Trang chủ Blog Nhân cách

Khoa Học Về Giấc Mơ - Freud Đã Thực Sự Nói Gì (Phần 2)

By: OopsyAdmin, 2019-09-10 15:50:16

Khoa Học Về Giấc Mơ - Freud Đã Thực Sự Nói Gì (Phần 1)

Bây giờ ta hãy lần lượt xem xét từng cơ chế nói trên.

1. Cô đặc (condensation)

“Giấc mơ thường ngắn ngủi, nghèo nàn, vắn tắt, so với sự rộng lớn và phong phú của những ý nghĩ về giấc mơ”  (29)

Câu này thể hiện rõ thực chất của sự cô đặc. Điều đó có nghĩa là trong giấc mơ biểu hiện, một ý tưởng có thể biểu hiện rất nhiều liên tưởng tự do, và đến lượt chúng, những liên tưởng tự do này sẽ dẫn tới những ý tưởng hoàn toàn khác, dù rằng chúng thường chồng lên nhau trong nội dung tiềm ẩn. Freud đặt cho quá trình này tên gọi riêng là “sự quyết định bởi nhiều nhân tố” (surdétermination), nhờ đó mà một ý tưởng hay một ký ức có thể được nhận ra, trên thực tế, là biểu hiện của một số ý tưởng hay ký ức nào đó quan trọng hơn nhiều và không có những liên hệ rõ ràng giữa chúng với nhau. Những ví dụ riêng của ông, trong Khoa học về các giấc mơ, tuy sống động thật, nhưng hết sức phức tạp; song giấc mơ của một nữ bệnh nhân mà một đồng nghiệp của ông kể lại dưới đây sẽ là thêm một minh họa nữa, đơn giản hơn nhưng cũng nhiều hình ảnh. Giấc mơ này do Frink kể lại:

“Một người phụ nữ trẻ nằm mơ thấy mình đi dạo trên Đại lộ thứ năm với một người bạn gái, và dừng lại trước quầy hàng của một người tạo mốt để nhìn những chiếc mũ. Cô ta nhớ lại rằng mình đã bước vào cửa hàng và mua một chiếc mũ. Giấc mơ ấy có vẻ nhạt nhẽo đáng thất vọng: ta hãy xem sự phân tích đưa lại cái gì.

Người bạn gái có mặt trong giấc mơ nhắc lại cho nữ bệnh nhân kia một sự kiện xảy ra ngày hôm trước. Đúng là cô ta có đi dạo với người bạn gái ấy trên Đại lộ thứ năm và có nhìn những chiếc mũ, nhưng cô ta không mua.

Được mời kể tiếp, cô ta nói rằng hôm ấy chồng cô ta phải nằm ở nhà vì ốm. Cô ta biết rằng chẳng có gì nghiêm trọng cả, nhưng lại rất lo lắng và không thể xua được ý nghĩ là chồng mình có thể chết. Người bạn gái kia đến vào lúc đó, và chồng cô ta đã gợi ý rằng một cuộc dạo chơi sẽ xua đuổi được những ý nghĩ đen tối. Sau khi nói như vậy, người phụ nữ trẻ nhớ lại rằng khi đi dạo cô ta có nhắc tới một người đàn ông quen biết trước khi cưới. Được yêu cầu nói tiếp, cô ta ngần ngừ rồi thổ lộ rằng hồi đó cô ta nghĩ là mình đã yêu người ấy. Frink hỏi tại sao hồi đó cô ta không lấy anh ta. Người phụ nữ trẻ cười và nói không thể như thế được và nói thêm rằng, về tài sản và địa vị xã hội, anh ta đứng cao hơn cô ta đến mức thật ảo tưởng mới nghĩ tới chuyện đó. Frink không thể hỏi thêm những điều gì khác về chuyện này và cô ta kết luận rằng đó là một chuyện ngớ ngẩn thời con nít chẳng có ý nghĩa gì cả.

Frink liền yêu cầu cô ta liên tưởng về việc mua chiếc mũ. Cô ta nói rằng mình rất thích những chiếc mũ bày trong quầy hàng, muốn mua một chiếc, nhưng không thể mua được vì chồng cô ta nghèo. Rõ ràng giấc mơ đã thỏa mãn được ý muốn của cô ta bằng việc để cô ta mua một chiếc mũ. Nhưng chưa hết. Người nằm mơ bỗng nhớ lại rằng trong giấc mơ, chiếc mũ cô ta mua có màu đen.

Chi tiết ấy, bề ngoài thật vô nghĩa, nhưng thật ra đã tiết lộ bí mật của cô ta cho nhà phân tâm học.” (30)

Chính Freud đã cho biết rằng trong khi lý giải, một mẩu nhỏ của giấc mơ bị bỏ qua cho đến lúc đó thường nổi lên, và người nằm mơ cũng khẳng định rằng mình đã hoàn toàn quên đi cái mẫu ấy.

“Cái mẫu của giấc mơ đã bị quên đi ấy bao giờ cũng là quan trọng nhất: nó trực tiếp đưa tới lời giải, và chính sự kháng cự cũng đến từ đó.”  (Khoa học về các giấc mơ) (31)

Frink đã đưa ra sự lý giải về giấc mơ của nữ bệnh nhân kia như sau:

“Trước khi nằm mơ, nữ bệnh nhân ấy đã sợ chồng mình chết. Cô ta mơ thấy mình mua một chiếc mũ tang, và như vậy là đã thực hiện một sự tưởng tượng về cái chết. Trong cuộc đời thực, cô ta không thể mua được chiếc mũ vì chồng nghèo. Còn trong giấc mơ, cô ta lại có thể mua được. Điều này giả định cô ta có một ông chồng giàu. Chẳng cần phải đi tìm thật xa mới biết được người đó là ai: các liên tưởng cho chúng ta biết người đàn ông mà cô ta thú nhận là đã yêu, nhưng lại không muốn tự thú nhận một cách đầy đủ. Anh ta rất giàu và nếu cô ta là vợ anh ta thì sẽ mua được tất cả những chiếc mũ cô ta thích. Kết luận: người phụ nữ trẻ kia đã mệt mỏi vì chồng mình, cô ta muốn chồng mình chết từ trong vô thức; việc cô ta sợ chồng mình chết chỉ là một quá trình bù đắp, một phản ứng tự vệ chống lại ý muốn của cô ta: cô ta muốn lấy người đàn ông mình đã yêu và có đủ tiền để thỏa mãn tất cả những sở thích của mình.” (32) 

Khi nữ bệnh nhân bàn luận cách lý giải này với Frink, cô ta chấp nhận tính chân thực của tất cả các yếu tố ấy, và trong những tuần lễ trước đó cô ta thường nhắc tới người đàn ông đầu tiên mà cô ta có thể lấy làm chồng. Sự quyết định bởi nhiều nhân tố ở đây đã được biểu hiện ở việc mua chiếc mũ tang. Chính ở bên dưới điều đó ẩn giấu ba sự mong muốn: cái chết của chồng; lấy người đàn ông mà ông cô ta đã từng yêu; có nhiều tiền.

Một khía cạnh khác của giấc mơ này, phù hợp hoàn toàn với những ý kiến của Freud, là những hình ảnh vô thức có thể phù hợp với nhiều mong muốn mà trong cuộc đời thực thường trái ngược nhau hoặc không thể đi với nhau. Nếu người chồng của nữ bệnh nhân ấy chết và nếu cô ta đã lấy đối tượng mình yêu đầu tiên, thì chiếc mũ cô ta mua có lẽ không phải là mũ tang.

2. Di chuyển (déplacement)

Đây là một quá trình mà nhờ đó gánh tải xúc cảm được tách khỏi đối tượng của nó hay một nội dung hiện thực, và được gắn với một đối tượng hay một nội dung khác hẳn. Chính sự di chuyển cho phép một giấc mơ có nội dung biểu hiện rõ ràng là nhàm chán nhưng lại kèm theo những tình cảm lo hãi hoặc kích thích mãnh liệt, trong khi ngược lại, một giấc mơ mang những chuyện rõ ràng thật khủng khiếp hoặc quan trọng lại có thể được nhớ tới mà không hề có một xúc cảm có ý thức nào. Trong những giấc mơ nói trên, có thể lấy ra những ví dụ về các hiện tượng ấy. Trong ví dụ bóp cổ con chó nhỏ màu trắng, mối xúc cảm do sự oán hận gây ra, thậm chí đi tới thù hằn giết người, được chuyển từ hình ảnh người chị dâu sang hình ảnh con vật; một kết quả quan trọng của quá trình ấy là hình ảnh người chị dâu hoàn toàn không hiện lên trong giấc mơ. Trong giấc mơ mua mũ tang, cuộc đi dạo thật ra chẳng quan trọng gì và lại là điều đầu tiên mà người nằm mơ nhớ lại; còn việc mua mũ thì chỉ tới sau cùng và gần như bị bỏ quên. Ký ưc về màu đen của chiếc mũ, chứa đựng cái chìa khóa để mở toàn bộ xúc cảm nằm bên dưới giấc mơ, thì chỉ bật ra khi bắt đầu liên tưởng tự do và phân tích.

Một ca cuối cùng mượn của Frink sẽ cho chúng ta một ví dụ còn quan trong hơn. Một trong những nữ bệnh nhân của Frink là một cô gái mắc chứng nhiễu tâm ám ảnh. Cô gái này mơ thấy mình đứng trước một người đàn ông mà cô ta không thể nhận ra là ai nhưng có vẻ quan trọng đối với mình. Cô ta muốn đưa cho người này một cái gì đó, và đó là chiếc lược của mình. Tất cả những gì cô ta có thể kể lại về nội dung biểu hiện của giấc mơ chỉ có thế, và điều làm ngạc nhiên hơn, là những điều đó dường như chẳng nói lên được gì đối với cô ta cả.

Việc phân tích cho thấy một mẩu quan trọng trong tiểu sử của cô ta. Cô ta là một người Do Thái từng muốn lấy một người Tin Lành, nhưng vì gia đình lại hết sức chính thống, nên cuộc hôn nhân không xứng đôi ấy không xảy ra. Bản thân cô ta thì cho rằng không hề có một trở ngại thực sự nào đối với cuộc hôn nhân hỗn hợp ấy cả; nhưng điều khiến phải đình chỉ nó là ý nghĩ cho rằng nếu hai người cưới nhau và có con thì có thể xảy ra những xung đột về việc giáo dục tôn giáo cho con cái, và trên thực tế, chính những đứa con sẽ đau khổ vì mối bất đồng này hay vì thái độ của ông bà hết sức chính thống đối với những đứa trẻ ra đời từ một cuộc hôn nhân hỗn hợp. Vì thế cô ta đã từ chối lời cầu hôn của người đeo đuổi mình, thật trái với lòng mình, trong khi vẫn ngấm ngầm oán trách bố mẹ mình và bố mẹ chàng trai kia, những kẻ chịu trách nhiệm về sự bế tắc ấy. Buổi tối trước khi có giấc mơ ấy, cô gái đã có một cuộc xung đột kịch liệt với mẹ. Khi cô ta đang gỡ và chải mái tóc mình để trang điểm buổi tối, một ý nghĩ đến mơn trớn giục cô ta bỏ hẳn nhà ra đi vì sự yên ổn riêng của mình và của bố mẹ mình, thế rồi cô ta suy nghĩ xem mình sẽ sống như thế nào trong trường hợp đó.

Những liên tưởng của cô ta xuất phát từ chữ “lược”. Cô ta bỗng nhớ lại một câu từng được nghe hồi nhỏ nhưng đã bị quên đi từ dạo ấy. Cô gái nhỏ nhón chân lên để chải tóc bằng một cái lược của một người nào khác. Người nào ấy nói với cô ta: “Đừng làm thế: cháu sẽ làm pha trộn nòi giống đi bây giờ”. Nội dung tiềm ẩn của giấc mơ đã thoát ra với một sức mạnh hết sức lạ kỳ. Nữ bệnh nhân bỗng nhận ra nhân vật trong mộng ấy chính là người mà cô ta muốn lấy, tuy rằng cho đến lúc này cô ta không thể gặp mặt lại; bằng việc đưa cái lược cho người đó, cô ta bày tỏ ước muốn “pha trộn nòi giống”, thật ra là lấy người đó và đẻ những đứa con cho anh ta, bất chấp sự chống đối của bố mẹ và bất chấp cả sự phục tùng này là sự từ bỏ ý định hôn nhân của cô ta. Như vậy, cái có vẻ như một giấc mơ gần như vô nghĩa thì trên thực tế lại thể hiện một ý định cực kỳ quan trọng. Sự di chuyển ấy đã xóa bỏ ý nghĩ lấy người đó khỏi nội dung biểu hiện, thay vào đó bằng một hành vi tượng trưng, lúc đầu rất khó hiểu, là trao cho anh ta cái lược.

Khi chưa có cơ hội để phân tích, giấc mơ này có vẻ vô nghĩa và mơ hồ một cách kỳ lạ – hay nói như Freud – mơ hồ một cách có ý nghĩa. Nhưng tất cả sự nhàm chán bề ngoài ấy thật ra chỉ là hiệu quả của sự cô đặc và sự di chuyển. Điều đó dẫn chúng ta tới chỗ đoán trước được cái mà Freud sau này sẽ đưa vào khái niệm về sự chế biến của giấc mơ: chức năng kiểm duyệt. Mọi cái diễn ra đúng như thể những giấc mơ biểu hiện là những thông điệp mà người ta dùng vào thời chiến để thông báo về những phong trào kháng chiến ở các nước bị kẻ thù chiếm đóng. Việc giải mã đem lại ý nghĩa thật sự cho những câu mà cho tới lúc đó có vẻ nhàm chán hay vô nghĩa. Một cách tương tự, các phóng viên chiến tranh, khi gửi đi những tin tức từ các vùng phải chịu kiểm duyệt, có thể dùng những phương pháp tương tự để thông báo các tin tức của họ. Công việc mộng biến nội dung tiềm ẩn thành nội dung biểu hiện để vừa có thể thoát khỏi kiểm duyệt, lại vừa ra vẻ phục tùng nó. Chúng tôi sẽ bàn luận dài hơn về khái niệm kiểm duyệt của Freud vào cuối chương này.

Những cơ chế còn lại thì bây giờ có thể hiểu được dễ dàng.

3. Kịch hóa (dramatisation)

Nhìn từ xa, tuyệt đại bộ phận các giấc mơ mà chúng ta nhớ được đều là bằng những hình ảnh thị giác đầy sống động. Nhưng tư duy khái niệm thường vắng mặt, khiến chỉ có thể kể lại được giấc mơ nếu người nằm mơ có diễn đạt nó bằng lời. Nếu máy chiếu bóng đã có khi Freud viết Khoa học về các giấc mơ thì có lẽ nó đã đem lại một cái gì rất giống với sự kịch hóa bằng hình ảnh thị giác mà Freud coi đó là đặc trưng của các giấc mơ. Nhưng ông đã phải dùng tới những so sánh cũ hơn và có tính truyền thống hơn.

“Sự thiếu khả năng biểu hiện này là do những yếu tố tâm thần được sử dụng. Hội họa và điêu khắc, so sánh với thi ca, cũng nằm trong một tình huống tương tự: ở đó, sự thiếu khả năng thể hiện cũng gắn với bản chất của chất liệu được sử dụng.”(33)

Freud lấy làm ngạc nhiên về cái cách mà hình ảnh thị giác của các giấc mơ – tuy thường sống động, phức tạp và rõ ràng khó giải thích – dường như trình bày các ý tưởng nhưng lại không có một phương tiện nào để thông báo về mối quan hệ giữa các ý tưởng đó. Các ý tưởng, các tình cảm, toàn bộ giấc mơ vẫn không có mối liên kết lôgic hoặc rõ ràng nào cả. Mọi bức tranh đều kể lại một câu chuyện; nhưng những bức tranh nội dung trong giấc mơ thì không kể lại câu chuyện giấc mơ theo ý nghĩa thật sự của nó. Đó là lẽ tại sao chỉ có liên tưởng tự do và trí tuệ tượng trưng hóa mới có thể vạch ra được sự thật. Nhưng sự nối tiếp những hình ảnh thị giác chắc chắn tạo ra một kinh nghiệm ấy có vẻ có hiệu lực. Chỉ khi giấc mơ được nhớ lại sau lúc tỉnh dậy, mới thấy rõ sự vô lý của nó, nhưng đôi khi sự bí hiểm của nó, gần như không thể thông báo được, lại trở nên rõ ràng đối với người nằm mơ. Đoạn kịch của giấc mơ gắn liền với những liên hệ không nói ra mà chỉ có việc lý giải mới phát hiện được, đó là cái được Freud gọi là “kịch hóa”. Điều đó cũng giống như người nằm mơ nhìn thấy trộn lẫn với nhau một vở kịch huyền bí, một bức tranh khó hiểu hay một cuộn phim gây kích thích và rối loạn dù bề ngoài thật khó hiểu. Tượng trưng hóa đem lại chiếc chìa khóa chuẩn duy nhất cho hành động, trái với chìa khóa riêng của cá nhân là liên tưởng tự do.

Đọc tiếp: Khoa Học Về Giấc Mơ - Freud Đã Thực Sự Nói Gì (Phần 3)

(Trích sách Freud đã thực sự nói gì,

Người dịch: Văn Luyện và Huyền Giang

Dịch từ tiếng Pháp “Ce que Freud a vraiment dit”, nhà xuất bản Stock, 1967)

 


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147