Trang chủ Blog Phát triển cá nhân - Quản trị cảm xúc

Động lực tâm lí ẩn sau mong muốn bỏ nhà ra đi

By: OopsyAdmin, 2018-11-02 11:24:32

Bạn đã bao giờ muốn thoát li gia đình chưa? Sau một vài xích mích với bố mẹ, hay cảm thấy không gian sống của mình không được tự do, không nhận được sự tôn trọng từ phía bố mẹ? Thế là nghĩ đến thuê một căn nhà, dọn ra đấy sống, tự ăn tự uống, nghe chừng khá là tự do tự tại phải không?

Mong muốn này sẽ xuất hiện mạnh mẽ nhất là khi bạn đã có thể làm chủ hoàn toàn hoặc một phần kinh tế của bản thân. Một ý tưởng nghe chừng rất tuyệt vời, đậm chất vui vẻ của một thời nổi loạn phải không? 

tâm lý, oopsy


Hãy thử tìm hiểu động lực đứng đằng sau việc này một chút đã. Việc thoát li gia đình, cũng là nơi vốn lưu giữ những giá trị cộng đồng cuối cùng trong xã hội, thường đánh dấu một sự trưởng thành về mặt tâm lý, trí tuệ, thân thể. Lúc đó chúng ta là một cá thể đã hoàn thiện đầy đủ về cả ba mặt, bước ra ngoài và phát triển một gia đình, một cộng đồng riêng của mình.

Mỗi cá thể gia đình này sẽ là đơn vị cơ bản nhất để cấu thành nên đô thị hay còn gọi là xã hội nói chung. Cộng đồng mới này sẽ phát triển từ những nét tinh hoa được lưu giữ từ cộng đồng cũ, kết hợp với những hệ giá trị mới từ những cộng đồng khác. 

Nghe rất giống các loại thực vật phải không? Cây cối ra hoa kết trái và cố gắng phát tán ra những mầm mống giống nòi của chúng càng xa càng tốt. Tương tự ở con người, ta có thể hiểu đó là bước dựng vợ gả chồng, phát triển một gia đình riêng trong cuộc đời mỗi con người.

Quả thật, việc xây dựng gia đình vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng ở trong đời mỗi người, thậm chí có thể quyết định tương lai của chúng ta (thuận lợi hay khó khăn, hạnh phúc hay bất hạnh…). Đấy là chúng ta đang xét ở một mức đạo lí hết sức bình thường đấy thôi nhé. 

Độ tuổi mà chúng ta có thể ở một mức trưởng thành về thân thể, tâm lí, trí tuệ thường được “các cụ” nhận định là độ tuổi ngoài 30, “tam thập nhi lập” ấy, hẳn nhiên là quá quen thuộc phải không nào.

Cho nên, nếu ai đó 30 tuổi rồi mà chưa lập gia đình, thì cũng đừng vội vàng. Đấy mới là độ tuổi đúng đắn đấy. Các cụ nói cấm có sai đâu. Ngày xưa do nhiều nguyên nhân khách quan của nền văn minh nông nghiệp lúa nước hay do chiến tranh liên miên, việc kết hôn lập gia đình sớm lại được coi là bình thường và được khuyến khích.

Trở lại việc dọn ra ngoài ở riêng, tâm lí muốn dứt bỏ cộng đồng khi chưa đủ sự trưởng thành về thân-tâm-trí, có thể quy vào hai nguyên nhân chính, một là cá nhân đấy, hai là cộng đồng, gia đình đấy.

Hai nguyên nhân này đi song hành với nhau, và có mối quan hệ tương hỗ qua lại. Một cá nhân gặp thiếu sót trong mặt phát triển về thân-tâm-trí (cha mẹ sinh con, trời sinh tính mà) có thể sẽ gặp những sai lệch trong quá trình phát triển. Người đó bị tác động bởi những nhân tố bên ngoài, dẫn đến tình trạng thoát li gia đình, xã hội (tiêu biểu là các chứng bệnh cách li xã hội, tự tách mình khỏi tập thể, sợ đám đông…). 

Tất nhiên, một trong những nguyên nhân gây ra sự sai lệch của một cá nhân chính là sự tác động từ gia đình, cộng đồng. Một cá nhân có quá trình trưởng thành sẽ bình thường nếu phát triển trong một môi trường bình thường.

Tuy nhiên, cá nhân đó nếu được lớn lên trong một gia đình, một cộng đồng phát triển cực đoan một đặc tính nào đó, ví dụ như yêu thương quá, nề nếp gia phong quá, kiểm soát quá hoặc chỉ đơn giản là thiếu hẳn một trong ba trụ cột của một gia đình hay cộng đồng thật sự là Vô tư, Hòa ái và Đạo đức, tất cả đều có thể khiến cho cá nhân đó sai lệch. 

Có thể lấy ví dụ về quá trình hạt giống được lan truyền, hạt giống đó có thể là hạt lép, thối ngay từ bên trong, không thể ươm mầm mà phát triển thành cây. Trong cả triệu hạt giống, chắc hẳn phần trăm xuất hiện những hạt lép như vậy là hết sức bình thường, thậm chí là ở mức cao nếu cây mẹ bệnh tật, còi cọc. Hay như, dù hạt giống cây cối đó có thể phát triển mạnh mẽ, nhưng nếu được ươm vào mảnh đất cằn cỗi, khô hạn, sâu bệnh, thì chắc chắn kết cục chỉ là cái chết.

Phân tích dài dòng như vậy, chỉ có thể để nói, tâm lí muốn rời xa gia đình là một động lực ngầm ẩn trong tất cả chúng ta. Có bao giờ bạn chỉ đi đổ rác thôi mà có suy nghĩ mình sẽ biến mất, bỏ nhà đi đến nơi thật xa chưa. Cái sự ám ảnh nó trái ngang thế đấy, mọi đứa con đều có động lực rời xa gia đình của chúng, dù gia đình có tốt đẹp hay tệ hại ra sao, đặc biệt là trong cái độ tuổi từ 18-30.

Độ tuổi của thanh xuân, nhiệt huyết, đau khổ, dại dột cũng như hạnh phúc nhất của chúng ta. 12 năm để yêu, để sáng tạo và dại dột. 12 năm của những sự nhạy cảm, suy sụp và căng thẳng. Phải mãi khi qua được cái độ tuổi này, trái tim bình ổn trở lại, ta mới có thể suy nghĩ tỉnh táo hơn, trân trọng những giá trị mà ta đang có trong lúc này.


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147