Trang chủ Blog Nhân cách

Khoa Học Về Giấc Mơ - Freud Đã Thực Sự Nói Gì (Phần 1)

By: OopsyAdmin, 2019-02-05 04:16:37

“Việc xem xét những ý nghĩ tự phát hiện ra với người bệnh, nếu tuân theo đúng những quy tắc chính của phân tâm học, không phải là phương tiện hay kỹ thuật duy nhất để thăm dò cái vô thức. Hai cách làm khác cũng đưa tới cùng một mục đích: lý giải các giấc mơ và lý giải những lẫm lẫn…

Trên thực tế, lý giải các giấc mơ là con đường lớn của sự hiểu biết về cái vô thức, là cơ sở vững chắc nhất cho những nghiên cứu của chúng ta, và hơn bất cứ cách nào khác, chính việc nghiên cứu các giấc mơ sẽ làm cho các bạn thấy rõ giá trị của phân tâm học và giúp các bạn thực hành nó. Khi người ta hỏi tôi làm thế nào để trở thành một nhà phân tâm học, tôi trả lời: bằng cách nghiên cứu những giấc mơ của chính mình. Những kẻ gièm pha chúng ta không bao giờ đem lại cho sự lý giải các giấc mơ một sự quan tâm xứng đáng với nó, hoặc cố lên án nó bằng những luận cứ nông cạn nhất. Thế nhưng, nếu giải quyết được vấn đề về giấc mơ, thì những vấn đề mới do phân tâm học nêu lên chẳng đem lại một khó khăn nào nữa.”

(Trích bài thứ ba trong Năm bài giảng về phân tâm học ở Mỹ và được công bố năm 1910)  (25)

Từ những thứ Freud viết ra, chẳng có gì làm rõ hơn thế về cái chủ yếu trong những quan điểm của ông đối với những kỹ thuật cần thiết của phân tâm học và những bài học cần rút ra từ đó. Cách tiến hành một kỳ phân tích tâm lý, hiện nay thường kéo dài tới một giờ và bao hàm một liên tưởng tự do như là quy tắc duy nhất, ngoài việc lý giải các giấc mơ của người bệnh và việc phân tích những sai lầm và lầm lẫn của người đó, rốt cuộc đã đưa Freud tới tất cả những nguyên lý mà ông phải đưa vào cơ cấu cuối cùng của phân tâm học như ông đã xác định nó. Trong chương này và chương tiếp theo, chúng tôi sẽ xem xét hai kỹ thuật này cùng những gì chúng dạy cho Freud và cho phép ông dạy cho người khác.

Các giấc mơ luôn luôn đặc biệt hấp dẫn Freud. Hãy nhớ rằng khi ông tìm một ẩn dụ để diễn đạt sự vô ích lừa phỉnh của liệu pháp điện như giáo sư Erb chỉ định, ông đã khẳng định rằng nó chẳng có giá trị gì hơn chiếc chìa khóa đoán mộng của Ai Cập. Ông đã biết về những chìa khóa đoán mộng và về tín ngưỡng dân gian, theo đó các giấc mơ có thể báo trước tương lai cũng như phản ánh tình trạng hiện thời của các số phận, nhiều hơn phần lớn những đồng nghiệp có học của ông ở Viên. Nhưng phải đến khi chính ông quay sang nghiên cứu các giấc mơ, trong khi xây dựng phương pháp liên tưởng tự do của mình, ông mới có thể phát hiện ra bước nhảy vọt lớn lao mà kỹ thuật ấy có thể đem lại.

Ta hãy quay lại với bản trình bày của Freud dưới hình thức cô đọng của năm bài giảng ở Mỹ để thấy được chính ông đã chọn cách trình bày như thế nào về vấn đề lý giải các giấc mơ cho một cử tọa rất quan tâm nhưng chưa biết gì mấy, mà Freud hy vọng là họ sẽ tiếp tục nghiên cứu bằng cách đọc tác phẩm gốc:

“Cần chú ý rằng những sản phẩm mộng của chúng ta – các giấc mơ của chúng ta – một mặt, hết sức giống với những sản phẩm của các chứng bệnh tinh thần và, mặt khác, chúng có thể đi đôi với một sức khỏe hoàn hảo. Người nào chỉ biết ngạc nhiên về những ảo giác của các giác quan, về những ý tưởng kỳ lạ và tất cả những huyễn hoặc do giấc mơ đem lại, trong khi lẽ ra phải tìm cách để hiểu chúng, người đó không có một cơ may nhỏ nhất nào để hiểu được những sản phẩm không bình thường của các trạng thái tâm thần bệnh hoạn. Trong lĩnh vực này, anh ta vẫn chỉ là một kẻ không hiểu gì… Và không có gì nghịch lý khi khẳng định rằng phần lớn các nhà tâm bệnh học hiện nay phải được xếp vào những kẻ không hiểu gì ấy!

Ta hãy lướt qua vấn đề giấc mơ.

Thông thường, khi chúng ta tỉnh, chúng ta đối xử với những giấc mơ với một sự khinh thường ngang với sự khinh thường của người bệnh đối với những ý nghĩ tự phát mà nhà phân tâm gợi ra cho họ. Chúng ta quên hết những giấc mơ rất nhanh, như thể chúng ta muốn tống khứ đi càng nhanh càng tốt cái đống lộn xộn ấy. Sự khinh thường của chúng ta bắt nguồn từ tính chất lạ lùng không chỉ của những giấc mơ vô lý và ngớ ngẩn, mà của cả những giấc mơ không phải như thế. Chúng ta chán ghét những giấc mơ của mình vì những khuynh hướng trơ trẽn và vô luân công khai bộc lộ trong một số giấc mơ ấy. Người ta biết rằng thời cổ không thấy có sự khinh thường này…

Trước hết, tất cả các giấc mơ đều không xa lạ với người nằm mơ, đều khó hiểu và mơ hồ đối với anh ta. Chỉ cần xem xét những giấc mơ của trẻ nhỏ, từ một tuổi rưỡi trở đi, các bạn sẽ thấy chúng thật đơn giản và dễ giải thích. Trẻ nhỏ bao giờ cũng mơ thấy thực hiện những ham muốn nảy sinh ra ngày hôm trước mà không được thỏa mãn. Chẳng cần tài năng bói toán nào để tìm được lời giải đơn giản ấy; chỉ cần biết đứa trẻ ấy trải qua những chuyện gì ngày hôm trước. Chúng ta sẽ có được một lời giải thỏa mãn cho điều bí ẩn ấy nếu chứng minh được rằng những giấc mơ của người lớn, giống như của trẻ con, chỉ là sự thỏa mãn những ham muốn ngày hôm trước mà thôi. Và đó chính là điều đã xảy ra. Những sự phản bác do cách nhìn này gây ra sẽ biến mất trước một sự phân tích sâu hơn.

Đây là sự phản bác đầu tiên: những giấc mơ của người lớn thường khó hiểu và không giống chút gì với sự thực hiện một ham muốn cả. – Nhưng, xin trả lời, đó là vì chúng bị bóp méo đi, bị làm sai lạc đi. Nguồn gốc tâm thần của chúng rất khác với biểu hiện cuối cùng của chúng. Do đó, chúng ta phải phân biệt hai điều: một mặt, giấc mơ như nó hiện ra với chúng ta, như chúng ta nhớ lại vào sáng hôm sau, là mơ hồ đến mức chúng ta thường thật khó kể lại, diễn đạt lại bằng lời; đó là cái chúng ta có thể gọi là nội dung biểu hiện (contenu manifeste) của giấc mơ. Mặt khác chúng ta có toàn bộ những ý tưởng mơ tiềm ẩn (idées oniriques latentes) mà chúng ta cho là chúng chi phối giấc mơ ở tận đáy sâu của cái vô thức. Như vậy, sự hình thành ra các giấc mơ là kết quả của sự tương phản giữa những sức mạnh tâm thần, giống như trong sự hình thành những triệu chứng. Quá trình bóp méo này cũng giống như quá trình chi phối sự xuất hiện những triệu chứng hystêri. “Nội dung biểu hiện” của giấc mơ là cái thay thế đã bị biến đổi đi của những “ý tưởng mơ tiềm ẩn” và sự biến đổi này là công việc của một “cái tôi” tự bảo vệ; nó nảy sinh ra từ những kháng cự ngăn cấm tuyệt đối các ham muốn vô thức đi vào ý thức khi tỉnh; nhưng, khi giấc ngủ yếu đi, những sức mạnh ấy vẫn còn khá mạnh để áp đặt lên những ham muốn ít ra là một cái mặt nạ che đậy chúng lại. Người nằm mơ không còn giải được ý nghĩa những giấc mơ của mình, cũng giống như người mắc chứng hystêri không hiểu được ý nghĩa những triệu chứng của mình.

Để tin chắc là có những “ý tưởng tiềm ẩn” của giấc mơ và tính hiện thực của những quan hệ giữa những ý tưởng ấy với “nội dung biểu hiện” của giấc mơ, cần phải tiến hành việc phân tích các giấc mơ, với một kỹ thuật giống như kỹ thuật phân tâm đã nói. Kỹ thuật ấy trước hết phải nhằm loại bỏ hoàn toàn các chuỗi ý tưởng có vẻ như được “nội dung biểu hiện” của giấc mơ đem lại, và phải cố khám phá những “ý tưởng tiềm ẩn” bằng cách tìm xem những liên tưởng nào gây ra như vậy sẽ đưa tới việc khám phá ra những ý tưởng tiềm ẩn của người nằm mơ, cũng giống như ban nãy chúng ta thấy những liên tưởng do các triệu chứng khác nhau gây ra, đưa chúng ta tới những ký ức đã quên và tới những mặc cảm của người bệnh. Những “ý tưởng tiềm ẩn” tạo nên ý nghĩa sâu sắc và hiện thực của giấc mơ ấy, một khi đã khám phá được, sẽ cho thấy việc quy những giấc mơ của người lớn thành kiểu giấc mơ của trẻ con là chính đáng như thế nào. Thật vậy, chỉ cần thay thế vào “nội dung biểu hiện” – dù kỳ quặc đến mấy – một ý nghĩa sâu sắc là mọi cái trở nên sáng tỏ: người ta thấy rằng những chi tiết khác nhau của giấc mơ gắn với những ấn tượng ngày hôm trước và toàn bộ giấc mơ hiện ra như sự thực hiện một ham muốn không được thỏa mãn. “Nội dung biểu hiện” của giấc mơ do đó có thể được coi như sự thực hiện trá hình những ham muốn bị dồn nén.

Bây giờ ta hãy nhìn xem cái cách mà những ý tưởng vô thức của giấc mơ biến thành “nội dung biểu hiện” như thế nào. Tôi sẽ gọi toàn bộ thao tác này là “công việc mộng” (travail onirique). Nó đáng được tập trung toàn bộ sự quan tâm về lý thuyết của chúng ta, vì chúng ta có thể nghiên cứu ở đó, hơn bất cứ nơi nào khác, những quá trình tâm thần có thật nào có thể diễn ra trong cái vô thức hoặc, nói đúng hơn, giữa hai hệ thống tâm thần khác nhau như cái hữu thức và cái vô thức. Trong những quá trình ấy, cần chú trọng hai cái: sự cô đặc (condensation) và sự di chuyển (déplacement). Công việc mộng là một trường hợp tác động qua lại đặc biệt giữa những chùm tinh thần (constellations mentales) khác nhau, tức là nảy sinh từ một liên tưởng tinh thần. Trong các giai đoạn căn bản của nó, công việc này giống hệt như công việc biến đổi những mặc cảm dồn nén thành những triệu chứng, khi dồn nén thất bại.

Hơn nữa, các bạn sẽ kinh ngạc khi phát hiện ra trong việc phân tích các giấc mơ, đặc biệt là phân tích các giấc mơ của mình, tầm quan trọng bất ngờ của những ấn tượng thời thơ ấu. Bằng giấc mơ, đứa trẻ vẫn tiếp tục sống trong người lớn, với những đặc tính và ham muốn của nó, ngay cả những cái đã trở thành vô ích. Chính người lớn đã thoát thai từ một đứa trẻ với những năng lực rất khác với những năng lực của người lớn bình thường. Nhưng phải trải qua bao nhiêu tiến hóa, bao nhiêu dồn nén, bao nhiêu thăng hoa, bao nhiêu phản ứng tâm thần, con người bình thường ấy mới dần dần được tạo dựng, sau khi đã hưởng thụ một nền giáo dục và một nền văn hóa được tiếp nhận thật khó nhọc – và phần nào cũng là nạn nhân của những thứ đó!

Trong việc phân tích các giấc mơ, tôi còn nhận thấy (và tôi xin lưu ý các bạn về điều đó) rằng cái vô thức đã dùng một tượng trưng nào đó, nhất là để biểu hiện những mặc cảm tính dục, có khi khác nhau từ người này sang người khác nhưng cũng có những nét chung và được qui thành một số kiểu tượng trưng nhất định như chúng ta lại thấy ở trong các huyền thoại và các truyền thuyết. Có thể việc nghiên cứu giấc mơ cho phép chúng ta hiểu được những sáng tạo ấy của trí tưởng tượng dân gian.

Người ta đã chống lại lý thuyết của chúng tôi, khi chúng tôi cho rằng giấc mơ là sự thực hiện một ham muốn bằng những giấc mơ lo hãi. Tôi xin yêu cầu các bạn ngay là đừng để bị vướng phải sự phản bác ấy. Ngoài những giấc mơ lo hãi cần được lý giải trước khi xét đoán chúng, cần phải nói rằng nói chung sự lo hãi không chỉ là do nội dung của giấc mơ mà có, như người ta tưởng tượng ra khi chưa biết tới sự lo hãi của những người bị nhiễu tâm. Lo hãi là một sự khước từ mà “cái tôi” đem đối lập với những ham muốn dồn nén đã trở nên mạnh mẽ; chính vì thế rất dễ giải thích sự có mặt của nó trong giấc mơ nếu giấc mơ biểu hiện quá đầy đủ những ham muốn bị dồn nén ấy.

“Các bạn thấy rằng việc nghiên cứu giấc mơ đã được biện minh bằng sự soi sáng của nó về những hiện thực, mà nếu không, thì sẽ rất khó hiểu. Thế nhưng, chúng tôi đã đạt tới điều đó trong tiến trình chữa trị các chứng nhiễu tâm bằng phân tâm học”. (26)

Rất có thể ấn tượng do đoạn trên gây ra cho cử tọa là ấn tượng do những bản trình bày tóm tắt đầy khêu gợi gây ra. Có thể đó cũng chính là ý định của Freud; ít ra ông cũng có một ý muốn vô thức trả thù lại thái độ khinh thường cao ngạo đối với sự công bố lần đầu tiên bản luận văn độc đáo của ông về vấn đề lý giải các giấc mơ. Freud đã mất nhiều thời gian để viết luận văn ấy, và đã trì hoãn công việc công bố nó lâu hơn nữa. Cuối cùng, bản luận văn ra mắt ngày 4 tháng 11 năm 1899, nhưng các nhà xuất bản lại đề năm 1900.

Có vẻ thật khó hiểu tại sao một cuốn sách được thừa nhận như một trong những tác phẩm cổ điển lớn của tư tưởng loài người lại có thể có một số phận thảm hại, nhục nhã đến như vậy khi nó được xuất bản lần đầu. Việc in nó với con số 600 bản đã gây một ấn tượng đặc biệt; lại phải mất 8 năm mới bán hết. Trong 6 tuần lễ đầu sau khi xuất bản, đã bán được 123 bản, nhưng phải mất 2 năm sau đó mới bán thêm được 228 bản khác. Thế mà tập sách này ngày nay ở khắp nơi đã được coi là tác phẩm lớn nhất của Freud. Nó tự đặt ra hai nhiệm vụ: trình bày đầy đủ lý thuyết trước Freud về các giấc mơ; và xác nhận những lý thuyết trước Freud về những cơ chế tinh thần vô thức, có nhiều ví dụ minh họa rất sáng rõ. Bản thân Freud không bao giờ nghi ngờ về tầm quan trọng của cuốn sách và những phát hiện mà ông đã trình bày, chính những phát hiện ấy đã làm biến đổi cuộc đời của ông. Lời phán quyết của ông về vấn đề này đã xuất hiện trong một lời tựa đặc biệt do ông viết sau 32 năm theo yêu cầu của lần xuất bản tiếng Anh:

“Tác phẩm này, mà sự đóng góp mới mẻ của nó vào tâm lý học đã từng làm mọi người kinh ngạc lúc công bố nó (1900), về căn bản vẫn giữ nguyên. Ngay cả hiện nay, tôi vẫn cho rằng nó chứa đựng những cái có giá trị lớn nhất trong tất cả những phát hiện mà tôi có may mắn thực hiện. Một trực giác như trực giác này không thể xảy tới hai lần trong một đời người. (27)

Dù thế nào đi nữa, toàn bộ sự chống đối do cuốn sách này gây ra không phải là kết quả của một sự kháng cự vô thức từ phía độc giả. Đó là một cuốn sách hấp dẫn đối với những ai đã mang sẵn mối quan tâm, nhưng lại rất ít làm thỏa mãn họ mà đáng lẽ tầm quan trọng của chủ đề cũng như sự biến đổi của tác giả sau khi đã nắm vững chủ đề và viết xong cuốn sách có thể mang lại cho họ. Chính bản thân Freud hiểu rất rõ điều khó khăn căn bản mà ông gặp phải. Sự liên tưởng tự do, chìa khóa lý giải của ông về các giấc mơ, chỉ cho phép ông lý giải những mộng mị do bệnh nhân của ông kể lại hay những giấc mơ của ông do chính ông phân tích. Ông đã chán ngấy việc chỉ dùng những mẩu quan trọng trong các giấc mơ của những giấc của những bệnh nhân vô danh, chủ yếu vì ông đã quá quen với sự phê phán đối với cuốn sách của ông – nhiều lắm nó cũng chỉ dựa vào những người không bình thường, tệ hơn nữa là chỉ dựa vào những kẻ hoàn toàn mất cân bằng. Nhưng khi ông bắt đầu kể lại những giấc mơ của mình và lý giải chúng, thì ông thường xuyên bị buộc phải hạn chế ý định của mình lại, do những yêu cầu về sự thận trọng của cá nhân ông. Nhà phê bình Wittels đã nhận xét rằng kết quả của sự lựa chọn khó khăn này, khi Freud sử dụng những mẩu giấc mơ của bệnh nhân cũng như của chính mình, những mẩu mà những sự lý giải thường thiên vị và không xác đáng, là “Freud tỏ ra thiếu chính xác đầy đủ trong một tác phẩm hàm chứa những phát hiện căn bản nhất của ông.”

Để vượt qua khó khăn ấy mà không có thái độ bất công đối với những nhận xét độc đáo xuất sắc và thấu suốt của ông, chúng ta có thể xem xét chúng dưới dạng kết tinh, và chỉ cần lấy một hay ví dụ riêng của ông và một vài ví dụ khác do những học trò sau này của ông cung cấp để minh họa.

Freud khẳng định rằng tất cả giấc mơ đều có một ý nghĩa. Không những giấc mơ có một ý nghĩa, mà ý nghĩa của giấc mơ. Cái mà chúng ta nhớ lại từ giấc mơ là nội dung biểu hiện của nó; cái gây ra giấc mơ là nội dung tiềm ẩn, hoặc bị dồn nén và vô thức của nó. Những quan hệ cực kỳ phức tạp đã thống nhất nội dung biểu hiện và nội dung tiềm ẩn lại với nhau, mà người ta chỉ có thể vạch ra những quan hệ ấy bằng cách nhờ tới sự liên tưởng tự do, để cho mỗi yếu tố của nội dung biểu hiện đi ngược lên tới nội dung tiềm ẩn. Các cơ chế được dùng để biến đổi, bóp méo nội dung tiềm ẩn thành nội dung biểu hiện đã được Freud liệt kê, ông gọi đó là cô đặc, di chuyển, kịch hóa, tượng trưng hóa, chế biến lần thứ hai. Dưới đây chúng tôi sẽ nói rõ hơn về mỗi cơ chế đó. Còn bây giờ, ta có thể lấy ví dụ giấc mơ thứ nhất do một trong những môn đệ xuất sắc nhất của Freud, Ferenczi, đưa ra để minh họa.

Một đêm, một nữ bệnh nhân của ông mơ thấy mình bóp cổ một con chó trắng nhỏ. Tuy giấc mơ này chẳng có gì là đặc biệt và không thể có thật, nhưng Ferenczi đã kích thích để bệnh nhân này yêu cầu ông phân tích giấc mơ ấy. Những liên tưởng tự do xuất phát từ giấc mơ như bà nhớ lại: vì thích làm bếp nên bà phải giết nhiều con vật, vặn cổ những con bồ câu hay gà giò. Ghê tởm công việc ấy, bà cố làm cho xong càng nhanh càng tốt. Bà thấy trong giấc mơ của mình là đã bóp cổ một con chó giống như cách bà bóp cổ những con gà giò trong cuộc sống thực. Rồi bà chuyển sang những nhận xét và những hoang tưởng nói chung về vấn đề xử tử theo lối treo cổ và hiệu ứng do việc đó gây ra. Bà có vẻ thích thú với đề tài thảm thiết này. Ferenczi hỏi bà có muốn xử tử một ai đó theo lối này không. Bà nói tiếp: “Bà chị dâu tôi cố xen vào giữa chồng tôi và tôi, y như một con bồ câu lì lợm”. Bà bắt đầu thấy được ý nghĩa của dòng suy nghĩ của mình,và bỗng nhớ lại một cuộc xô xát kịch liệt xẩy ra cách đó mấy ngày, khi bà tống cổ chị dâu ra khỏi cửa và hét lên: “Cút đi!… Tao không muốn thấy một con chó dữ trong nhà tao!”. Ferenczi nói thêm rằng việc lý giải giấc mơ trở thành rõ ràng đối với người đàn bà nằm mơ ấy. Bà xác nhận là người chị dâu ấy lùn mập và có nước da tái mét.

Chúng tôi có thể kể thêm một giấc mơ khác lấy từ sưu tập độc đáo của Freud, giấc mơ này cũng có những nét giống nhau kỳ lạ với giấc mơ trước. Đây là lời kể của Freud:

“Ông luôn luôn nói rằng giấc mơ là một ham muốn được thực hiện, – một nữ bệnh nhân dí dỏm nói. – Tôi sẽ kể cho ông nghe một giấc mơ hoàn toàn ngược với ham muốn được thực hiện. Ông sẽ xem nó ăn nhập với lý thuyết của ông thế nào đây? Giấc mơ là thế này:

“Tôi muốn làm một bữa ăn tối, nhưng tất cả thức ăn chỉ còn có một ít cá hồi hun khói. Tôi muốn đi mua thêm thức ăn, nhưng nhớ lại rằng đó là một chiều chủ nhật và tất cả các cửa hiệu đều đóng cửa. Tôi muốn gọi dây nói cho vài người bán hàng, nhưng máy lại hỏng. Thế là tôi phải từ bỏ ý muốn thết bữa tối ấy.”

Tất nhiên, tôi trả lời rằng chỉ có phân tích mới quyết định được ý nghĩa của giấc mơ này; nhưng tôi cũng đồng ý rằng thoạt nhìn, nó có vẻ hợp lý và nhất quán, và có vẻ hoàn toàn ngược lại sự thực hiện ham muốn. “Những giấc mơ ấy có những yếu tố nào? Bà hẳn biết rằng những lý do của một giấc mơ bao giờ cũng nằm ở những sự kiện các ngày trước đó.” (28)

Mặc dầu nội dung biểu hiện đúng là trái ngược với sự thực hiện một mong muốn rõ ràng, nhưng sự phân tích đã cho thấy tình huống thực sự. Sau vài nhận xét sáo mòn, nữ bệnh nhân giải thích rằng ngày hôm trước bà đi thăm một người bạn gái mà bà rất ghen vì cho rằng chồng mình thích người đó. May thay, người bạn gái ấy lại gầy gò mà ông chồng thì thường thích những người có dáng đẫy đà kia. Người bạn gái thổ lộ mình rất muốn béo ra và trong câu chuyện, đã nói với người nằm mơ rằng: “Bao giờ thì chị mới mời lại chúng tôi? Chị luôn luôn có những món rất ngon”. Thế là ý nghĩa của giấc mơ bỗng sáng tỏ đối với bà; giống hệt như thể bà đã đáp lại người bạn gái của mình: “À, vâng, nếu chị muốn tôi mời chị đến ăn một bữa thật ngon, thì chị hãy làm cho mình béo ra và chắc là chị còn làm cho chồng tôi thích hơn. Tốt hơn là tôi sẽ chẳng bao giờ mời chị đến ăn tối cả”. Freud nhấn mạnh rằng giấc mơ ấy thật ra là sự thực hiện trá hình một mong muốn bị cấm hay bị dồn nén.

Freud khẳng định tất cả các giấc mơ đều là sự thực hiện những ham muốn; phần lớn những giấc mơ của trẻ con là sự thực hiện những ham muốn một cách trực tiếp, hoặc là sự bù đắp những ham muốn bị ngăn chặn, hẫng hụt, không thực hiện được hay phải để lại sau này mới thực hiện, khi tỉnh dậy. Những giấc mơ của người lớn thì phức tạp hơn, nói chung sự hạn chế của chúng thường đến từ nội tâm hày đã trải qua dồn nén. Trong các giấc mơ, sự lo hãi cũng thường được gây ra do thực hiện trá hình một ham muốn bị dồn nén, nhất là khi cần có sự dồn nén để tránh cho người bệnh lo lắng, cảm thấy mình có tội hay e sợ.

Chúng ta cũng phải chú ý tới những tình cảm sâu sắc nhưng trái ngược của Freud đối với ông bố mình. Freud bị xúc động rất mạnh vì cái chết của ông bố, nên đã để phát triển một số triệu chứng mà chính ông coi là những triệu chứng hystêri. Đêm hôm trước lễ tang bố mình, ông đã nằm mơ thấy một tấm bảng ghi dòng chữ: “Yêu cầu nhắm cả hai mắt”. Nhưng, nhớ kỹ lại, Freud thấy chắc chắn là tấm biển ấy không ghi: “Yêu cầu nhắm một mắt”. Một người không biết gì về phân tâm có thể cho rằng trước khi bắt đầu liên tưởng tự do, phải chọn một trong hai câu ấy. Trái lại, Freud đã đi tìm nguyên nhân của giấc mơ theo cả hai hướng ấy, và thấy rằng chúng giống nhau. Câu mang chữ “nhắm cả hai mắt” rõ ràng gắn với cái chết của ông bố. Vì hai mắt của ông bố đã nhắm lại khi chết.

Freud cũng biết rằng rất có thể đã có những chuyện có liên quan với người bố luôn luôn muốn nhắm một mắt lại để đừng nhìn thấy, nhưng những chuyện ấy lại cứ nổi lên bề mặt của ý thức vì cái chết của người bố. Freud liền đi tìm những liên tưởng có liên quan với nguồn gốc của câu kia: “nhắm một mắt lại”. Ông nhớ ra rằng mình đã quyết định làm lễ tang thật đơn giản, phù hợp với mong muốn của người bố. Một số người trong gia đình không tán thành điều ấy, nhất là vì sợ tai tiếng theo lối thường tình. Freud nhớ rằng mình đã muốn “nhắm một mắt lại” trước sự xung đột gia đình ấy để làm một sự dung hòa giữa ý muốn của người bố làm lễ tang đơn giản với ý muốn của một số người trong gia đình làm lễ tang trọng thể hơn. Hai câu ấy gắn với nhau trong nội dung tiềm ẩn của giấc mơ; cả câu này lẫn câu kia đều thể hiện mối băn khoăn của Freud về cái chết và lễ tang người bố.

Thật dễ hiểu, nhưng phần nào cũng làm cho người đọc chưng hửng vì Freud không bàn tiếp vấn đề này nữa tuy cả ông lẫn người đọc chắc chắn đều muốn rằng việc phân tích phải đi xa hơn và phải vạch rõ những chất liệu có liên quan với những tình cảm nặng nề và sâu sắc mà chính Freud cũng chỉ có thể nhận ra được một phần. Trong phần dưới đây của cuốn sách này, chúng ta sẽ thấy tại sao những tình cảm ấy đã nhuốm lên cả những mặt khác của cuộc đời của Freud cũng như cả sự xét đoán của ông, nhất là thái độ của ông đối với sự biện luận trừu tượng về chính trị, tôn giáo và siêu hình.

Tạm thời, chúng ta đã đi tới cái điểm mà chúng ta có thể coi là những ý kiến của Freud về những nguồn gốc của giấc mơ. Ông phân biệt bốn nguồn gốc đặc thù của giấc mơ:

1. Một sự kiện mới xảy ra có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xúc cảm của người nằm mơ được biểu hiện trực tiếp trong giấc mơ. Điều đó thường xảy ra một cách tất nhiên và thật ra không cần phải lý giải, như trong những giấc mơ đơn giản về sự thực hiện mong muốn của trẻ con.

2. Nhiều ý tưởng mới, quan trọng được giấc mơ trộn lẫn thành một tập hợp đơn giản. Ở đây, sự phân tích là cần thiết, nhưng chỉ nhằm để giải quyết một mặt của công việc mộng được Freud gọi là “cô đặc”, mà chúng ta sẽ bàn dưới đây.

3. Một hay nhiều sự kiện mới xảy ra và quan trọng trong đời sống xúc cảm của người nằm mơ có thể được biểu hiện trong giấc mơ, bởi một ký ức cũng mới mẻ nhưng vô tình. Ở đây, cơ chế đã bao hàm cái được Freud gọi là “di chuyển”; một sự phân tích phức tạp hơn, bằng liên tưởng tự do, là cần thiết để thấy được ký ức ấy.

4. Một ký ức hay một ý tưởng, tuy quan trọng nhưng đã qua từ lâu và đã bị chôn vùi, được biểu hiện trong giấc mơ bằng một ấn tượng mới mẻ và tương đối vô tình. Đó là kiểu di chuyển phức tạp nhất; nó thường hiện ra tương đối nhiều hơn trong những giấc mơ của những người đã biểu hiện những triệu chứng rối nhiễu xúc cảm khi thức.

Người ta sẽ thấy rằng trong tất cả các trường hợp, Freud đã khẳng định như một định đề rằng một phần nào đó của giấc mơ phải gắn với một sự kiện vừa xảy ra. Thậm chí ông còn đi tới chỗ tuyên bố rằng sự kiện ấy chỉ mới xảy ra trong 24 giờ trước khi có giấc mơ. Tất nhiên, khi sự kiện mới xảy ra quá tầm thường đến mức không thể nhớ lại được bằng một cách nào khác, mà chỉ có liên tưởng tự do mới làm cho nó hiện lên và chỉ có những liên tưởng xa hơn mới có thể cho thấy những quan hệ của nó với những ý tưởng quan trọng hơn nhưng bị dồn nén sâu sắc, mới đây hoặc rất cũ, và mang đầy cảm xúc.

Vậy thì, công việc mộng mà chúng ta đã có dịp nhắc tới và Freud đã mô tả với một độ chính xác nhất định là nằm ở những chỗ nào? Chúng ta đã liệt kê những cơ chế chính:

1. Cô đặc.

2. Di chuyển.

3. Kịch hóa.

4. Tượng trưng hóa.

5. Chế biến lần thứ hai.

Bây giờ ta hãy lần lượt xem xét từng cơ chế nói trên.

Đọc tiếp: Khoa Học Về Giấc Mơ - Freud Đã Thực Sự Nói Gì (Phần 2)

 

(Trích chương 3: Khoa học về giấc mơ - Freud đã thực sự nói gì, David Stafford - Clark

Người dịch: Văn Luyện và Huyền Giang, NXB Thế giới, 1998

Dịch từ tiếng Pháp “Ce que Freud a vraiment dit”, nhà xuất bản Stock, 1967)


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147