Trang chủ Blog Sống khỏe

Tuổi thanh xuân muôn mặt phiền toái - Chứng tâm thần phân liệt khổ đau

By: OopsyAdmin, 2019-12-16 19:25:22

1. Bạn có tin rằng mỗi khi nhìn mặt một người, bạn phát hiện ra một phần của mình ở đó không? Không chỉ là một phần trái tim khối óc tính cách đâu, mà là “một phần gương mặt bạn”. Thật đấy, vì chúng ta đều được bố trí giống nhau và có cách tương tác các nét trên gương mặt giống nhau, nên chúng ta thường thấy ở người khác một phần của mình, và vui mừng hoặc khó chịu với điều đó. Ví như có một người bạn thấy xấu lắm, tự dưng bạn khó chịu. Một nhà tâm lý trị liệu sẽ nói rằng đó là do bạn khó chịu với chính mình đấy chứ đâu. Hoặc bạn yêu một cô gái đẹp. À, rõ ràng nhé, bạn tự yêu mình đấy thôi. Cái thế giới đó quá khủng khiếp, trong nó, ta đi tìm mình và đổ đốn sinh đủ thứ tâm cảm lăng nhăng lộn xộn vì nó.

Cái ông bên trên thì sao? Ban thấy ông ý hiền lành suy tư hay hung dữ? Bạn có thể tha hồ gán cho ông ta tính cách hoặc cá tính gì cũng được. Này, ta thử nghĩ xem: nếu thật là mỗi điều chúng ta gán cho nhau đều biến thành một sự thật nho nhỏ, thì chúng ta sẽ có một nhân cách hổ lốn thế nào nhỉ? Ai cũng thấy tôi giống Trương Phi và Hắc Toàn Phong Lý Quỳ, giống anh chặt thịt lợn hoặc bảo vệ. Bốn người ấy đang ngồi viết những dòng này cho bạn đây (hic, xã hội thật đáng sợ).

Cái ông già trong ảnh nhỏ bé mờ nhạt này đã khám bệnh cho một anh giai trẻ, và bằng một sự xúc động nào đó mà cho rằng anh ta bị chứng “Sa sút Tâm trí sớm” (Démence Précoce/Dementia Praecox). Đừng sợ thuật ngữ, ý của ông già này là “Mất Trí Nhớ khi còn trẻ”. Và bạn biết không, đó gần như là tên gọi hiện đại đầu tiên của bệnh Tâm thần phân liệt. Ông già này là một bác sĩ người Pháp, Bénédict Augustin Morel (1809 – 1873). Năm ông đưa ra cái chứng mất trí nhớ trẻ trung này là 1852, và 8 năm sau đó ông sẽ còn nhức nhối nhắc lại nó. Hình như Hysteria (Chứng cuồng loạn) và Schizophrenia (Tâm thần phân liệt) là những gì đáng nói nhất của tâm thần học hiện đại, nền tảng của tất cả những thứ tâm thần mà ta biết đến giờ.

Suy tư đầu tiên của chúng ta về cái tâm thần phân liệt này là: chứng quên quên nhớ nhớ ngày càng trầm trọng của tuổi trẻ. Đừng giật mình vội nhé. Chuyện giai trẻ chưa xong đâu. Năm 1863, bác sĩ Karl Ludwig Kahlbaum (1828-1899) người Đức đã đưa ra thuật ngữ “Jugendliche Irresein” nghĩa là “chứng điên thanh xuân”. Ôi thanh xuân điên dại về đủ mọi thứ của chúng ta. Và ông cũng nghĩ ra cái từ ấy do xem xét một bệnh nhân trẻ tuổi. Tuổi trẻ bị làm sao ấy nhỉ? Học trò của ông, Ewald Hecker (1843-1909), thậm chí đã đặt tên cho bệnh này là: “Bệnh thanh xuân” (hebephrenia). Điều tương tự cũng được cha đẻ của tâm thần học hiện đại, bác sĩ EMIL KRAEPELIN (1856-1926) người Đức lặp lại trong một cuốn sách chỉ nghe tên đã biết kinh điển: A Textbook: Foundations of Psychiatry and Neuroscience. Với cuốn sách này, nền tâm thần học hiện đại ra đời, cùng lúc với năm mất của Karl Marx (1883).  Kraepelin miêu tả bệnh này là: “tình trạng leo thang cấp tính của một số yếu tố đặc biệt thuộc về suy nhược tinh thần ở tuổi trẻ.”

Quên?

Suy nhược?

Tuổi trẻ?

Đúng, bạn không nhầm đâu.

2. Nhưng cuối thế kỷ 19, lại nổi liên một thiên tài khác: Sigmund Freud. Thôi, đừng nói nhiều về người đã được nói quá nhiều. Được truyền cảm hứng bởi những nghiên cứu của Freud, một người bạn của ông là Bác sĩ Eugen Bleuler (1857-1939), người Thụy Sỹ là người đã đặt tên chính chức cho chứng tâm thần phân liệt. Tuyệt đấy, một người khai sinh ra phân tâm học bằng cái nhìn xuyên qua chứng Hysteria, người kia thì xuyên qua Schizophrenia. Ông Bleuler này đưa ra thuật ngữ này trong Dementia Praecox, oder Gruppe der Schizophrenien (Dementia Praecox, or the Group of Schizophrenias) (1911) và ngay lập tức nó đã được dùng phổ biến. Nếu cái từ này làm bạn ngạc nhiên nhưng giả vờ đã biết và tra từ điển, thì để tôi nói ngay cho: nó vốn là một từ Hy Lạp, ghép giữa hai từ ‘schizo’ (split – nứt toác ra tách nhau ra) and ‘phren’ (mind – tâm trí và cách mà ta nghĩ).

Bạn biết điều đặc biệt từ Bleuler là gì không? Ông nhận ra rằng cái “tâm thần phân liệt” ấy không phải là một bệnh, mà là gồm các nhóm bệnh khác nhau, do nhiều nguyên nhân gây ra (cả sinh học và môi trường kết hợp với nhau). Dù vì gì đi nữa, chứng tâm thần phân liệt vẫn có một đặc điểm cực kì đặc biệt mà ta đã nói ngay ở đầu: một chứng bệnh thanh xuân, theo hai nhà tâm thần học két tiếng Jim Van Os và Shitij Kapur công bố trong bài Schizophrenia đăng trên tạp chí quốc tế Lancet vào năm 2009.

Và bạn lòng ạ, chốt lại cái chứng mất trí sớm này là khả năng suy nghĩ về thực tại của họ bị lộn xộn tăng cấp, quên nhớ lẫn lộn, toàn thấy ảo giác, nghe thấy tiếng động hay giọng nói không có thật, rối loạn suy nghĩ; hoặc chí ít vô cảm hay thiếu động lực sống, bất ổn trí nhớ. Bạn có hơi ớn không, khi nghe những điều ấy? Nếu bạn là một nhà tâm lý trị liệu nhập môn, hãy bắt đầu với ý nghĩ này: nếu có một trong vài triệu chứng này thì sao, chúng có liên quan đến nhau không? Dĩ nhiên khi nghĩ thế, thật rùng rợn là ít nhất có một phần lớn dân số hay quên, thường huyễn tưởng suy nghĩ vẩn vơ linh tinh, hay tự nghĩ lại trong đầu những gì người khác nói, tưởng tượng ra đủ thứ, suy nghĩ ngày càng thiếu trọng tâm, theo đó ngày càng tách khỏi cuộc sống. Nếu đúng là thế, khốn khổ thay cho tuổi trẻ, đâu là ranh giới giữa triệu chứng và bệnh, và đâu là ranh giới giữa một tình trạng tâm lý và triệu chứng? Nước nhỏ trên đầu ngón tay đã là ướt chưa, tắm mưa đã tính là nhúng nước chưa, nhúng nước đã tính là sũng nước chưa? Đây là một thời đại điên đảo, có lẽ chúng ta đều điên mất.

3. Trước khi nghĩ thêm một chút về tất cả những điều này, bạn hãy nhớ đừng nhầm chứng tâm thần phân liệt với rối loạn đa nhân cách. Đơn giản lắm, rối loạn đa nhân cách Multi Personality Disorder – MPD là bệnh lý tâm thần trong đó người ta thường tự cho mình là người khác, có người chứa trong mình đến “300 nhân cách khác nhau”. Nói cho đúng, bệnh đa nhân cách là có nhiều nhân cách, còn tâm thần phân liệt là đám hoang tưởng nghĩ mình là ai đó. Giữa chúng có mối liên hệ. Bạn nghĩ xem, giữa việc trong tôi là Trương Phi, Lý Quỳ, bác Bảo vệ và gã chặt thịt, bốn kẻ ấy thay nhau làm chủ cái xác của tôi, và việc tôi lần lượt tự nghĩ mình là Trương Phi, rồi là Lý Quỳ, bác bảo vệ, gã chặt thịt… thì phải phân định thế nào? Cốc nước bốn người cùng uống và cốc nước được chia cho bốn người, phải suy xét ra sao đây?

Bạn có thể nói: quá rõ còn gì, nhưng nghĩ kĩ thì khó đấy. Chính vì thật ra rất khó phân biệt, mà trong bài Eugen Bleuler’s Dementia Praecox or the Group of Schizophrenias (1911): A Centenary Appreciation and Reconsideration đăng trên Schizophrenia Bulletin năm 2011 nhân kỉ niệm 100 năm khái niệm tân thần phân liệt ra đời, hai tác giả Andrew Moskowitz và Gerhard Heim cố cho rằng Bleuler chịu ảnh hưởng của Pierre Janet (1859-1947) hơn là Freud. Nếu bạn thích tâm lý học phân tích của Jung và phân tâm học cấu trúc và Jacques Lacan, nhà tâm lí học gây tranh cãi nhất kể từ Freud, thì bạn sẽ cần đọc nhiều về Janet đấy, nhưng chúng ta thì chẳng cần. Để tôi nói với bạn điều này nữa: trong đời này, cái gì chẳng cần hãy quên béng nó đi, bạn hãy làm như bạn chưa hề nghe nói về mối liên hệ giữa Janet, Jung và Jacques. Kệ họ.

4. Xong rồi, giờ thì đừng nhầm, chúng ta hãy nói chuyện nghiêm túc tiếp. Các nhà tâm thần phân liệt nói gì, tôi không thấy cần đếm xỉa nữa. Việc đầu tiên một nhà tâm lý trị liệu cần làm trước một chứng bệnh tâm lý là: đừng phán xét gì cả, theo nghĩa đen. Nếu bạn thấy cô bạn đáng yêu, anh chàng thân thiết hoặc người thầy khả kính của mình nói về “những tiếng nói trong tôi”, “một sự xúi bẩy vô hình”, “tôi thấy những điều không ai thấy”, nếu họ nói thật lòng họ sao cứ thờ ơ vô cảm, nếu họ thấy có gì đau đớn cắn rứt muốn phát điên lên vô cớ, thì trước hết hãy tin là: HỌ THẤY và CẢM THẤY CHÚNG THẬT. Bất kể là vì gì mà họ cảm, thấy, nghe, biết thế, thì đó là sự thật của họ, trong giác quan của họ, trí não của họ, tim mạch của họ… Vì nếu ta chẳng tin nhau, thì còn gì để nói nữa đâu. Trong đô thị chật hẹp ngổn ngang này, nếu ta còn chẳng thiết tin vào cảm nhận đớn đau và bất hạnh của người khác, sợ là ta chẳng tin gì được nữa.

Tôi đây này. Suốt 10 năm nhiều người khen tôi béo, quá béo, không giảm cân chắc bệnh mà chết. Từ đó tôi không ngừng béo lên và không ngừng dằn vặt mình về điều đó. Có lần tôi đang ăn mỡ cá (có cái gì trên đời ngon hơn thế) mà rớt nước mắt được, nhớ chuyện béo lên cần ăn ít mỡ mà mình thì vô dụng quá, chỉ thèm mỡ. Tôi như đang thấy bố mẹ tôi nhìn tôi muộn phiền và cất lời chê trách, thế là tôi ngẩn ra, đầu óc không nghĩ được gì. Thật khốn khổ, về sau tôi mới biết rằng trong khoảnh khắc để những lời chê bai cá nhân đó xâm nhiễm toàn phần suy nghĩ tâm cảm hành động đó, tôi đang có một chứng tâm thần phân liệt của riêng mình. Giả sử tôi không sống yên vui nổi với 95 kg của tôi, thì tôi nên thế nào? Dằn vặt? Xấu hổ? Ngại mỗi khi người ta nhìn bụng mỡ của mình? Bối rối mỗi lần một cô gái nhìn tôi lắc đầu? Sao khổ thế được? Hỡi những người đàn ông béo: Các người không muốn bị tâm thần phân liệt đó chứ?

Tôi nhớ có lần bố mẹ tôi cãi nhau, nặng nề lắm suýt li hôn hay sao, chuyện của vợ chồng đương trẻ. Khi đó tôi bé, thường nằm ngoài sân, khóc một mình cầu giời bố mẹ tôi không bỏ nhau. Trời thì nắng gắt, lòng tôi buồn ủ ê. Cứ thế mãi nặng nề tôi thấy mình lạc lõng trong cả nhân gian này. Rồi tôi chẳng nghĩ gì được, tôi nói chuyện với con mèo, tủ sách, cây cối, cổng, kiến, nắng, gió… Cứ như tôi ở giữa chốn ấy vậy, trải lòng và buồn bã. Rồi mấy hôm sau bố mẹ tôi làm lành. May quá. Tôi lại sống đời mình. Về sau tôi biết, những đứa trẻ chứng kiến tổn thương sớm mà phải chịu cảnh éo le thế, thậm chí éo le hơn như bị lạm dụng, bị ngược đãi, bị chế nhạo bôi nhọ… thì lớn lên đều dễ tổn thương.

Tôi biết ngoài kia còn các bạn, bao nhiêu kẻ còn trẻ, tính cách chưa mạnh mẽ, vậy mà từ bé hoặc lúc còn xuân thì trai tráng đã phải hoang mang giữa một bể tàn nhẫn, đổ vỡ, chấn thương, toàn những người độc ác, vô tâm, khéo dằn vặt đay nghiến. Cuộc đời khó sống, trái tim nhạy cảm, chỉ còn biết trông vào sức mạnh của trí tưởng tượng, để khéo trao cho trái tim muộn phiền và thân thể lúng túng một cảm giác an toàn, giải thoát, nhẹ nhõm. Nhưng khổ đau làm sao, không sao xua đi được nhân gian này.

Nên có người điên loạn chống lại người ngoài.

Có người khóc lóc.

Có người trốn kín vào một góc. Có người lúc nào cũng nghe thấy những lời đay nghiến, xúi giục, hỏi han ve vuốt từ nơi khác.

Có người đồng nhất mình với một ai đó để chống cảm giác bị chê bai (như Trương Phi tôi đây). Phải tự trào và âm thầm bặm môi sống qua ngày.

5. Vì chúng tôi trẻ, vì chúng tôi không dám oán trách căm hận, chúng tôi phải quên đi, phải tìm mọi cách để sống bình thường. Mỗi sự yếu đuối trả giá bằng một sự khép mình, mỗi lời đay nghiến khiến ta lùi vào tránh xa những quan hệ, mỗi sự thiếu tin tưởng đổ vỡ khiến ta phải kết bạn với những người đến từ một thinh không phi xã hội. Vì thế đừng trách chúng tôi.

Vì thế, tâm thần phân liệt là: Thanh Xuân Muôn Mặt Phiền Muộn, là Trẻ Trung Buồn Bã Mênh Mông.

Phải không?
 


Trích sách "Những vết thương thanh xuân" - Tác giả: Nhi Thiên


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147