Trang chủ Blog Sống khỏe

Hội chứng Hikikomori với nỗi sợ khoảng trống và đám đông xã hội

By: OopsyAdmin, 2018-10-03 15:40:01

Hikikimori được giới tâm lí học xác định vào cuối thập kỉ 90, hội chứng này gắn với xã hội hiện đại. Dù các định nghĩa khác nhau, nói chung, các nhà nghiên cứu mô tả nó như sự trốn tránh tiếp xúc xã hội bằng cách rút vào nhà, giam mình trong phòng riêng trong một khoảng thời gian dài.

1. Bối cảnh xã hội phương Đông

Hội chứng Hikikomori phổ biến ở Nhật Bản, đất nước có cách sống khép kín, đôi lúc khắc nghiệt và do đặc thù riêng của văn hóa, lịch sử Nhật Bản. Văn chương thơ ca Nhật Bản luôn ca ngợi sự tĩnh lặng, vắng vẻ và cuộc sống cô đơn, ẩn dật, có ít nhiều những nét tương đồng với người Hikikomori như người chỉ thích chui xuống giếng, người ca ngợi cuộc sống cô độc, và tìm đến cái chết…

Tâm lí con một cũng ảnh hưởng không nhỏ tới những người Hikikomori.

Người lớn nghiêm khắc mong đợi thế hệ trẻ chuyên tâm vào học tập, sau đó ngay lập tức có nghề nghiệp. Thị trường công việc truyền thống an toàn, khiến người trẻ trưởng thành mong đợi công việc ở công ti đầu tiên sau khi tốt nghiệp, sẽ là công ti họ gắn bó đến khi về hưu.

Nhưng đáng buồn là sự tăng trưởng toàn cầu hóa và thay đổi thị trường lao động khiến lí tưởng không thể đạt được với nhiều người trẻ. Thanh thiếu niên đi theo con đường thông qua đại học, chỉ để khám phá ra rằng họ không thể tìm được công việc, hay chỉ có thể tìm việc có yêu cầu quá cao.

Với một số người trẻ, nhận thức rằng họ làm mọi thứ đúng quy trình nhưng không thể thu về thành quả khiến họ suy sụp, dẫn đến trốn tránh. Bên cạnh đó, những áp lực cạnh tranh ở Nhật Bản ở hầu hết mọi lĩnh vực luôn khắt khe, những người không đủ quyết tâm đáp ứng tiêu chuẩn trở nên bơ vơ, đau khổ.

Không chỉ Nhật Bản, nhiều nước Á Đông cũng có các đặc điểm tương đồng với sự tồn tại của Hikikomori. Người nặng về cảm xúc dễ thấy hỗn loạn, sinh ra nhiều vấn đề tâm lí tiêu cực khi chịu áp lực. Hội chứng Hikikomori thường tập trung ở người trẻ khi phải học quá nhiều hay đứng trước những ngã rẽ cuộc đời.

2. Hikikomori ở thế giới phương Tây

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện tỉ lệ mắc Hikikomori ở nền văn hoá khác, trong đó có Mỹ và Tây Ban Nha, và đưa ra lập luận nó tồn tại ở các nước phương Tây khác nữa.

Một nghiên cứu của Hikikomori ở Tây Ban Nha, công bố trên Tạp chí quốc tế về Tâm thần học xã hội đã khám phá ra rằng phần lớn người mắc hội chứng này thường bao hàm chứng rối loạn tâm thần và lo sợ. Điều này dẫn họ tới kết luận Hikikomori là “một hội chứng nghiêm trọng liên đới với nhiều chứng tâm thần".

Hikikomori cũng chồng chéo với một số chẩn đoán sức khoẻ tâm thần phương Tây gồm có rối loạn phát triển thần kinh diện rộng (tự kỉ), rối loạn nhân cách tránh né, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và rối loạn lo âu khác.

3. Hikikomori với nỗi sợ khoảng trống

Hikikomori tương đồng với một số khía cạnh của hội chứng sợ khoảng trống nghiêm trọng. Có thể nói người mắc chứng Hikikomori đã đẩy nỗi sợ khoảng trống lên cao đến mức cách li hoàn toàn khỏi các không gian ngoài không gian riêng tư của bản thân trong thời gian dài.

Người mắc chứng sợ khoảng trống thông thường sợ các không gian công cộng, đám đông, không gian đóng bên ngoài dễ gây cảm giác mắc kẹt. Nhưng nỗi sợ đó lại khiến bản thân tự mắc kẹt trong không gian đóng khác, chính là căn phòng hay căn nhà của mình.

Khái niệm Hikikomori là tình trạng hoàn toàn thu mình, tách khỏi xã hội kéo dài ít nhất 3 tháng (ở Hàn Quốc) hoặc 6 tháng (ở Nhật Bản). Trong cả hai hội chứng, người mắc thường có đặc thù không giao tiếp với bất kì ai ngoài người thân trong gia đình.

4. Hikikomori với nỗi sợ xã hội

Những người mắc hội chứng sợ xã hội có xu hướng cô lập bản thân trong nhà, tránh né các tương tác xã hội. Ở bề mặt, sự mô tả này nghe rất giống hội chứng Hikikomori. Tuy nhiên, hầu hết Hikikomori không cho thấy nỗi sợ người hay tương tác xã hội cụ thể. Nỗi sợ mơ hồ này sản sinh vì họ cảm nhận được những luồng áp lực chằng chịt từ xã hội đè nén mỗi con người.

Hội chứng Hikikomori xuất hiện, phát triển trong cuộc sống đô thị. Đời sống vật chất nâng cao, song cái giá phải trả không hề nhỏ đối với đời sống tinh thần. Con người không còn tự gắn kết với cộng đồng, mỗi người đều trải nghiệm nỗi cô đơn trong xã hội người với người hầu hết chỉ nghĩ cho bản thân mình.

Chưa bao giờ các hội chứng tâm lí – tâm thần phát triển và phức tạp như ngày nay. Những người mang nỗi sợ xã hội không đủ sức mạnh đứng vững, trở thành nạn nhân của đô thị, luôn tìm chốn ẩn náu.

Các Hikikomori chỉ là dạng phát triển cực đoan của nỗi sợ này, vì nó gắn với vấn đề tâm thần. Người có triệu chứng tâm thần thường dễ cực đoan, phát triển mạnh về một mặt nhất định, cũng bởi vậy hậu thế đã gọi một số trong họ là thiên tài.

5. Vấn đề cần quan tâm

Nỗi sợ kép với khoảng trống – xã hội cùng một số điểm đặc thù đã góp phần tạo ra hội chứng Hikikomori, thể hiện mối liên hệ nguy hiểm giữa chứng sợ khoảng trống với chứng sợ xã hội. Đằng sau hội chứng này có nguyên lí sâu xa về tâm lí ai cũng có: chứng ghê sợ sự tách rời. Vì vậy để đối xử với các tổn thương trước không gian – xã hội, Hikikomori chọn sự gắn bó với không gian cố định, tránh phải tiếp xúc với bên ngoài.

Hikikomori trở thành ví dụ điển hình của trạng thái tự thôi miên bản thân bằng các thói quen an toàn - một dạng dao động đều như con lắc nhà thôi miên hay sử dụng. Hậu quả sau thời gian dài khoá mình trong không gian đóng, họ tiếp tục gắn chặt với không gian ảo như lướt web, chơi game, đọc truyện tranh…

Theo Oopsy, lối thoát là rất khó, nhưng không phải không có. Mối quan hệ gia đình là quan trọng nhất, quyết định ảnh hưởng cuộc sống của những đứa trẻ. Có 3 yếu tố để lôi đứa trẻ ra khỏi tổ kén tự giam mình, hoặc từ chối giao tiếp, đó là: Bạn bè + Làm việc + Sống cảm thấy có ích.

Cũng giống như người tự kỉ, chỉ có người thân mới có thể cứu và đồng hành cùng trẻ được tốt nhất, Hikikomori cũng vậy. Sẽ thất bại hoàn toàn, nếu gia đình không cởi mở, bao dung, hoặc có chiều hướng tích cực, quyết liệt để kéo con cái ra khỏi hội chứng Hikikomori. Và thật rùng mình, nếu chúng cũng phát triển ở Việt Nam!

 Nguồn tham khảo: verywell.


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147