Trang chủ Blog Phát triển cá nhân - Quản trị cảm xúc

Chán ngán học hành, làm sao thoát chán đây?

By: OopsyAdmin, 2018-08-10 09:30:07

- Con không thích đi học đâu, con muốn nghỉ ở nhà
- Mình ghét đến trường, ghét phải học bài
- Mình muốn ở nhà chơi điện tử cả ngày

Có lẽ ai cũng từng chán đi học, và có những suy nghĩ này là chuyệ dễ hiểu. Những suy nghĩ này không tồn tại lâu. Vì nó là cảm xúc nhất thời của một người. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu những suy nghĩ này biến thành ám ảnh, lặp đi lặp lại, đến mức biến đi học thành một nỗi căng thẳng. Hay chúng ta biết đến một từ phổ biến hơn: STRESS!

Nào, hãy cùng thảo luận về chủ đề trường học.

Căng thẳng vì học hành – đâu là dấu hiệu?

Nếu lo lắng vì phải đi học, đến trường ở mức độ cao sẽ làm bạn đau đầu, quặn bụng, rối loạn, bất an.

Khó ngủ cũng là một dấu hiệu thường thấy. Nếu không ngủ đủ, bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ và gà gật suốt cả ngày. Một ngày dài mệt mỏi sẽ nhanh chóng làm bạn cảm thấy lớp học và học hành là cơn ác mộng.

Sẽ thật khó cho bất cứ ai quyết định điều gì cho trọn vẹn nếu căng thẳng quá mức. Ngay cả những quyết định nhỏ và đơn giản như ăn gì, mặc gì, đi phương tiện nào đến trường, cũng biến thành mối bận tâm cho bất kì bạn trẻ nào. Khi quá vội vã để quyết định, chúng ta có thể chọn cách nhanh nhất là bỏ bữa sáng, mặc bộ quần áo còn nhàu nhĩ, và kết quả chờ đợi là lỡ xe buýt hay tắc đường, đến lớp muộn.

Đa phần các bạn trẻ đều chờ đợi đến ngày nghỉ để thoát khỏi áp lực trường lớp. Mong muốn nghỉ quá lâu có thể làm ngày đi học kế tiếp trở nên mệt mỏi hơn.

Chán ngán học hành, làm sao thoát chán đây?

Vì sao các bạn trẻ chán ngán đến trường?

Nếu không thích trường học, hẳn có lí do đứng sau. Hãy tìm hiểu vì sao bạn không thích nó trước tiên. Ví dụ về tâm lý:

- Vì có ai đó hay bắt nạt và ra lệnh?
- Không có ai chơi cùng?
- Bị thầy cô giáo trù?
- Ghét thầy cô giáo, môn học?

Lý do còn có thể đến từ lớp học và các bài tập ở trường. Bài tập quá dễ (trường hợp này hiếm!), hay bài tập quá khó, lười học, thành ra cứ làm sai mãi, lâu dần sinh ra tự ti và nghĩ rằng mình không đủ thông minh như các bạn khác.  

Những lý do này khiến một học sinh căng thẳng, khó tập trung học hành, làm bài tập, hòa hợp với trường lớp, thầy cô, bạn bè.

Nghĩ xong xuôi vì sao bạn không thích trường học là bước đầu giúp chúng ta tìm hướng giải quyết. 

Dưới đây là 3 cách:

Tháo gỡ mớ mộng mơ.

Tìm nguồn trợ giúp

Nếu có vấn đề với trường học, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ.

Tìm người nào giúp? “Kể chuyện cho bố mẹ, người thân, bạn bè, hay bác sĩ tâm lí. Họ sẽ giúp bạn. Đặc biệt, nếu có ai bắt nạt, đánh bạn, hãy kể cho người lớn biết.” Thực ra, đây là cách chỉ có ở những nước cởi mở như phương Tây. Người lớn hay các bác sĩ tâm lí luôn sẵn sàng lắng nghe vấn đề của học sinh và giúp họ tháo gỡ.

Còn ở Việt Nam thì sao? Có bao giờ bạn thử kể chuyện với người lớn chưa? Chắc là hiếm nhỉ! Dễ hiểu mà. Sự cởi mở giữa học sinh và người lớn (bố mẹ, thầy cô…) vẫn luôn là một khó khăn, cho dù có khẩu hiệu nêu cao nào đi nữa. Rất may rằng, những năm trở lại đây, tình hình có tiến triển. Một số ngôi trường đã có bác sĩ tâm lí túc trực để lắng nghe vấn đề của học sinh. Và các giáo viên, có hiểu học sinh được đôi chút. Tuy nhiên, khoảng cách vẫn còn đó.

Cũng chẳng thể trách được các thầy cô vì rốt cuộc thì, chúng ta sống ở một nơi mà áp lực tầng trên và tầng duơi vẫn luôn mạnh mẽ. Thầy cô cũng giống như tấm gương phản chiếu những gì họ được học từ thầy cô giáo trước đó của họ. Nên thật dễ hiểu để thấy lắng nghe thật sự giữa thầy và trò cũng thật là hiếm.

Liệu đó có phải là quan niệm không nhỉ? Vì chúng ta chỉ nghĩ về người lớn theo nỗi sợ và quan niệm xã hội được đặt lên mình. Nhỡ đâu có cách nào khác? Có đấy! Hãy thử trò kỳ quặc.

Trò kỳ quặc rút ngắn khoảng cách

Nếu bạn từng đọc cuốn Kỳ quặc để tự tin, thử những trò kỳ quặc, vậy tại sao không thử rút ngắn khoảng cách với bố mẹ mình bằng cách thử trò phép màu nước chanh nhỉ? Rồi bạn sẽ bớt sợ bố mẹ, nói chuyện tự nhiên với họ, và đương nhiên, tâm sự chuyện trường lớp sẽ chẳng còn là vấn đề lớn nữa.

Còn nói chuyện với thầy cô ư? Điều này, có lẽ phải nhờ Bậc thầy kỳ quặc giúp đỡ xem có trò kỳ quặc nào tháo gỡ khoảng cách, hay bớt dần nỗi sợ hãi với thầy cô giáo hay không. Còn hiện tại, bạn có thể thử trò kỳ quặc với bố mẹ bằng phép màu nước chanh. Quan trọng là, trò kỳ quặc sẽ mang đến tự tin cho bạn.

Viết nó ra.

Nếu không muốn kể nó cho ai, thì vẫn có cách, đó là kể nó cho mình. Hãy viết ra:

Những gì bạn ghét khi ở trường
Hoạt động nào bạn thích làm khi ở trường (kể cả chỉ là ăn quà vặt ở cổng trường, hay lang thang dưới sân, hoặc được nghỉ tiết… Nó sẽ tạo động lực giúp bạn nhìn ra điểm mình có thể vui vẻ được ở đây, và không thấy trường học là nơi quá đáng sợ.

Giờ thì, hãy bắt đầu thay đổi với danh sách “ghét”. Bạn có thể làm gì để thay đổi nó? Nghĩ xem, tự giác làm bài, học thuộc bài trước khi đến lớp có phải là tự tin hơn hẳn so với bị động chờ cô giáo rờ đến không? Ai là người để bạn tâm sự nếu có vấn đề khó xử lí ở trường? Có cách nào để chứng tỏ khả năng và sở thích của mình không? Nếu kết thân với bạn mới, bạn có cảm thấy bất cô đơn không? Nếu giúp ai đó cảm thấy bớt cô đơn, có phải bạn cũng bớt đi điều đó ở mình? Bạn có thể làm gì để kết thân với bạn mới?

Tìm cách thay đổi sẽ thay đổi được, còn hơn là chấp nhận hoàn cảnh, phải chứ? Nếu không tin, cứ thử mà xem, vì đời sẽ trao cơ hội đến cho người biết thay đổi.

Còn chần chừ gì nữa, nhấc mông lên nào, khoác ba lô lên vai, chân bước đều nhịp, để chuẩn bị cho một lớp học mới, một kỳ học mới, một năm học mới sắp tới.

Đừng lo, bạn chỉ phải trải qua 2-3 năm học mẫu giáo, 12 năm tới trường, 4-5 năm học đại học hoặc ít hơn, rồi sẽ đến công sở. Đến lúc đấy có lẽ ai cũng ước “Giá lại được đi học”. Nên dù sao, hãy trân trọng khoảnh khắc được-đi-học trước khi phải đối diện với một nơi hãi hùng hơn, đó là: CÔNG SỞ.

Chúc bạn tận hưởng kỳ nghỉ hè vui vẻ và đầy ý nghĩa!


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147