Trang chủ Blog Phát triển cá nhân - Quản trị cảm xúc

Câu chuyện về mẩu bánh mì gặm mất góc

By: OopsyAdmin, 2018-08-06 03:07:14

Tâm lí, oopsy

Gã có khuôn mặt gầy và nhọn, bộ râu quai nón chiếm quá nửa khuôn mặt, cặp mắt giấu sau đôi mắt kính vuông viền đen dường như lúc nào cũng hút vào trong, đang ngồi đăm chiêu suy nghĩ. Cảnh tượng và con người bên ngoài đối với hắn chỉ như một màn hình chiếu phim tua chậm, còn hắn là kẻ xem phim. 

Gã là một trong số ít những người trên thế giới này có hậu chẩm lồi hẳn ra sau. Dáng gã gầy và mảnh. Bàn tay luôn đút vào hai mé quần. Hai gót chân chụm vào nhau, bàn chân tách ra cỡ khoảng 45 độ, đúng hình chữ V. Đầu gối hơi chùng. Loại dáng đứng này giúp chân hắn bám chặt vào mặt đất và cố định thân thể. Nhờ thế hắn có thể bình tĩnh quan sát cả khi đứng giữa một rừng người. Thật khó để lay chuyển hắn, trừ phi hắn chuyển thế chân, hoặc bắt đầu nhún nhảy. Đó là khi hắn bắt đầu tách ra thế giới suy tư của mình và tham nhập vào thế giới xung quanh. 

Gã là kẻ thông minh và thực dụng. Hãy nhìn cách gã chọn áo mà xem! Gã mặc cái áo kiểu jacket có màu café rất nhiều sữa, bên trong lót loại vải phin chứa bông. Màu áo đó giúp hắn dễ ẩn mình giữa đám đông mà không bị phát hiện, phù hợp với sở thích quan sát của hắn. 

Gã là kẻ thực dụng. Cái áo jacket với hai cái túi rất to hình vuông với lợi thế của nó đã đủ nói lên điều đó. Cái túi to đủ để nhét một chai nước lavie nhỏ bên trong. Mà quả là cái túi đó đang chứa chai nước lavie mới uống được một phần tư thật! 

Phải! Gã cực trầm tĩnh, luôn suy tư, ít nói, giỏi quan sát, và thông minh. Nhưng… chẳng mấy ai để ý và biết đến điểm này của gã. Đây vừa là điểm mạnh cũng là điểm yếu của gã: sự cô độc. Chính vì thế, có ai hiểu được thế giới cô độc, lạnh lùng, bí mật thẳm sâu, có cả kho tàng tri thức ẩn giấu chứ không hề tẻ nhạt như cách gã tỏ ra, thì sẽ đột nhập được vào thế giới của gã và biến mình thành tri âm của gã, thậm chí làm gã yêu. 

Hắn còn là kẻ thực tế, thực dụng và “not shame!”. Nó bộc lộ qua cách kiếm đồ ăn của gã. Giữa một bàn đồ ăn xô bồ đã hết nhẵn món bánh mì kẹp trứng kiểu sandwich vốn ít ỏi, chỉ còn vài loại hoa quả, chút bánh ngọt, thức tráng miệng, café và trà. Còn sót lại là 2 miếng bánh kẹp mới chớm bị ai đó cắn, bỏ phí, nằm lăn lóc cùng chút dưa chuột lát xắt lát, rau xà lách, thứ sốt mayonnaise tự chế, và miếng trứng tráng nửa quả có thêm chút nước cho phồng. Hắn bình tĩnh đến bên cái đĩa đựng hai miếng bánh dở, nhẹ nhàng dùng tay phải bóc miếng trứng giấu trong mẩu bánh mì và thản nhiên đưa lên miệng, ăn chậm rãi, như thể đó là thứ ngon nghẻ và còn lành lặn.  

Hắn, kẻ thực dụng, hoàn toàn khác biệt với nhiều khách vãng lai, liếc nhìn hai mẩu bánh mới cắn chớm góc, trong lòng vừa ôm bụng đói, vừa tiếc: nó-đã-bị-ăn-rồi. Thành ra, chẳng ai thật sự dám động vào chúng, ngoài gã!

Những vị khách vãng lai trở thành “kẻ-muốn-nhưng-không-dám.” Vì trong lòng họ quá muốn ăn chúng đi chứ! Thứ bánh gần như lành lặn, trong khi xung quanh chẳng có gì ăn cho no bụng, và họ thì đang đói lả cả người. Miếng bánh thật sự là thứ họ đang rất cần! 

Ta đều nghĩ rằng, chỉ vì đó là miếng bánh mì bỏ đi, nhưng chẳng phải thế đâu, chẳng qua là họ không dám đó thôi, vì mải lo bị đánh giá là “ăn phải đồ bỏ đi”, nếu họ làm thế. 
Ta đều nghĩ rằng, đó là thứ bỏ đi và không-thèm, trong khi thật sự là rất-thèm và rất-muốn. Đây là một quan niệm ngược-đời! (Nếu chưa hiểu, có lẽ khi nào bạn ngược-đời mới hiểu được!)
Mà quan niệm này bắt nguồn từ đâu, và dựa vào giá trị nào để xác định và đo lường nhỉ? Rằng đồ bỏ đi luôn được cho rằng là đồ thừa, đồ bẩn, đồ thấp kém hơn, tương đương với rác. 

Ấy vậy mà lí do quyết định cho hành động của những vị khách vãng lai lại dựa vào những giá trị, quan niệm của người ngoài thay vì điều mình thật sự muốn. (Ánh mắt, hay quan niệm của người ngoài có sức ảnh hưởng to lớn ghê nhỉ?!)

Thật may mắn cho gã, nếu không có những ánh nhìn và quan niệm, thì có lẽ hai mẩu bánh mì đã không đến tay gã! Đối với gã, miếng trứng còn sót hay cái bánh mì gặm dở chỉ đơn giản là vì chúng giúp cái bụng của gã đang đói được no. Chẳng vì ngại ngùng, chẳng xấu hổ, chẳng buồn để ý xem liệu đó là đồ bỏ đi hay không, và có ai đang nhìn và đánh giá gã hay không. 

Có cô gái đi qua, chứng kiến hành động của gã từ đầu tới cuối, chợt ồ lên, hiểu ra , và rất nhanh tay bắt chước gã, rờ đến mẩu bánh mì còn sót lại, mặc kệ dòng người chung quanh lại qua, nhìn hắn, cười tươi, rồi nói: “Thank you for teaching me a lesson!”
Lesson? Haha. Right! Not (be) shame! Hắn đáp.
(Not shame có thể hiểu: bỏ qua cái xấu hổ, bỏ qua cái ngại. Có lẽ chỉ khi “not shame”, ta mới làm được những điều tương tự như gã, không chỉ về mẩu bánh mì gặm mất góc!)


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147