn gật đầu hơn là lắc đầu từ chối, chúng ta muốn làm hài lòng người ngoài hơn khi lớn lên, phải không?

Nguyên tắc phát triển bản sắc: Con người xây dựng một bản sắc rõ ràng hơn khi tuổi tác và sự trưởng thành đem lại một sự thừa nhận và đảm bảo về cái tôi cá nhân. Trong những năm tháng trẻ tuổi, con người vẫn đang cố gắng khám phá các vai trò khác nhau và bản sắc khác nhau của mình. Khi lớn tuổi rồi, họ bắt đầu trung thành hơn với một bản sắc mà họ từng có trong đời. Nên thường thì người sau 30 tuổi, thậm chí là sau 40-50 tuổi mới cố định nhân cách.


Nguyên tắc “Không cố định”: Các đặc tính nhân cách thường cố định, nhưng con người thì không cố định. Nhân cách bị ảnh hưởng bởi đặc tính của môi trường sống và có thể bị thay đổi ở bất cứ chặng đường nào trong cuộc đời của mỗi người.

Đặc tính nhân cách được tạo thành bởi gen hay môi trường?

Một người vốn lười biếng, nhưng đến một giai đoạn trong đời họ phải chịu khổ thì họ sẽ coi chăm chỉ là một Đức lí, chăm chỉ biến thành nhân cách mới của họ. Có điều, môi trường này phải được duy trì trong thời gian đủ lâu thì mới có thể biến thành một nhân cách được thay thế và cố định. Nếu môi trường “chịu khổ” này chấm dứt, họ sẽ quay trở lại trạng thái lười biếng này ngay thôi.

Nguyên tắc vai trò liên tục: Những vai trò cố định trong xã hội tạo ra tính tiếp diễn liên tục của các đặc tính nhân cách, và góp phần cấu thành nhân cách cố định của con người. Bạn cũng thấy khái niệm “bệnh nghề nghiệp” rồi đấy, nghề nào thì bệnh-nghiệp đấy! Mỗi người đóng vai trò nào trong xã hội: nhân viên văn phòng, bác sĩ, lái xe, học sinh sinh viên, giáo viên, nội trợ, … đều biểu hiện nhân cách của họ liên quan đến nghề nghiệp của mình.

Các loại đặc tính nhân cách

Bạn sẽ nói gì nếu một người muốn bạn liệt kê các đặc điểm có thể mô tả tính cách của bạn? Bạn có thể bật thốt ra một vài đặc tính phổ thông như tốt bụng, nóng tính, lịch sự, nhạy cảm, hướng ngoại, hoặc tham vọng. Nhưng bạn này, nếu bạn định liệt kê một danh sách về tất cả các nhân cách bạn đang cảm nhận thấy trong mình, thì danh sách đấy có thể đánh số đến vài trăm, thậm chí vài nghìn nhân cách khác nhau. Trong thực tế, một nhà tâm lí học tên là Gordon Allport đã từng lập một danh sách các đặc tính nhân cách gồm 4.000 đặc tính khác nhau.


Câu hỏi về việc có bao nhiêu đặc tính nhân cách tồn tại trở thành chủ đề bàn tán, tranh luận suốt trong lịch sử tâm lí học. Cho đến giờ, nhiều nhà tâm lí học dựa vào một thuyết về nhân cách tên là mô hình Big Five (Mô hình năm yếu tố).

Theo mô hình Big Five, nhân cách được tạo thành bởi năm khía cạnh phổ quát nhất. Nói đơn giản là thế này, họ đưa ra năm đặc tính, là năm cái khuôn để nhận thức và phân loại nhân cách con người. Như một checklist kiểm tra hàng hóa, một người phải xét mình dựa trên năm khía cạnh đó, và đặt ra việc mình nằm ở đâu trong năm khía cạnh này. Mỗi cá nhân có thể thấy mình rất ứng với một nhân cách, hoặc xuất hiện nhân cách ngược lại, hoặc rơi vào đâu đấy giữa hai nhân cách đối lập.

Năm đặc tính phổ quát cấu thành nhân cách con người (theo mô hình Big Five) bao gồm:

- Tính hướng ngoại (Extroversion)

- Tính thẳng thắn, chân, làm theo lương tâm (Conscientiousness)

- Tính đồng thuận, dễ chấp nhận (Agreeableness)

- Khả năng tiếp thu điều mới (Openness)

- Tính dễ bị kích động (Neuroticism)

Tất nhiên mô hình này chỉ mang tính tham khảo. Bạn biết không, bạn không định nghĩa mình là hướng nội hay hướng ngoại, cho đến khi có người đưa ra khái niệm về người hướng nội và người hướng ngoại, và sau đó bạn chấp nhận khái niệm này, rồi tự phân loại mình theo khái niệm được đưa ra.

Tại sao điều này tồn tại? Tại sao chúng ta có một nhu cầu mong muốn nhận thức bản thân mình đến thế? Đây là một sự thoái hóa lớn từ việc nhận thức từ ngoài vào trong. Cái nhận thức bên ngoài tác động đến chúng ta, ép chúng ta theo đó mà nhận thức mình. 

Trí tuệ nhận thức bị đánh tráo bằng một sự khám phá và trải nghiệm bề mặt. Giá trị chân chính của nhận thức bị đánh mất, thay vào đấy là thói quen an nhàn lười biếng và quen chấp nhận các sự thật đè lên mình. Bạn còn coi đó là điều vui vẻ và thích thú với nó, phải chứ?

Đặc tính nhân cách được tạo thành bởi gen hay môi trường sống?

Hay nói cách khác, đó là nhân cách của chúng ta tự nhiên mà có hay là nhờ nuôi dưỡng mà có vậy? Bao nhiêu phần trăm DNA của bạn phản chiếu đến nhân cách của bạn?

Các nhà nghiên cứu đã tốn nhiều thập kỉ để có được các số liệu về các gia đình, các cặp song sinh, trẻ được nhận nuôi và các gia đình nhận nuôi, để xem giữa yếu tố gen và môi trường, yếu tố nào ảnh hưởng đến nhân cách nhiều hơn. Họ tìm ra rằng cả hai nhân tố đều có thể ảnh hưởng đến nhân cách, dù có một số lượng lớn các nghiên cứu về cặp song sinh chỉ ra rằng nhân tố gen có ảnh hưởng rất lớn.

Một nghiên cứu rất nổi tiếng về vấn đề này, có tên là nghiên cứu Minnesota về các cặp song sinh bị rách rời (the Minnesota Study of Twins Reared Apart). Nghiên cứu này lấy số liệu trên 350 cặp song sinh trong 20 năm, từ năm 1979 đến 1999, đối tượng nghiên cứu là các cặp song sinh cùng trứng và khác trứng trong cả trường hợp các đối tượng nghiên cứu lớn lên cùng nhau hay bị chia tách. Kết quả là các cặp song sinh đồng trứng có các đặc điểm nhân cách tương đồng nhau dù họ lớn lên trong cùng hay khác gia đình. Kết quả này gợi ý rằng ít nhất có một số phương diện nhân cách bị ảnh hưởng bởi gen.

Giờ thì hy vọng bạn đã biết rút cuộc thì nhân cách là gì, và nó ảnh hưởng từ gen hay môi trường sống. Và bạn biết đấy, câu trả lời là, cả hai yếu tố đó, chứ không chỉ yếu tố đơn lẻ nào. Biết đâu được đấy, chúng ta có thể có yếu tố thứ ba nữa mà các nhà khoa học chưa khám phá ra. Nếu biết còn yếu tố nào khác, hãy chia sẻ cho chúng tôi nhé!

Tham khảo: verywellmind
 


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147