Trang chủ Blog Nhân cách

Tâm lí học về Nghiện: Những người NGHIỆN và những người có KHÁT VỌNG đều là những người khuấy đảo các trật tự hiện hành

By: OopsyAdmin, 2020-09-08 18:17:49

TÂM LÍ HỌC VỀ NGHIỆN

Những người nghiện và những người có khát vọng đều là những người khuấy đảo các trật tự hiện hành

.                                                                                           

NGHIỆN LÀ GÌ?

Mở đầu series Tâm lí học về nghiện, chúng ta làm quen với các khái niệm tâm lí học về nghiện. “Nghiện” được định nghĩa là việc sử dụng một chất, hoặc tham gia một hành vi, hoặc là bị hấp dẫn bởi một động lực nào đấy mà chúng ta lặp đi lặp lại hoạt động đấy bất chấp hậu quả bất lợi. Đúng hơn là bất chấp hậu quả, còn lại vế tiêu cực là “bất lợi”

Nhưng có những hiệu ứng tích cực hơn vẫn được xét là hệ nghiện, chẳng hạn như nghiện công việc. Còn những thể loại nghiện liên quan mà chúng ta vẫn cho là nghiện tiêu cực, như là rượu, các chất kích thích và những hành vi mang tính chất xấu như đánh bạc hoặc tình dục

TÂM LÍ HỌC VỀ NGHIỆN VÀ NHỮNG BÀI HỌC VỀ ĐỜI SỐNG

Ở trong tâm lí học về nghiện, chúng ta thấy có ba vấn đề rất hệ trọng mà nếu lưu tâm chúng ta sẽ thấy có rất nhiều bài học về đời sống ở đây

CHỨNG NGHIỆN BAN ĐẦU – MỘT CẤU TRÚC HÀNH VI VÀ NHẬN THỨC TRONG MỖI NGƯỜI

THỨ NHẤT là những chứng nghiện. Tức là việc chúng ta lặp đi lặp lại một hành động và bất chấp hậu quả, thì nó liên quan đến việc cố định hóa tính cách, sự hiểu biết, và thậm chí là cấu trúc phản ứng thần kinh của chúng ta

Nói đơn giản là thế này, chúng ta quay trở lại những ví dụ kinh điển trong tâm lí học hành vi, trong thưởng phạt, thì về căn bản người ta nghiện thưởng. Nghiện những phần thưởng, cho nên việc lặp đi lặp lại những phần thưởng sẽ tạo động lực cho người ta bất chấp để vươn lên phần thưởng. Điều này trở thành một cấu trúc hành vi, cấu trúc nhận thức trong mỗi người

Cho nên, quay trở lại thời gian của đứa trẻ. Chúng ta thấy nó lặp đi lặp lại một hoạt động, chẳng hạn như trang trí cho búp bê, hay như giặt quần áo, hay như mô phỏng người lớn, hay làm một việc gì đấy mà nó không thấy mệt, nó bất chấp và nó lặp đi lặp lại, nó sung sướng [khi thực hiện] đúng hành động đấy. Tất nhiên nó có thể chuyển rất nhiều hành động nhưng trạng thái của nó là một loại trạng thái nghiện ban đầu

Tại sao có thể xét như thế?

MỐI LIÊN HỆ GIỮA NGHIỆN VÀ CHẤT DẪN TRUYỀN THẦN KINH DOPAMINE

Chúng ta đi đến vấn đề THỨ HAI, liên quan đến việc điều phối, kiểm soát và vận hành chất dẫn truyền thần kinh DOPAMINE trong thân thể

Chúng ta biết là xưa kia dopamine được hiểu là một chất như động lực của hành vi. Nhưng giờ đây chúng ta đã thấy là dopamine xét trong tương quan với cấu trúc nhận thức và hành vi của con người thì nó có chức năng gì? Đấy là nó tạo nên động lực để người ta hoàn thiện một kết quả có sẵn. Tức là nó thiên về tính kết quả hơn là tính động lực

Đơn giản thế này, chẳng hạn khi bạn nghĩ là bạn chuẩn bị đến gặp bạn gái lúc 5h thì 3h cứ bồn chồn muốn đi rồi, đấy là lúc hệ thần kinh tiết ra dopamine. Dopamine là chất dẫn truyền thần kinh để cố định hóa mục tiêu và yêu cầu chúng ta hành động

Nói về chứng nghiện, chúng ta nhớ là trong cuộc đời, chúng ta nghiện rất nhiều đấy nhé: Hồi bé nghiện làm người lớn, lớn lên có khi nghiện chơi điện tử, lớn lên nữa nghiện yêu, lớn lên nữa có khi nghiện tình dục, lớn lên nữa nghiện kiếm tiền, lớn lên nữa nghiện được người ta thương, được người ta khen, làm mọi điều để cho người ta đánh giá tốt mình,… nó cũng đều là một chứng nghiện, nó liên quan đến chất dopamine và chất dẫn truyền thần kinh để cố định hóa các trạng thái nhận thức hành vi

TÍNH BẤT CHẤP HẬU QUẢ KHI NGHIỆN

Điều THỨ BA chúng ta đã nói ở đây, đấy là TÍNH CHẤT BẤT CHẤP. Nó rất quan trọng, bởi vì trạng thái bất chấp này: tiêu cực thì liên quan đến nghiện, tích cực thì liên quan đến đam mê và khát vọng. Cho nên là cấu trúc hệ thần kinh hành vi của những kẻ tồi tệ nhất, chẳng hạn như nghiện ma túy, đánh bạc giống với những người tuyệt vời nhất. Tất nhiên là phương thức, phương tiện, kết quả, hành động cụ thể đúng là khác nhau

BA HẬU QUẢ KHI NGƯỜI TA NGHIỆN

THỨ NHẤT: TRẦM CẢM VÀ CÁC VẤN ĐỀ TÂM LÍ KHÁC

Đấy là những trạng thái mà con người vượt ra khỏi một sự tồn tại bình thường để trở nên hoặc là bất thường hoặc là phi thường. Nó sẽ đi kèm với những vấn đề thế này. Khi chúng ta rơi vào ba trạng thái mà chúng ta vừa nói liên quan đến:

  • củng cố cấu trúc nhận thức não;
  • liên quan đến việc tiết ra dopamine và tạo ra dòng chảy điều phối đôi dòng chảy dopamine trong thân thể;
  • liên quan đến việc bất chấp hậu quả

Thì một trong những tác dụng phụ của quá trình này là nó tạo ra trạng thái trầm cảm và lo lắng hoặc những vấn đề tâm lí khác. Đây chính là lí do mà chúng ta nghiện nhiều nhất, nghiện một cách tự nhiên, chính là tuổi thanh xuân, thanh thiếu niên cho đến hết thời thanh xuân. Tức là cái tuổi nghiện này đặc biệt, nó kéo dài từ thời 12 tuổi cho đến 30 tuổi. Khoảng 18 năm chúng ta sống trong trạng thái gặp cái gì mà chúng ta mê là mê lắm, bất chấp! Đấy là hậu quả thứ nhất

Nên ở đây cũng nói, con người nào muốn đạt đến đam mê và khát vọng, con người nào có đam mê, khát vọng, có lí tưởng thì họ vẫn luôn luôn gặp phải một tác dụng phụ là trầm cảm, lo lắng, bất an. Tại sao lại có cơ chế như vậy? Bởi vì đó là khi những bộ phận khác ở trong cấu trúc tâm lí hành vi, bộ phận khác ở trong thần kinh chịu áp lực khiến nó nảy sinh những trạng thái như vậy

Vậy đâu là sự khác biệt giữa người có đam mê và người nghiện? Đó chính là người có đam mê họ vượt lên trên điều đấy, họ bước tiếp, nhưng họ vẫn sẽ gặp [những trạng thái như vậy]

THỨ HAI: RỐI LOẠN HÀNH VI TRONG MỘT THỜI GIAN NHẤT ĐỊNH

Tác dụng phụ thứ hai của tâm lí học về nghiện là nó gây ra rối loạn hành vi trong một số thời gian nhất định. Chẳng hạn như người nghiện cờ bạc, hay là nghiện ma túy thì rối loạn hành vi quá rõ rồi. Rối loạn hành vi này, rối loạn nhận thứ này có thể làm giảm rối loạn cả trí nhớ. Cho nên những người nào mà hùng hục lao vào công việc, họ chỉ chủ yếu nhớ được những chuyện xung quanh mục tiêu làm thôi, những chuyện ngoài khác họ không nhớ được

Khi người ta bị rối loạn như vậy thì những mối quan hệ xã hội của họ cũng sẽ bắt đầu gặp vấn đề. Khi họ gặp vấn đề, chúng ta phải nhớ với những liên quan đến đam mê và khát vọng, hãy kiểm soát vấn đề đấy, hãy tỉnh táo. Tất nhiên là những người trong đam mê thì họ thường bất chấp. Đấy chính là vấn đề thứ ba

THỨ BA: BẤT CHẤP TỔN THƯƠNG VỀ TÂM LÍ VÀ SINH LÍ

Họ theo đuổi các hoạt động mà bất chấp những tổn thương về tâm lí và sinh lí. Chúng ta biết, giống như Harry đã nói, tâm lí và sinh lí là hai chân chống của hạnh phúc: thỏa mãn về tâm lí và thỏa mãn về sinh lí. Thế nhưng, trong trạng thái đam mê nó bỏ qua sự thỏa mãn cá nhân này

Trạng thái của người nghiện, kể cả nghiện ma túy, nghiện cờ bạc hay nghiện công việc, nghiện lí tưởng, nghiện sự nghiệp… nó không phải là trạng thái thỏa mãn mà người ta đặt ra các mục tiêu liên tục, liên tục , liên tục để vươn đến cái mức cao hơn ngay cả khi phải chịu đựng rất nhiều điều

KHI NGHIỆN VÀ ĐAM MÊ ĐỀU LÀ MỘT

Ở đây chúng ta nói thêm một điều nhỏ nhỏ, đấy là bộ não của chúng ta, nhận thức của chúng ta và cảm xúc của chúng ta, nói như kiểu chúng ta vẫn hay nói - Thân Tâm Trí của chúng ta, nó không phải ngay từ đầu là một thể gắn liền. Nó cần rất nhiều hoạt động, nó cần đời sống của con người để gắn kết lại, cố định hóa qua một loạt các hoạt động, qua các trạng thái cực đoan như kiểu nghiện hoặc đam mê. Hai đầu là trạng thái cực đoan; hay các trạng thái trầm tư, trầm cảm, lo lắng, bất an ở giữa, ở trong cốt lõi; hay những trạng thái xung quanh chẳng hạn như toan tính, chẳng hạn như vui vẻ, chẳng hạn như vui chơi để nó cố định hành vi của chúng ta lại

Theo thời gian những chứng nghiện đều có xu hướng là có thể trở thành một: về mặt tiêu cực thì nó trở thành những cái thói, còn về mặt tích cực nó trở thành một trật tự và kỉ luật

Tất nhiên với những chứng nghiện chúng ta thấy là, ở mặt tiêu cực người ta sẽ cảm giác thất bại, tuyệt vọng, xấu hổ, tội lỗi và việc phục hồi họ rất là khó. Phục hồi những người mà chứng nghiện đã đưa họ vào trạng thái tuyệt vọng, xấu hổ, tội lỗi rất khó nhưng có thể. Còn những người đam mê, lôi họ về đời sống bình thường cũng rất khó, bởi vì họ đã cố định hóa thành kỉ luật sống. Chúng ta có thể nhắc đến những người tu hành là những đặc trưng của những loại người này. Muốn lôi những người tu hành thuần nhất về lại đời sống cần phải phá bỏ cấu trúc hành vi của họ

Chúng ta nói ở đây, cả hai con đường nghiện và đam mê, nó đều như nhau. Nó rất đặc biệt thế này, đấy là khi đưa về trạng thái cân bằng hơn so với nghiện và đam mê thì nó rất dễ tái phát trở lại trạng thái cũ, giống như kiểu chúng ta gọi là tái nghiện. Hay một người nghiện việc, một người mà nghiện lí tưởng, người có khao khát, khát vọng mà chúng ta bắt họ sống cuộc sống bình thường thì chỉ một hai năm họ lại quay trở lại cuộc sống đam mê như cũ, không thể ngăn họ được. Cái tái phát này có cấu trúc và cơ chế thần kinh của nó

.

Khi chúng ta động đến vấn đề nghiện, chúng ta động đến một vấn đề rất cốt lõi và xương tủy của đời sống. Đấy là vấn đề chúng ta kiểm soát CÁI TÔI đến mức nào và xã hội có khả năng KIỂM SOÁT CÁI TÔI của con người đến mức nào. Không phải ngẫu nhiên mà những người nghiện và những người có khát vọng đều là những người khuấy đảo các trật tự hiện hành, đúng không? Tất nhiên là không có gì ca ngợi những người nghiện theo nghĩa xấu ở đây cả, nhưng mà chúng ta đang nói đến bản chất của cấu trúc hành vi thì việc nghiên cứu tâm lí học về nghiện sẽ vén lộ cho chúng ta thấy một bức tranh khác về con người

Đấy là những điều rất cơ bản về Tâm lí học về Nghiện mà chúng ta sẽ có một series liên quan. Hẹn gặp các bạn ở bài tiếp theo!


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147