Trang chủ Blog Nhân cách

Hiểu Ra Sự Thật Về Đời Sống Này, Mọi Khổ Đau Đều Đáng Giá

By: OopsyAdmin, 2019-12-12 14:53:47

1.

Trong phim Hàn Quốc có một cốt truyện quen thuộc: một gia đình tài phiệt có cậu con trai/cháu trai chơi bời trác táng, ngoài gây họa, tiêu tiền ra thì không biết làm gì khác. Đại thiếu gia này về sau sẽ là người kế thừa gia nghiệp, cho nên người đứng đầu gia đình không thể để sản nghiệp bao đời bị hủy hoại trong tay cậu ta. Thế là bà ấy (thường là bà nội của thiếu gia kia) tìm cách dạy dỗ cậu. Bằng cách nào? Nhất định là bắt phải chịu khổ. Đang tiền tiêu rủng rình thì giờ không xu dính túi; đang chơi bời phóng đãng bắt lao động cực khổ, làm nhân viên quèn trong công ty, ai cũng có thể lên mặt dạy dỗ; đang mặc sức ra oai bắt phải nhẫn nại, chịu nhục… Theo như phim thì cách này rất có hiệu quả

Ngoài đời có không ít chuyện tương tự. John từng biết một gia đình nọ vốn giàu có, cô con gái lớn 18 tuổi chưa từng biết giặt đồ, nấu cơm. Cho đến khi họ bị lừa phá sản, hai vợ chồng li di, người mẹ không làm ra tiền, cô bé đó trở thành trụ cột, đã biết đi làm thêm đỡ đần mẹ, còn biết chăm lo cho em trai nhỏ tuổi. Khó khăn đã giúp con bé trưởng thành lên

Cuốn sách bestseller “Ngày xưa có một con bò”, đúc kết bài học đó trong một câu chuyện ngụ ngôn. Chuyện kể rằng gia đình nọ nghèo khó nhất làng có một con bò - nguồn sống mà họ cho là duy nhất. Nhờ nó mà họ chưa bị đẩy đến cảnh khốn cùng. Nhưng rồi con bò bị giết, họ bắt đầu mới phải tìm cách khác mưu sinh, và chỉ hai năm sau họ đã trở nên giàu có nhất làng

Những câu chuyện này thường để nói lên bài học rằng con người có xu hướng chấp nhận tình trạng hiện tại (bất kể sướng khổ) như điều đương nhiên mà không vượt lên các giới hạn của bản thân. Họ chỉ vượt lên được chính mình khi phải đối mặt với nghịch cảnh – theo kiểu “no pain no gain”, “sader but wiser”…

Nhưng không chỉ thế, những câu chuyện trên cho thấy một sự thật về đời sống này

2.

Chúng ta sống trong một thế giới bất định, nơi mọi điều đều có thể xảy ra. Và tình trạng ổn định nào đó đều chỉ là ảo tưởng, giả tạo

Cuộc đời cậu thiếu gia có thể lập tức đổi khác chỉ vì một quyết định của bà cậu ta. Gia đình nghèo không thể sống tiếp như trước vì có người đã giết con bò của họ. Mọi hoàn cảnh có vẻ “đang ổn”, “vẫn ổn”, đều có thể lập tức đổi thay, vì nó vốn rất giả tạo

Bất-định là một bản chất tất-định của thế giới. Con người chịu khổ không phải vì cái bản chất bất định này mà chính là vì không thể nhận thức được nó, vì họ luôn sống với những ảo tưởng về tương lai

Không thấy được cái vô định sẽ không thấy được cái tất định, không thấy được tương lai, rốt cuộc chỉ có thể để “dòng đời xô đẩy”

Trong cuốn “Sự an ủi của triết học” Alain de Bottom có đoạn nhắc đến Nữ thần Fortune - Nữ thần định mệnh. Ông viết thế này:

“Hình ảnh của nàng có trên mặt sau của nhiều đồng tiền La Mã, một tay cầm chiếc giỏ hình sừng dê đựng các loại quả, tay kia cầm chiếc đũa. Chiếc giỏ hình sừng dê của nàng là biểu tượng của quyền năng ban phát ân huệ, còn chiếc đũa là biểu tượng của quyền năng đen tối có thể thay đổi số mệnh. Nàng có thể ban lộc khắp nơi, rồi với tốc độ đáng sợ, nàng vung cây đũa, vẫn giữ nụ cười bình thản khi nhìn chúng ta hóc đến chết vì một chiếc xương cá hay biến mất trong một vụ lở đất.”

Hay như trong “Lược sử vạn vật”, Bill Bryson chỉ ra rằng thế giới này đầy rẫy những mối hiểm nguy, động đất, sóng thần, bệnh dịch, những loại virut mà con người chưa từng biết đến, không thể nào đối phó… Có rất nhiều loại virut từng xuất hiện trên thế giới, gây kinh ngạc rồi biến mất nhanh như như khi xuất hiện. “Năm 1916, một loại virut đã khiến người dân Châu Âu và Mỹ mắc phải một chứng bệnh ngủ kì lạ, được biết đến là bệnh viêm não hôn mê. Các nạn nhân sẽ đi ngủ và không bao giờ tỉnh lại… Trong 10 năm, căn bệnh này đã giết chết năm triệu người và sau đó lặng lẽ biến mất.”

Về cơ bản sinh mạng con người là vô cùng mong manh. Tương lai dường như không thể nào nắm bắt

3.

Bạn có lờ mờ nhận ra điều gì không?

Thử tưởng tượng một câu chuyện không hiếm gặp thế này: Một người đang sống khỏe mạnh bình thường, chuyện quan trọng hàng ngày với họ là công việc làm sao cho thật tốt, gia đình làm sao được yên ổn, rất đương-nhiên đúng không? Nhưng rồi một ngày đẹp trời họ nhận được tin mình bị ung thư. Mọi thứ trở nên không còn như ta-từng-nghĩ. Chuyện thành tích học tập của con cái chẳng còn quan trọng nữa; ngoại hình xấu hơn hay đẹp hơn một chút có đáng bận tâm không; vài xích mích lợi ích nhỏ nhặt liệu có phải nhọc lòng đến thế?!

Cuộc sống ổn định, hay những gì ta từng nghĩ là quan trọng trước đó cũng chỉ là ảo tưởng mà thôi

Nhưng con người bình thường rất khó để cảm nhận được trạng thái bất định này. Chúng ta luôn sống trong một ảo tưởng về tính bất-tử-ngắn-hạn. Theo kiểu, trong hai ngày tới tôi không chết, vậy thì thời gian đó tôi sống như thể mình là bất tử, hay nếu như chuyện đấy vẫn không có vấn đề gì thì chuyện đấy vẫn không có vấn đề gì. Nếu một cái cốc còn đang nóng thì nó là đang nóng, đây chính là đầu óc bất tử của con người, tính bất tử ngắn hạn trong tư duy con người.

Luôn luôn, chúng ta sống trong trạng thái cho rằng “mọi việc gần như không thay đổi”, “chuyện này rất ổn”

Hiếm có ai nghĩ rằng một chuyện có thể ổn, cũng có thể không ổn. Con người bình thường không nghĩ theo cách đấy. Giống như bạn không bao giờ bước vào một căn phòng, ngồi vào một cái ghế mà nghĩ rằng ‘Cái ghế này có thể ở đây hoặc không ở đây” – rõ ràng bạn sẽ không nghĩ như vậy

Một số người thông mình có thể đôi lúc xuất sắc đề phòng được các trường hợp. Nhưng loại ý nghĩ trên thuộc về một tổng thể con người khác. Họ thật sự thấy được thế giới là vô định. Thấy thế giới là vô định thì có thể thấy nó là tất định, có thể đoán biết được tương lai. Đây là thứ đầu óc thuộc về những người có khả năng tiên tri

Chuyện đến đây đã khá xa rồi. Nhưng vẫn nói, bất kể một chuyện gì, suy đến cùng đều chạm đến những điều vô cùng sâu xa, những bản chất của thế giới này. Truy tìm về bản chất, dựa trên cái vô định để tìm ra điều tất định là con đường để đi xuyên qua những mê mờ, cạm bẫy đời này

Nhưng khi còn ở ngay giữa đời này, hãy hướng đến việc thấu biết đời sống và làm chủ cuộc sống của bản thân

Bạn phải làm chủ đời mình. Đó là đích đến

 


4.


Để đi đến điểm đó, bạn phải vượt qua rất nhiều điều, phải không ngừng tiếp thu tri thức, nhận ra những sự thật về thế giới này, sẵn sàng chịu đựng khổ đau. Không chỉ là khổ đau của những khó khăn bất chợt, những trở ngại ngáng đường, mà cả khổ đau của việc từ chối đời sống an dật, hưởng thụ - và điều này mới là khó hơn

Một người vốn sống khổ, họ phải vượt qua khổ sở để tiến lên, thì không khó bằng một người đang sung sướng nhàn nhã, phải tự đặt mình vào chỗ khổ để vượt lên giới hạn của bản thân

Cho nên để giúp một người đang thấy mình sướng-ổn tốt lên, nhất định phải tạo ra khó khăn cho họ

Một điều cơ bản, thực dụng là nếu không có khả năng đối diện với các khó khăn bất chợt thì người ta không thể sống được lành mạnh bình thường.

Đáng sợ không phải là khó khăn mà là ảo tưởng rằng mọi chuyện đều đang yên ổn. Khi nào biển lặng hẳn là sắp có bão lớn – những người từng trải đều hiểu điều này

Giống như trong cuốn “Ý chí sắt đá”, có đoạn: “Emerson từng nói về con trai mình rằng ‘Tội nghiệp thắng bé, nó thiệt thòi vì không phải trải qua những khó khăn như tôi hồi nhỏ'"

Cho nên, tạo ra trở ngại cho người khác là để giúp họ trưởng thành. Hãy giúp đỡ những người quan trọng nhất đúng cách. (Chính-mình hẳn cũng là người quan trọng nhất với mình đấy nhỉ?)

5.

Lại nhớ chuyện Việt Vương Câu Tiễn nằm gai nếm mật:

“Nước Ngô, nước Việt đánh nhau. Vua Ngô là Hạp Lư thua trận, bi quân Việt đâm chết. Con Hạp Lư là Phù Sai nối ngôi làm vua, thề thế nào cũng phục thù được cho cha mới nghe. Phù Sai bèn cho người đứng ở sân, mỗi khi mình ra vào, người ấy phải nói to lên rằng:
“Phù Sai kia! Nước Việt nó giết cha mày mà mày quên ư?” Phù Sai thưa rằng: “Dạ không dám quên”.

Ba năm sau, quả nhiên Phù Sai đánh được Việt, báo được thù cho cha. Lúc nước Việt thua, vua Việt là Câu Tiễn sai sứ sang cầu hoà.

Tuy rằng được hoà, nhưng đêm ngày âu sầu, lo nghĩ nát gan, tan ruột. Chất củi làm giường nằm, treo cái mật trước chỗ ngồi. Khi nằm thì trông cái mật; khi ăn thì nếm cái mật. Chính thân thì cày cuốc, vợ thì dệt vải làm ăn lao khổ như thường dân. Ai là bậc hiền tài, thì trọng dụng, ai là kẻ khốn khó thì cứu giúp. Hơn hai mươi năm trời, lúc nào cũng được như vậy. Sau Câu Tiễn xem chừng lòng dân đã khiến được, bấy giờ mới đem quân đánh Ngô, quả nhiên Ngô lại thua mà Việt được.”

John Lạc Quan -


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147