Trang chủ Blog Sống khỏe

Cách Để Có Được Thần Thái Uy Nghi, Dẫu Quỳ Vẫn Oai

By: OopsyAdmin, 2019-01-30 10:48:03

Ở đời này, hễ nắm giữ cái gì, thì đều làm ta yếu đuối đi cả. Chính chỗ nắm giữ ấy là điểm tựa để cuộc đời nắm lấy tóc ta mà lôi đi. Nhưng mấy ai dễ đạt đến chỗ “không có tóc mà nắm”?... Dù ở đâu thì đôi vai và trái tim vẫn cứ bị đè nặng, hổn hển, yếu đuối như thế!

tâm lý, oopsy

1. Làm sao để cái Thân này vững mạnh như một trụ chống lại cái áp lực sập xuống của đời này? Nói một cách thô thiển nhất, thì có hai cách: Tập Yoga cho thân thể dẻo ra quen chịu áp lực, hoặc tập Thiền cho thân thể định lại cứng cáp chịu áp lực. 

Thế thì, ta nên mềm mỏng hơn hay cứng cáp hơn với đời? Đó quả là một câu hỏi có thể làm bất kỳ ai bối rối. Kẻ chủ trương mềm mỏng lẫn kẻ chủ trương cứng rắn đều thấy cuộc sống của mình bất ổn. Mềm mỏng thì bị liếm mặt, bị giẫm đạp. Cứng rắn thì bị ám hại, bị đâm sau lưng. Mềm thì cũng đứt. Cứng thì cũng gãy. Cuộc sống quá khó khăn. Nếu thật sự mềm hay cứng là tốt, thì chỉ sau 10 năm, cả nhân loại sẽ là mềm hoặc cứng liền, theo quy luật thích nghi để sinh tồn thì là thế.

2. Hẳn bạn sẽ muốn nói, phải biết cứng khi cần cứng, mềm khi cần mềm. Rất tiếc, không ai thật sự biết khi nào cần cứng và khi nào cần mềm. Vì thế cuộc sống khó khăn với bất cứ ai. Vì thế người Trung Quốc thích mẹo thuật, người Ấn Độ thích rũ bỏ cõi đời, phương Tây chọn cách đẻ ra bao nhiêu triết lí phức tạp hòng khỏi phải giải thích chuyện rất thật ở đời kiểu như: Bị một gã đi đường đấm rơi quai hàm (nghe thật bạo lực!).

3. Thân là gì? Là thân xác? Nếu chỉ là thân xác, thì cái xác của người đã lìa đời hẳn là vững mạnh nhất, vì ai động vào, nó cũng không phản ứng lại. Nên định nghĩa một cách lắt léo nhất: THÂN LÀ KHẢ NĂNG  Ý CHÍ LÀM CHỦ THỂ XÁC. 
Theo Theo định nghĩa này, một anh chàng tập thể hình 10 năm cơ bắp cuồn cuộn có thể thực sự yếu đuối và dễ tổn thương hơn một cậu bé có trái tim quả cảm. Hẳn là thế rồi!

4. Kết cấu của Thân rất thích hợp để người ta bị lôi kéo vào những ham muốn lẫn những suy nghĩ lẩn thẩn. Khát thì phải uống mới được. Buồn đi tiểu tiện là cuống cả lên. Vừa nghĩ ngợi vẩn vơ đến cái hamburger là nước bọt tiết ra cuồn cuộn. Ái chà, thế thì cái Thân này còn yếu đuối dài dài nhé. Cách chiến thắng thói ham muốn đó là gì? Biến thân thể này, sao cho bên dưới nó, ham muốn hay dục vọng không phát tác dễ dàng được nữa; bên trên nó, suy nghĩ lộn xộn hay tạp niệm không dễ vào nữa. Tất nhiên, cái Thân này vẫn không dễ biến đổi đến thế. Nói thế nào cho oách nhỉ? Thể xác này là máu thịt, nhưng khi làm chủ được nó, Thân sẽ là Vàng ròng! Thế nghĩa là bắt đầu luyện những bài luyện trong cuốn sách này, chúng ta đang biến thân thể thành Vàng ròng, quả thực là một sự vụ vô cùng quý giá. Lấy cái ý chí rèn luyện và làm chủ thể xác, Đạo gia dạy rằng: “Tiên bảo kỳ Thân,” bởi vì Thân là khởi nguồn của tất cả những điều tuyệt vời nhất về con người. Thân là tất cả những gì mà ta có. 

5. Trong nhà Phật có một lí thyết vô cùng thú vị liên quan đến Thân. Tôi không tin gì tôn giáo đâu. Nhưng bạn thử nghĩ mà xem, ở phương Đông này, suốt 2.500 năm, tăng lữ Phật giáo là những người cao quý bậc nhất. Hẳn là dù giáo lí và Đức tin của họ đúng hay sai, thì họ đã học được cách tạo ra được sự vững mạnh làm trụ chống đẩy bật những áp lực khủng khiếp của cõi hồng trần phàm tục này. Đây, không dài dòng nữa, tôi rất thích lí thuyết “Tứ uy nghi” của nhà Phật. Họ đã tạo ra phương pháp luyện Thân bằng tứ uy nghi (nghĩa là bốn cái uy nghi), biến Thân thành một điều to lớn, cao đẹp, sạch sẽ. Tứ uy nghi gồm: Thứ nhất là hành, hành tức là đi lại, di động, chuyển động; Thứ hai là trú, trú là ở, hay là đứng; Thứ ba là tọa, tức là ngồi; Cuối cùng là ngọa, tức là nằm.

6. Đi-đứng-nằm-ngồi, bằng bốn việc ấy mà được thành uy nghi, thì quả là sự việc hệ trọng to lớn. Để bạn khỏi băn khoăn nghĩa Hán Việt của từ “uy-nghi,” tôi đã cất công tra từ điển nghĩa của hai từ này cho bạn đây, hãy đọc qua một lượt nhé:
威 uy wēi
◼ (Danh) Oai, dáng tôn nghiêm (khiến cho phải kính phục hay sợ hãi). 
◼ (Danh) Quyền thế. Như: phát uy 發威 ra oai thế, động nộ, thị uy 示威 bày tỏ quyền thế hoặc lực lượng, biểu tình (ủng hộ, phản đối, v.v.).
◼ (Danh) Họ Uy.
◼ (Động) Chấn động. Như: thanh uy thiên hạ 聲 威天下 tiếng tăm vang dội thiên hạ.
◼ (Động) Lấy quyền thế hoặc sức mạnh áp bức người khác. Như: uy hiếp 威脅 bức bách, uy hách 威嚇 dọa nạt ức hiếp.

儀 nghi yí
◼ (Danh) Phép tắc, tiêu chuẩn. 
◼ (Danh) Gương mẫu, khuôn mẫu. 
◼ (Danh) Lễ tiết, hình thức. Như: lễ nghi 禮儀, nghi thức 儀式.
◼ (Danh) Dáng vẻ, dung mạo. 
◼ (Danh) Lễ vật, quà mừng. 
◼ (Danh) Khí cụ để ghi, máy ghi, máy đo lường. Như: địa chấn nghi 地震儀 máy ghi địa chấn.
◼ (Động) Hướng theo, ngưỡng mộ.
◼ (Động) Bắt chước.
◼ (Động) Sánh đôi, xứng đôi, phối ngẫu.

Tóm lại, uy-nghi là vẻ trang nghiêm, oai nghiêm khiến người khác phải coi trọng và tin cậy bạn. Định nghĩa này thật ra rất tuyệt vời: Uy là cái bên trong, Nghi là cái bên ngoài. Cho nên cái uy đó lớn lên thì thành quyền thế, mà cái nghi đó cao lên thì thành phép tắc, gương mẫu. Đó chính là điều chúng ta đang nói ở đây: Thể xác phải vững mạnh (nghi phải vững) là vì tinh thần đã rất vững mạnh (uy phải mạnh). Trong-ngoài, âm-dương, uy-nghi phải cùng mạnh như thế, thế thì mới được.

7. Bạn vẫn có thể hỏi, tại sao phải uy nghi, tại sao phải có tinh thần oai nghiêm, dáng vẻ vững mạnh ấy? Tại sao tôi không thể cứ hiền lành, cun cút đi đi về về, tại sao tôi không thể chỉ cần xinh đẹp đáng yêu là được? Để tôi nói một chuyện này, chuyện này cũng buồn. 

8. Thực ra trong đời sống, thân của chúng ta là nơi lưu trữ tất cả những gì đau buồn nhất. Ý thức về cái thân của chúng ta là một ý thức rất đau buồn. Khi lớn lên, chúng ta ý thức về thân khi chúng ta bệnh tật, hệ thần kinh của chúng ta chỉ nhạy cảm khi chúng ta tiếp xúc với những gì đau đớn. Chúng ta ý thức về mình nhiều nhất là khi chịu những tổn thương, khi phải gò ép thân xác, khi phải chịu đựng, khi phải cảm giác là thân xác này có thể bị xâm phạm. Từ bé chúng ta đã phải học cách tránh tất cả những sự xâm phạm, chúng ta phải mặc quần áo đầy đủ. Tất cả những thứ đấy là gì? 

9. Chúng ta lớn lên khi chúng ta ý thức về thân thể mình hơn, tức là ý thức bảo vệ nó hơn. Tại sao ý thức bảo vệ thân thể lại tức là ý thức về thân thể? Bởi vì đấy là một ý thức rằng thân thể này lúc nào cũng sẵn sàng bị tổn thương, rằng nếu nó bị tổn thương thì chúng ta cũng chết. Không phải thân thể này chết, mà là ta chết. Ta chính là thân, thân chính là ta! Mà ta thì sao? Ta thì, luôn bất ổn. Tập trung vào quá khứ thì u uất.  Nghĩ mãi về tương lai thì bất an. Chỉ nghĩ về hiện tại thì dễ bị cuốn đi, dễ đánh mất mình. 

10. Tôi từng gặp một anh chàng đẹp trai, nhà giàu, học giỏi. Anh ấy rất tự tin, hay dạy bảo người khác. Tôi dọa: “Em linh cảm anh bị bạn bè hại đấy! Hoặc phản bội sau lưng anh.” Anh ấy sững người, cười rồi nói rằng: “Bạn bè mình tốt lắm.” Nhưng chỉ một lúc sau anh ấy ăn nói đã không tự nhiên nữa rồi. Con người ở đời này thật yếu đuối và luôn sợ hãi. Cái gì đe dọa gây tổn hại đến họ đều làm họ đứng ngồi không yên. Họ chỉ là thế thôi, chứ là bao nhiêu? Chúng ta đều là người, đều là máu thịt cả thôi ấy mà.

Chúng ta lớn lên với một ý niệm rằng lúc nào cũng đối diện với một nguy cơ, một sự đau khổ, một trạng thái bị xâm phạm. Lúc nào cũng cảm giác nó rất mỏng manh, yếu đuối, bạc nhược, dễ bị đánh bại, dễ gục ngã, dễ bị ai đấy lạm dụng, bị ai đó làm gì đấy. Những nỗi sợ ấy tràn khắp nhân gian.

10. Và đến thời đô thị hiện nay, khi cuộc sống trở nên quá tăm tối thì việc thân thể này dễ bị xâm phạm, dễ bị tước đoạt, dễ bị lạm dụng trở thành một cái gì đấy, vừa là một trò tiêu khiển, vừa là một thứ đạo đức giả trên đầu môi chót miệng của người đời. Cuộc đời mà, rất nhiều những điều đáng buồn như thế. Bạn có thể bảo tôi bi quan, nhưng tôi e là bạn cũng không nên lạc quan gì cả. 

Với một cuộc đời đã có quá nhiều những áp lực về Thân, quá nhiều nỗi sợ về Thân, quá nhiều đau khổ về Thân, thì chúng ta càng có cơ hội trở thành Vàng ròng. Bởi vì nguyên tắc của chúng ta là tách khỏi bùn đất, chính là Vàng ròng. 

Trong khi luyện tứ uy nghi này, chúng ta đang luyện một thân thể “vượt khỏi thế gian.” Nói cho oai thế thôi, ý tôi là một thân thể không dễ bị cõi đời làm tổn thương. Cái thân thể ấy không còn liên kết với thế gian như trước, nó không còn bị người ngoài nhìn ngó và xâm phạm như trước. Nó đạt đến sự uy nghi khiến người ta phải trân trọng. 

11. Nói đơn giản thế này, có những tượng Phật đặt trong chùa, hoặc những tượng Thánh đặt trong đền, tượng có thể bé hơn chúng ta, chỉ bằng nửa người chúng ta thôi, thế nhưng đi qua, chúng ta vẫn cảm giác có một vẻ uy nghi, không thể không bái lạy, không dám phát tác. Không phải to hay nhỏ, nhưng tượng đấy tự nó có uy nghi to lớn, tự nó có uy nghi cao đẹp, và tự nó có uy nghi kỳ diệu, là những thứ có thể tác động đến tâm trí người khác, làm người ta phải trân trọng chúng ta, phải thấy chúng ta là một điều gì đấy không thể xâm phạm một cách bình thường. À mà, tôi không định nói rằng ta hãy cố mà uy nghi như tượng.

Tôi chỉ đang nói, uy nghi không phải là vóc dáng. Uy nghi là tinh thần, ý chí đã làm chủ thể xác. Chúng ta luyện thân thể ở đây là không để cho con người nơi đời này phạm, chạm, lấn, chiếm. Đấy là những bước rất quan trọng, mà muốn thế chúng ta phải làm chủ thân này, và chúng ta phải làm chủ được cái to lớn, cao đẹp, kỳ diệu của thân này.

12. Các bài tập trong cuốn sách Thần thái uy nghi dẫu quỳ vẫn oai này đưa ra giải pháp giúp bạn vững mạnh, kiên định và lí trí hơn. Nghe thì to tát, nhưng cái to tát hay nhỏ bé thật ra nằm ở bạn. Cuốn sách này và mọi cuốn sách khác đều chỉ là những chỉ dẫn. Bạn chính là người biến những chỉ dẫn thành thực tế.

Khi bạn mạnh mẽ hơn, cuốn sách vẫn chỉ là những trang giấy, sẽ mềm oặt khi ngấm nước hoặc cháy tưng bừng khi bắt lửa. Khi bạn kiên định hơn, cuốn sách vẫn chỉ là một đống mực in lúc nào cũng sẵn sàng bị nhòe. Khi bạn lí trí hơn, cuốn sách vẫn chỉ nói từng ấy điều cho bất kỳ ai đọc nó. Cuốn sách là một chỉ dẫn, còn thành công chỉ bạn có thể nắm giữ. Bạn có sẵn sàng nắm giữ thành công ấy không?

(Lược trích sách Thần Thái Uy Nghi Dẫu Quỳ Vẫn Oai - 6 bước làm chủ thân thể, oai vệ đẹp đẽ vạn người đều mê! - OOPSY)


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147