Trang chủ Blog Nhân cách

Không ai xa lạ và Con lắc Foucault

By: OopsyAdmin, 2020-01-03 12:44:16

Vào năm 1851, nhà khoa học người Pháp là Jean Bernard Léon Foucault đã tiến hành một thí nghiệm nổi tiếng. Bạn đừng thắc mắc về năm sinh năm mất của ông, mà về sau cũng đừng thắc mắc cái đó làm gì, trừ khi bạn cần nghiên cứu. Tôi biết nhưng không muốn nhớ, cũng chẳng thèm nhớ, nếu ở trong một văn phòng, bạn cũng đừng nhớ những cái không cần, nghĩa là chỉ cần nhớ những cái nên nhớ.

 Ông ấy là một nhà vật lý cho dù học y khoa, và chỉ vì chứng sợ máu mà bỏ y khoa (nhân tiện, nếu bạn sợ cái gì, thì đơn giản là chỉ cần tránh nó và chọn cái khác đúng với sở thích của mình, có điều hãy chăm chỉ và có trách nhiệm với những gì mình chọn). Foucault nghĩ ra việc treo một quả cầu, dưới đít của quả cầu có một cái kim có thể vẽ lên cát khi quả cầu bị lắc. Rồi ông đẩy quả cầu, cái đẩy này gọi là lực ban đầu. Khi quả cầu lắc, nó sẽ vẽ lại chuyển động của mình trên cát.

 Bạn đang nghĩ đẩy thế nào thì nó lắc thế ấy chứ gì? Cũng có thể, nhưng thí nghiệm của ông lại chỉ ra một chuyện quan trọng hơn rất nhiều. Kết quả thế này, nói đúng như wikipedia, bạn có thể search để kiểm tra thông tin (mấy người hay search tìm thông tin thường mất kiên nhẫn và không làm được việc gì lâu dài): "Tại đường vĩ độ đi qua thành phố Paris, đường chuyển động của con lắc đã thực hiện một vòng quay thuận chiều kim đồng hồ cứ sau 30 giờ. Tại Nam Bán Cầu, đường đi đó ngược chiều kim đồng hồ, và tại xích đạo, nó không quay tròn chút nào. Tại Nam Cực, những nhà khoa học ngày nay đã xác nhận chu kỳ của đường đi của con lắc là 24 giờ." Nghĩa là con quay, với tư cách là một vật trong hệ trái đất, đã quay theo đúng cách trái đất quay: và thế lại có nghĩa là, trái đất tự quay quanh chính nó.

 Quên đoạn đó đi, tóm lại là thế này: bạn luôn ở trong một hệ thống, luôn tương tác với cả những điều hữu hình và vô hình. Nếu đến con quay vô tri còn biết chạy theo Trái đất, thì bạn, sao bạn có thể tỏ ra mình bất cần bất tuân tổ chức, tập thể và văn phòng. Sao bạn cứ mải nghĩ chuyện tự do khi đằng nào sinh ra trên đời này chúng ta cũng đã gắn chặt vào cơm áo gạo tiền, và chỉ có thể tự trào để tìm cảm giác giải khuây giữa một đời bề bộn. Sao mà cay đắng thế chứ?

 Với tôi, tôi có một ý niệm rõ ràng. Nếu tôi xa lạ với nơi tôi làm việc, nghĩa là tôi tự lừa mình đấy thôi. Muốn làm chủ được, phải hiểu rõ. Không hiểu mà liều, thì đó… không phải là đức tính tốt cho dân văn phòng.

 Tôi phải tìm hiểu kĩ công ty tôi đang làm việc, từ cái tên đến người lãnh đạo, giá trị cốt lõi, khẩu hiệu. Thậm chí, tôi còn phải tìm hiểu xem tiềm năng của công ty là gì, thế mạnh ra sao, sản xuất cái gì… Nếu tôi không biết những điều này, thì công ty luôn là một vị Thần vô hình ám ảnh tôi bằng các nhiệm vụ công việc. Công ty tôi có tên là một chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp, và tôi biết ký hiệu của nó đấy, tôi còn dám chắc không phải ai cũng biết kí hiệu đó.

 Tôi biết tên từng người, năm sinh của họ nếu tôi phải giao tiếp thường xuyên (cái này hữu ích đó, nhất là khi chuyện phiếm chuyển sang chuyện thế hệ, tuổi tác, già trẻ…). Tôi biết lịch sử thăng tiến của họ, nơi họ học ra trường, tôi biết khả năng và khát vọng của họ. Phải cảm ơn họ khi họ nói về những công việc chuyên môn của họ, vì nó giúp tôi hiểu hơn các khâu trong một công ty.

 Tôi biết loại bàn trong công ty giá bao nhiêu và là loại gỗ gì, những cái máy tính có thể định giá thế nào, trần và tường nữa, loại giấy trong máy in, và cả loại driver chuyên cài để nối máy tính với máy in. Tôi biết chất lượng cái thứ nước mà cả phòng uống chung, cũng như độ sạch của nhà vệ sinh chung.

 Tôi biết cả, nên văn phòng ấy là nơi tôi biết, tôi sống, tôi ngồi đó, đi lại, nói chuyện, suy nghĩ, nhận lương, chịu trách nhiệm, kết bạn… Tôi biết trước ai tôi cười, trước ai tôi nhỏ giọng, ai nên chia sẻ, ai nên khuyên bảo, ai nên học hỏi…

 Điều quan trọng là tôi tự nguyện biết, chứ không phải thông qua một cuốn sách nào cả. Tôi tự nguyện biết nên khi tôi lân la hỏi han hoặc âm thầm quan sát, tôi thấy thêm nhiều điều sinh động trong một không gian chật hẹp. Cái thú vui quan sát này là cách duy nhất để rèn luyện trí huệ. Những cuộc nói chuyện là cách duy nhất để rèn luyện sự giao cảm và tăng thêm lòng thấu hiểu trân trọng.

 Nếu bạn thấy mình bị ép buộc phải hiểu, thì chẳng gì khác ngoài: sức ép, mệt mỏi, chán nản, vô tâm, thờ ơ.

 Nếu bạn không biết: bạn còn không bằng con quay Foucault. Ít nhất nó quay cùng trái đất, chứ không phải là một người nhổ nước bọt lên chính chỗ mình ngồi.

 Hãy lên list những điều cần biết, và bắt đầu tìm hiểu đi. Nhớ là quan sát nhiều hơn là hỏi han, và biến mỗi cuộc nói chuyện thành một tương tác điều hòa như con quay với trái đất.

<Trích sách "Hôm Ấy Cùng Nhìn Qua Ô Cửa Sổ Văn Phòng Chúng Ta Đã Mỉm Cười" |

tác giả Hạo Thái>

 


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147