Trang chủ Blog Phát triển cá nhân - Quản trị cảm xúc

Học cách đọc sách kĩ năng

By: OopsyAdmin, 2020-01-22 11:12:19

Hình ảnh sách gắn liền với thế giới tri thức. Chúng ta gửi gắm vào sách rất nhiều điều muốn trao truyền xuyên qua lớp ngôn ngữ.

Sách kĩ năng gần đây rất phổ biến, nhiều người quan tâm, nhất là các bạn trẻ. Thông thường sách kĩ năng hướng tới những vấn đề cụ thể, chỉ dẫn cho người đọc kĩ năng sống nào đó. Kĩ năng sống này cũng được lồng vào các loại sách khác nhau. Oopsy muốn chia sẻ với các bạn vài điều để đạt mục tiêu thay đổi thông qua các cuốn sách này.

1. Đã chọn sách, hãy dành thời gian đọc

Sách đã tìm cách đến mọi ngóc ngách trong thời đại này. Mua sách thì dễ dàng, việc chọn sách mới phải bàn. Mỗi người nên cố gắng tìm những cuốn sách tốt lành, thực sự hướng người ta tới trưởng thành. Ai cũng nên trân trọng những tri thức được gửi gắm trong từng cuốn sách kĩ năng mà mình đã chọn.

Chúng ta đã tiếp cận sách, cần có trách nhiệm với nó chứ nhỉ? Chớ để sách cô đơn, hoài phí. Đọc sách hằng ngày, như thói quen đánh răng rửa mặt. Khó lắm không? Mỗi người có thể lười đánh răng rửa mặt khi còn bé, giờ thành quen chưa để ý đã làm xong. Thấy quan trọng phải ưu tiên, tất nhiên sẽ làm được. Học kĩ năng sống trước tiên tốt cho mình, rồi mới đến cống hiến cho cộng đồng.

Nếu chưa có thói quen đọc sách, chúng ta chọn cuốn dễ đọc trước, dành ít phút hằng ngày. Dần dần mỗi ngày tăng thời gian với số trang lên, có khi thấy cuốn hút còn khó rời ra được. Tại sao sách gối đầu giường? Đến lúc chúng ta thấy mình sinh ra phải đọc sách, chưa đọc chưa thể đi ngủ ngày hôm đó được đâu.

Học cách đọc sách kĩ năng

2. Thấy bóng hình của mình trong sách

Sách kĩ năng chân chính có nền tảng am hiểu tâm lí, tỏ tường tri thức. Các vấn đề thông thường phổ quát tâm lí chung của mọi người. Động đến vấn đề nào, ai gặp cũng lại thấy mình trong đó. Chúng ta đọc chớ nghĩ ngay đến giống người nọ, chứng tỏ bản thân mà khuyên bảo người kia. Đọc thấy giật mình, nghĩ bản thân phải cải thiện trước tiên, vậy thật tốt. 

Muốn áp dụng hiệu quả, chúng ta cũng nên tự xem xét tình trạng của mình. Mỗi người có ưu thế, hạn chế riêng. Hoàn cảnh, tình trạng cụ thể mỗi lúc cũng khác nhau. Soi chính mình vào trang sách, hoà trong thế giới ấy, chúng ta càng rõ hơn mình cần làm gì. 

3. Suy nghĩ, ghi chép những điều muốn nhớ

Đọc sách đồng thời là đang học, tiếp thu tri thức. Dòng sách kĩ năng đòi hỏi người đọc tăng phần trí tuệ. Đa phần chúng ta dễ sống trong cảm xúc hơn là lí trí. Nghĩ một lúc mệt đầu. Giải trí cho sướng! Nắm được tâm lí này, một số sách kĩ năng mang cách diễn đạt nhẹ nhàng, vui vẻ, kết hợp hình ảnh minh hoạ dễ đọc. Chúng ta bớt cảm giác nặng nhọc. Tăng cường suy nghĩ về những nội dung đã đọc, chúng ta sẽ sở hữu kĩ năng tư duy nâng lên đáng kể.

Làm sao để biết mình nắm được bao nhiêu điều, hiểu vấn đề đã học đến đâu? Làm sao để biến kiến thức bên ngoài thành của mình? Ghi chép là phương thức muôn thuở có hiệu quả. 

Mỗi lúc đọc xong ta ghi lại một vài ý thấy cần lưu tâm, có người còn chép nguyên văn cho nhớ. Chúng ta có quyền ghi chép bất kỳ ý tưởng nào nảy lên trong đầu, nhận ra một phần ngụ ý sâu xa đằng sau câu chữ. Người quen ghi chép thấy lúc ghi lại rất đặc biệt, theo dòng chảy suy nghĩ ý tưởng tuôn ra dù trước đó chưa kịp có.

Nhiều người ghi xong chẳng mấy khi đọc lại, thực ra lúc viết ra đã đắc được lợi ích rồi. Chúng ta còn tận dụng được ghi chép vào việc nhắc nhớ luyện kĩ năng. Ví dụ ta bổ sung kĩ năng cần luyện vào thời gian biểu, danh sách việc cần làm hằng ngày. Ta viết thành khẩu hiệu dán ở khắp nơi, tạo các ghi chú đập thẳng vào mắt. Điều muốn nhớ cứ như nở hoa trong ta, quanh ta vậy.

4. Thực hành - thực sự hành

Mấu chốt hiện thực hoá thành quả, thay đổi từ bên trong: Thực hành. Mức cơ bản nhất của thực hành ở chỗ bảo sao, làm vậy. Thích nghi mức cơ bản rồi chúng ta chọn lọc, điều chỉnh phù hợp với bản thân hơn. Rồi chúng ta sẽ hiểu chu trình, bản chất, nắm được quy luật để áp dụng vào thực tế tốt hơn.

Thực hành đầy đủ ít nhất phải bao phủ các vấn đề: thân thể hành động, trí não liễu giải, tâm cảm ước chế, tinh thần học hỏi. Mỗi người nên chủ động thực hành, chớ đánh mất thời gian chờ đợi. Lại nữa, những điều xảy ra trong cuộc sống chúng ta gắng xem xét có thực hành được gì. Cơ hội nhiều lắm, ta chịu nắm bắt hay không thôi. 

Ví dụ có người tâm đắc cuốn HÔM ẤY CÙNG NHÌN QUA Ô CỬA SỔ VĂN PHÒNG CHÚNG TA ĐÃ MỈM CƯỜIcủa tác giả Hạo Thái. Lượt đầu tiên chỉ đọc, so với chính mình, ngẫm nghĩ, ghi chép. Đến lượt tiếp theo người đấy quyết định thực hành, dù nghĩ nhiều kiến thức thành ra cũng ngại. Người này đặt ra mỗi tuần chủ động đào sâu, tập trung thực hành một bài viết trong sách. Làm một mình dễ nản, lại rủ người bạn thân cùng đọc song song thực hành với mình. Cả hai cùng trao đổi vào dịp cuối tuần xem nhận ra điều gì, thực hành ra sao, vướng mắc thế nào. 

Đọc nhiều, mỗi câu chữ in sâu vào tâm trí. Mỗi khi có vấn đề làm nảy sinh tâm lí tiêu cực ở văn phòng, người đó nhớ lại rồi gắng thực hành theo. Không chỉ sống sót mà còn thấy thanh bình, cơ bản làm chủ cuộc sống văn phòng. 

Sau tất cả, nghĩ lại xem. Đã bao lần chúng ta định thay đổi rồi thôi? Đã bao giây phút chúng ta trút tiếng thở dài? Đã bao giờ chúng ta mòn mỏi tự hỏi mình về đâu? Đã bao ngày chúng ta tự mặc cả và buông thả đời mình? Đã bao tháng chúng ta hứa xong lời gió đưa bay qua cửa sổ? Đã bao năm chúng ta tàn lụi trong lủi thủi, tủi nhục đến nát tan. 

Tự thay đổi, vì chính chúng ta, chẳng phải để thể hiện ra cho người nào thấy. Đọc sách, hay tìm kiến thức kĩ năng sống ở bất cứ đâu, chúng ta cần đi đúng phương hướng trên con đường vươn tới trưởng thành...

- James Biết Tuốt - 


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147