Trang chủ Blog Nhân cách

Xây nên thế giới của riêng mình trong gia đình

By: OopsyAdmin, 2020-01-07 00:25:15

1. Chúng ta biết, một trong những đặc điểm khi chúng ta còn nhỏ là quần áo rất quan trọng. Việc được mua một bộ quần áo mới để mặc đi gặp bạn bè rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là gì: Đấy là được bố mẹ mua quần áo cho để đi mặc trước bạn bè. Chắc ai cũng từng trải qua đúng không – nỗi sung sướng được mặc quần áo bố mẹ mới mua cho!

Tất nhiên, bạn có thể được người khác, không phải bố mẹ, mua cho quần áo. Nếu như thế thì cũng tốt, nhưng cũng khá “đáng sợ,” dòng họ ấy hơi có vấn đề. Quần áo được cho là đương nhiên, nó tồn tại ở suốt phương Đông và phương Tây. Nhưng căn bản ai cũng sung sướng trước quần áo được cho, ai cũng sung sướng trước quần áo mới (mới với mình thôi) để mặc khoe với bạn bè.

tâm lý, oopsy

2. Quần áo mới này, tốt nhất nên đến từ gia đình, họ hàng. Khi gia đình trao cho chúng ta quần áo, cho dù là họ hàng cũng vậy, nó mặc nhiên với chuyện nó mang đến điều gì. Dù là gì, tất cả những thứ đấy có nghĩa là gia đình cho phép chúng ta xuất hiện trước người ngoài như thế nào.

Điều này đúng từ bé. Hạnh phúc của người mẹ hay người bố trong việc mặc cho đứa con một bộ quần áo, hoặc mua cho nó một bộ quần áo, bất kể là người nghèo hay giàu, bất kể bộ quần áo trông dơ dáy hay không, cũ hay mới – không cần biết, điều đấy có nghĩa là họ được quyền cho phép đứa bé này xuất hiện trước người ngoài thế nào.

3. Chúng ta hãy nói về cảm hứng tâm lí này. Khi chúng ta có một con chó bông, thì chúng ta có một niềm rất hạnh phúc là gì: Chúng ta mặc cho nó. Ai đã từng chơi búp bê hồi bé cũng sẽ rõ điều này. Một trong những cảm hứng chơi búp bê là có thể mặc cho nó thứ mà chúng ta muốn, cho nó một giao diện xã hội mà chúng ta thích. Khi chúng ta muốn tô màu một bức tranh, đấy là cho bức tranh một hình dáng như là chúng ta muốn. Đây là một cảm hứng sáng tạo, một cảm hứng kiến lập. Cảm hứng kiến lập này một khi đã được tạo ra thì không ai muốn mất đi cả.

Hãy nói đơn giản về hiện tượng tâm lí này. Khi chúng ta vẽ xong một bức tranh, chúng ta ghét nhất là ai chỉnh sửa bức tranh đấy, tô thêm chút màu trông cho nó đẹp. Nếu như kẻ đấy vô tình tô màu đẹp hơn thì sao? Bức tranh này là của ai? Tất cả công phu bức tranh này thuộc về ai? Con búp bê của chúng ta sau khi được chúng ta mặc một bộ quần áo, nếu có người cho nó một bộ quần áo đẹp hơn khoác lên trên thì nó là của ai, đẹp vì ai? Không ai chịu nổi điều đấy, không ai chịu được là con mình đẹp hơn nhờ người ngoài.

4. Cho nên gia đình đã kiến tạo sẵn ở chúng ta một tâm lí: Tất cả người ngoài đều là Sai và gia đình quyết định xem ai là người con mình quan hệ Đúng: “Con gái, người con yêu liệu có đúng hay không là do mẹ quyết định,” “Đứa bạn con chơi có đúng hay không là do bố quyết định.” Và như thế, một trong những hành động của đứa trẻ được kiến tạo sẵn từ bé là: Nếu nó có mối quan hệ mới nào mà xã hội càng coi trọng thì nó càng đem về báo cáo với gia đình.

Đấy là trạng thái báo cáo chứ không phải kể. Nhưng tất nhiên nó được hợp lí hóa ở mức độ kể: “Mẹ ơi con có (bạn này),” “Mẹ ơi con có (bạn kia),”… Rồi bắt đầu chính thức hóa mối quan hệ bằng cách: Dẫn đến nhà chơi.

Ví dụ, đứa trẻ đi chơi với bạn rồi dẫn về gặp bố mẹ, bố mẹ chỉ cần thích thì nó cảm giác đấy là một thành tựu. Tất cả những điều đấy được kiến tạo sẵn trong suốt tuổi thơ của bất cứ ai. Bất cứ ai cũng thấy mối quan hệ của mình phụ thuộc vào phán quyết của gia đình. Và cảm hứng này tồn tại gần như vĩnh cửu. Nó khiến chúng ta không quan trọng người bạn đấy là ai, mà quan trọng là người bạn ấy được ai chấp nhận.

Điều đó có nghĩa là chúng ta không quen nhìn nhận bản chất của một người, mà chúng ta quen nhìn nhận xem những người xung quanh chúng ta – đặc biệt là gia đình – nhìn nhận người đấy thế nào. Nó khiến chúng ta mất đi lí trí trong việc quan sát các quan hệ xã hội.

5. Thậm chí, chúng ta có xu hướng lồng ghép việc so sánh người khác với gia đình chúng ta: “Anh rất giống mẹ em”/ “Anh rất giống bố em,” hay “Em cũng có ông anh giống anh,”... Tất cả những sự so sánh như thế là dấu hiệu của một lí trí không lành mạnh.

Tất nhiên, chúng ta sống bằng kinh nghiệm. Chúng ta phán xét một người theo kinh nghiệm, chúng ta phán xét một người theo những gì chúng ta biết. Thế nhưng ở đây có một triệu chứng của việc tất cả những mối quan hệ bên ngoài là do gia đình phán xét. Chẳng hạn, có một cậu học trò nọ, việc cậu ấy có tin vào thầy mình hay không rất khó nói. Nhưng có một động lực không thay đổi, đấy là nếu bố cậu bảo thầy cậu là tốt thì cậu sẽ rất tin vào thầy mình. Nhưng nếu bố cậu bảo là thầy cậu không tốt, thì bắt đầu sẽ có khoảng cách. Làm sao tránh được? Đó là chuyện bình thường trong cuộc đời, là kết quả của gia đình.

6. Tại sao lại thế? Bởi vì chúng ta sống trong một cái đinh nhân cách: Cái gì gia đình phán xử đều là đúng. Cho nên, nó giống như bộ quần áo, chúng ta mặc bộ quần áo nào, đẹp với ai – đều do gia đình quyết định. Người khác, người ngoài không có quyền khen chê bộ quần áo mà Tôi cho con tôi mặc.

Đặc biệt trong thời xưa, trong truyền thống cổ của cả phương Đông lẫn phương Tây, quần áo phải do tay cha mẹ tạo nên, tức là rách thì cha mẹ vá, có thể do cha mẹ làm ra. Những thứ đó liên quan đến bản ngã của gia đình. Đứa con thể hiện cách mà gia đình nhìn về thế giới bên ngoài, mọi thành viên trong gia đình quan hệ với ai – đấy là quan điểm của một gia đình.

7. Đến đây chúng ta hãy rẽ ngang một chuyện nho nhỏ: Thế nào là “gia đình”? Trong từ gốc, “gia” là nhà, “đình” nghĩa là sân. Thế nên khi chúng ta nói “sân đình” – đó là một từ lặp lại. Cái đình là cái sân – cái sân chung của mọi mối quan hệ. Ở đó, có một tòa nhà cho mọi người trú (tòa nhà này hay bị nhầm là cái đình. Thực ra cái đình là cái sân!)

Gia đình là gì? Gia đình là mối quan hệ gắn bó chung, người ta hoạt động chung trong một cái sân và chung trong một cái nhà. Đấy là quan hệ của phương Đông: có chung sân, chung nhà – đấy là gia đình. Tức là, sống cùng một nơi gọi là gia đình, bao giờ cũng thế. Cho nên mỗi người ở trong gia đình đấy, cách họ quan hệ với những người bên ngoài phải là phán quyết chung của gia đình và nó thể hiện quan điểm của những người sống trong căn nhà đấy. Đó là điều không thể thay đổi.

8. Một trong những triệu chứng tâm lí dễ thấy nhất của loại người bị ảnh hưởng nặng bởi gia đình là hay so sánh người này với người nọ. Chẳng hạn bạn ra ngoài đường, gặp một người về liền kể: “Anh ta giống bạn em lắm,” “Chị ấy giống cô bạn hồi cấp ba của em.” Triệu chứng hay so sánh người này với người khác thực ra là không nhìn nhận thẳng vào bản chất của một người là ai. Thường những người đấy chịu ảnh hưởng của việc gia đình phán xử gì thì điều đấy là đúng, không thể sai.

Triệu chứng tâm lí đó cho thấy đầu óc họ không lành mạnh, không xét đoán được tình hình. Và nhất là khi gặp những người mà trước đó họ chưa từng gặp ai giống thế, họ cũng dễ gục ngã và dễ bị lừa dối.

9. Trò chúng ta đang thực hiện ở đây là để giải thoát được cái đinh này, cái đinh thứ năm của tâm hồn, do gia đình đóng sâu vào tâm hồn chúng ta - 10 giờ đêm ngày nào cũng giặt quần áo trong suốt một tuần, luôn gây chú ý để người nhà biết mình đang làm thế.

********

- Trích sách TÔI ĐÃ SINH RA MỘT LẦN NỮA | OOPSY -

Làm sao để những lời bố mẹ mắng không làm ta đau đớn đến thế? Làm sao để mỗi cuộc xung đột với anh chị em ta không khiến ta quặn lòng đến thế? 

Làm sao để ngôi nhà là một mái ấm, và ta không chỉ hiểu chính mình như một thành viên gia đình mà còn hiểu gia đình như những gì cấu thành mình?

Đây là cuốn sách dành tặng bạn, để bạn SINH RA MỘT LẦN NỮA, vài trò bựa khôi hài sẽ giúp bạn kiến tạo một hạnh phúc dài lâu trong chính gia đình mình!


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147