Trang chủ Blog Nhân cách

Thân xác thuộc về: Tự ti

By: OopsyAdmin, 2021-03-18 12:30:44

1. Sao cái lòng tự tin cái dạ kiêu hãnh nó xác thịt và tầm thường thế nhỉ. Lòng-tự-tin - nghe đã rất xác thịt rồi. Tình yêu là Trái tim,Trí tuệ là Khối óc. Còn gì nữa? Còn tất cả những điều gì tương tự nữa: trong đô thị này con người lượng định mọi giá trị bằng Thân Xác của mình.

Chính vào lúc ngẩn ngơ nghĩ ngợi chuyện đời đời kiếp kiếp con người đô thị, và khi bị đô thị nhìn một cách thờ ơ khiến tự tôi thấy mình thấp cổ bé họng hèn hạ (này, từ khi nào đó những đặc tính ấy biến thành nhân cách của con người đô thị nhỉ), tôi bỗng nhận ra một điều hệ trọng rất mực. Ấy là, dường như đô thị này giống như một cơ thể. Nó cũng có tứ chi, lục phủ, ngũ tạng, nó cũng quần quần áo áo, nó cũng phô trương, tham lam, hám dục. Và chính khi sống trong cơ thể ấy như những con vi khuẩn, con người ta ngày càng giống với nó hơn.

Cái đô thị này này, chính nó, nó tạo nên ta với đầy đủ những đặc tính của một con-người-xác-thịt. Ta biết sợ chết, biết chữa bệnh, biết cảm nhận nhịp tim, biết đau đầu, khó thở, quặn bụng với đủ mọi kích thích từ bên ngoài. Chính trong quá trình thân thể ta bị kích thích, dù muốn hay không, cái Thân khổ đau tủi hổ này dần thuộc về đô thị theo mọi nghĩa. Cái Thân này càng thuộc về đô thị, ta càng giật mình, càng thấy đau yếu, càng không làm chủ nổi nó, càng buông nó cho một đời mê mệt khổ sở.

Thân xác thuộc về tự tin?

2. Xác thịt này không phải là xác thịt, cho đến lúc đô thị biến nó thành xác thịt. Người ta chỉ không mặc quần áo khi đô thị này đề cao y phục. Người ta thành xấu xí khi đô thị tạo ra chuẩn mực của cái đẹp. Tôi chỉ có ý nói nếu chẳng vì đô thị này, bộ quần áo cũ của tôi là đủ đẹp với tôi, tóc tai khuôn mặt vóc người của tôi là đủ đẹp cho tôi. Nếu chẳng vì tai của những kẻ tàn nhẫn, tiếng nói tôi đủ vọng tới tai tôi, mà có khi tôi còn chẳng cần nói, chẳng cần cười cợt giả lả, chẳng cần giả vờ cùng khen chê đẹp xấu ở đời.

Thật ra nghĩ đến những điều ấy, tôi thấy mình rừng rực buồn trong ý niệm xấu đẹp. Bạn có hiểu điều ấy không? Cái thân của bạn, dù ở đâu trong đời sống này, cũng luôn bị đe dọa, thua kém, vì thế cũng luôn muốn xâm chiếm, đoạt lấy một chút đỉnh gì ở đô thị này. Tại sao phải trang sức, tại sao phải quần áo, tại sao phải hoa lệ xa xỉ? Tại sao hãnh diện vì được đi cùng người nổi tiếng, hạnh phúc vì yêu được một người xinh đẹp tú lệ? Là vì ta biết cái thân này chẳng là gì ở đô thị ngoài nhà ta, là vì ta chẳng là gì ngoài một nhúm dục vọng biết suy nghĩ.

Và sao nhỉ? Điều ghê rợn nhất khi tôi phải nghĩ về điều ấy là: chính cuộc sống đô thị đã khiến con người ta, dù muốn hay không, đẹp hay xấu, tỏ ra kiêu hãnh hay nhún nhường, trí tuệ hay ngu dốt, cảm thấy tự-ti. Tự ti, nghĩa là luôn thấy thua kém, luôn cảm nhận một trạng thái yếu mệt, suy kiệt, luôn sẵn sàng hèn hạ và lùi bước - điều ngược lại cũng đúng cho tất cả: chúng ta sẵn sàng tranh đấu, hừng hực, tự đốt cháy mình, tỏ ra cao thượng và lấn tới. Nhưng vì hai trạng thái đối lập ấy chỉ là một, nên kẻ hừng hực sẽ mệt mỏi, kẻ táo tợn sẽ e sợ. Đừng giấu những điều đó trước nhau, có gì để giấu đâu.

Nhưng mấu chốt của những điều ấy là gì? Đó là, ta thật ra bị cái động lực tự-ti thôi đẩy. Vì thật ra ta yếu nhược từ lúc sinh ra (một ám ảnh kiểu Otto Rank, Chấn thương khi sinh) và cứ thế kéo dài cảm giác lực bất tòng tâm suốt cuộc đời mình. Bằng cái động lực tự-ti ấy, mọi cái đẹp biến thành mong muốn, mọi giá trị biến thành lý- tưởng. Không điều gì tươi sáng còn là thật. Vì con người không thể tươi sáng được nữa khi đã luôn thấy mình ấm ức và bất lực trước cuộc đời này, trong đô thị này.

3. Tôi rất thích chữ Hán dù không giỏi, nhưng tôi thường nghĩ: ngôn từ của chúng ta trong đô thị này là cách để đô thị đánh tráo mọi thứ. Quả thật thế. Trong tiếng Hán, từ "Ti" tự nó đã bao hàm cả hai trường nghĩa giống bề ngoài giống nhau nhưng thật ra là đánh tráo. Ti là khiêm cung, nhún nhường, giản tiện, nhưng cũng có nghĩa là hèn hạ, thấp kém, suy yếu.

Bạn hiểu điều đó không? Khi ta chẳng tranh với ai, đời này (đô thị này) biến ta thành kẻ thấp kém. Khi ta giản dị, trước mắt mọi người ta biến thành tầm thường. Khi ta khiêm cung, một ngày nào đó ta sẽ bị coi thường. Và sự đối lập xuẩn ngốc này chỉ là một hiện tượng đô thị.

Buồn thế...

---

Trích sách (sắp xuất bản) "Những mảnh hồn đau đớn: Tâm lý học về sự tổn thương tinh thần trong thế giới đô thị". Tác giả: Hạo Thái


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147