Trang chủ Blog Phát triển cá nhân - Quản trị cảm xúc

Làm Thế Nào Để Tìm Thấy Niềm Đam Mê? (Phần 1)

By: OopsyAdmin, 2019-09-10 15:51:28

Đam mê là lý do bạn thức dậy mỗi sáng, và chỉ cần nghĩ đến nó thôi cũng đủ để bạn hào hứng thức khuya dậy sớm. Đam mê cũng có thể là cảm giác âm thầm hài lòng, biết rằng bạn đang sống cuộc sống của chính mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chính xác ngay được niềm đam mê của mình. Đừng lo – cho dù bạn đang tìm kiếm niềm đam mê để theo đuổi một công việc mới, hoặc đang tìm kiếm một sở thích hay hoạt động để đắm mình, có rất nhiều điều bạn có thể làm để xác định niềm đam mê của mình. Hãy suy ngẫm và trả lời thật chân thành cho chính bạn – vì bạn với những câu hỏi dưới đây nhé!

Tôi là ai?

1/ Nghĩ xem điều gì thúc đẩy các quyết định của bạn

Một số người thường lắng nghe quá nhiều “con người xã hội” của họ, phần tính cách muốn hòa nhập, muốn được người khác nghĩ tốt về mình, và muốn tuân thủ những quy tắc. Trong khi mong muốn trở thành một phần của cộng đồng là hoàn toàn chính đáng, nếu bạn lấy những gì người “khác” nghĩ là hợp lý đối với mình làm cơ sở để quyết định mọi việc, rốt cuộc bạn sẽ cảm thấy dường như bạn đã đánh mất phương hướng của mình.

Điều này có thể xảy đến với bạn vào bất cứ thời điểm nào trong cuộc sống, nhưng bạn sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương khi còn trẻ do bạn cảm thấy bị buộc phải lắng nghe cha mẹ hoặc những những người có chức quyền hơn mình.

Ngừng ngay việc tự nhủ bản thân “nên này nên nọ”. Thuật ngữ này bắt nguồn từ nhà tâm lý học Clayton Barbeau, người đã dùng nó để mô tả những điều sẽ xảy đến khi bạn để cho những áp lực từ bên ngoài định hình những gì bạn nghĩ mình “nên” làm. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy chán chường và bất mãn với lựa chọn của mình bởi chúng xuất phát từ cảm giác tội lỗi và sợ sệt hơn là lựa chọn đúng nghĩa. Hãy gắng nghĩ về những điều bạn “muốn” làm, chứ không phải những gì bạn cảm giác “nên” làm do ai đó bảo rằng bạn nên làm nó.

“Đam mê” bắt nguồn từ “chân thực”, cảm thấy rằng bạn hãnh diện với bản thân trong các quyết định của mình mà không phải cố tỏ ra hay làm hài lòng ai khác. Đây là một điều rất cá nhân, và không ai có thể nói cho bạn biết điều gì sẽ khiến bạn cảm thấy “chân thực”; chỉ riêng mình bạn mới có thể nhận ra nó.

2/ Xác định giá trị của bạn

Giá trị của bạn là những niềm tin cốt lõi trong cuộc sống. Chúng có thể mang tính tôn giáo hoặc tâm linh, nhưng chúng phản chiếu tính cách của bạn và những điều khiến bạn thỏa mãn nhất. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi bạn không sống theo những giá trị của mình, bạn có thể cảm thấy bất hạnh và không có động lực. Bạn cũng có khả năng trì hoãn nhiều hơn vì không còn thấy ý nghĩa trong các hoạt động của mình.

Nếu bạn chưa bao giờ suy nghĩ đủ sâu về những điều mình trân trọng trong cuộc sống – hoặc những nhu cầu và khát vọng của người khác luôn được ưu tiên đặt trên nhu cầu bản thân, việc xác định có thể sẽ khó khăn hơn. Hãy dành thời gian nhìn lại những trải nghiệm quá khứ và nghĩ về điều khiến bạn cảm thấy “hài lòng” về cuộc sống của mình.

3/ Tự vấn bản thân

Nhiều người không bao giờ chịu ngồi xuống để thực sự nghĩ xem những giá trị của họ là gì. Hãy dành thời gian cho bản thân và tự hỏi những gì khiến bạn cảm thấy “hài lòng”, và những hoạt động nào chẳng mang lại chút giá trị nào.

Nghĩ về những lúc bạn cảm thấy hạnh phúc nhất. Bạn đang làm gì lúc đó? Ai đã ở bên bạn? Tại sao bạn nghĩ việc đó có liên quan tới cảm giác hạnh phúc của bạn? Bạn có thể làm gì để sống lại cảm giác đó trong những mặt khác của cuộc sống?

Nghĩ về những lúc bạn cảm thấy thỏa mãn và hài lòng. Nhu cầu hay khát vọng nào đã được thỏa mãn? Trải nghiệm ý nghĩa gì lúc đó? Tại sao bạn lại nghĩ như vậy?

Có chủ đề nào khiến bạn hứng khởi khi nghĩ hay bàn về nó không? Điều gì trong những chủ đề này đã ảnh hưởng tới bạn?

Hãy cân nhắc bạn sẽ cứu thứ gì nếu ngôi nhà bốc cháy (giả sử mọi người và thú cưng đã an toàn rồi). Những món đồ đó có ý nghĩa gì đối với bạn? Chúng cho biết điều gì về những giá trị bạn cho là quan trọng?

Nếu bạn có thể thay đổi chỉ một điều trong gia đình, cộng đồng, nơi làm việc, lối xóm, hoặc thậm chí cả thế giới, bạn sẽ thay đổi điều gì và tại sao bạn lại thay đổi nó?

4/ Hãy tìm ra các cấu trúc và điểm chung trong những câu trả lời của bạn

Một khi bạn đã nghĩ về những câu trả lời cho các câu hỏi trên (và thậm chí có cả những câu hỏi của riêng mình), hãy xem xét những câu trả lời đó. Điều gì có thể khiến bạn hạnh phúc và hỗ trợ mục đích sống của bạn? Điều gì không hẳn đã thỏa mãn như bạn kỳ vọng? Hãy nhìn vào danh mục các giá trị phổ biến tại MindTools để xác định cho chính mình.

Ví dụ, có thể bạn nhớ đã hãnh diện về bản thân khi tự mình đạt được điều gì đó. Việc này chỉ ra những giá trị như sự độc lập, khả năng tự lực và tham vọng.

Bạn cũng có thể cảm thấy thỏa mãn nhất khi thể hiện bản thân qua những tác phẩm nghệ thuật. Điều này cho thấy những giá trị như sự sáng tạo, tìm tòi và khả năng tưởng tượng.

Có thể bạn thấy hạnh phúc nhất khi giúp lũ trẻ với đống bài vở, hoặc giúp hàng xóm việc sân vườn. Điều này chỉ ra những giá trị như sự hỗ trợ, cộng đồng và việc đóng góp tích cực cho xã hội.

Hãy nhớ rằng giá trị của bạn là “của bạn”. Đừng đánh giá chúng theo bất cứ tiêu chuẩn nào khác. Một số người đề cao sự Bột Phát hoặc tính Cạnh Tranh, trong khi những người khác lại có giá trị là Sự Quy Củ hay Làm Việc Nhóm. Không có phương án nào “tốt hơn” những phương án khác cả.

5/ Hãy nghĩ về những gì bạn thích làm

Hãy nhìn lại mình và xem có đúng là bạn đang làm điều mình thích và chẳng qua chỉ là không làm thường xuyên mà thôi. Xác định bạn thực sự thích gì và chuyển hóa nó một cách tích cực thành đam mê có thể giúp bạn biết được những khao khát trong tim. Đây là một vài câu hỏi dành cho bản thân:

- Mục đích của mình là gì?

- Phần lớn thời gian mình làm gì?

- Mình luôn cố gắng làm điều gì?

- Điều gì là đặc trưng của mình?

- Nếu mình có thể làm một điều cho tới cuối đời, đó sẽ là gì?

- Mình thích làm gì?

- Mình sẽ làm gì, thậm chí nếu như không được trả công?

- Việc gì khiến mình cảm thấy như chẳng còn bất cứ điều gì khác?

- Hoạt động nào phù hợp với con người mình nhất?

- Điều gì khi làm khiến mình cảm thấy “đúng đắn”, “hay ho” hay “được kết nối”?

6/ Nghĩ về những điều bạn luôn mơ ước được làm

Điều này khác với việc lên danh sách mọi thứ khiến bạn cảm thấy hạnh phúc. Bạn sẽ liệt kê tất cả những điều bạn mơ ước được làm, nhưng chưa thực hiện vì bạn không có thời gian, không có tiền, hoặc bởi vì chúng không thực tế hay có phần đáng sợ nữa. Sau đây là một số câu tự hỏi bản thân:

- Điều gì mình luôn mơ ước thực hiện nhưng chưa bao giờ làm được?

- Điều gì mình muốn làm khi còn nhỏ?

- Mình có ước mơ phi thực tế nào đã từ bỏ không?

- Mình thích đọc hay tưởng tượng về điều gì?

- Có điều gì khiến mình sợ không dám thử vì sẽ đẩy mình rơi khỏi vùng an toàn?

- Có điều gì mình luôn muốn làm nhưng chưa làm được vì lý do tài chính?

- Có điều gì mình luôn muốn làm nhưng chưa thử vì lo sợ thất bại hoặc chẳng qua chỉ vì không đủ khả năng?

- Có điều gì mà một người mình biết làm khiến mình thấy hứng khởi?

- Mình sẽ làm gì nếu không bị ràng buộc?

7/ Hãy thử một bảng hình dung

Một bảng hình dung – hay còn gọi là bảng ước mơ hay bảng sáng tạo – có thể hữu ích trong việc khám phá đam mê. Một số người hay tư duy bằng thị giác và phản ứng khá tốt với việc thu thập những thứ đại diện cho những tư tưởng ý nghĩa.

Thu thập những hình ảnh và câu trích dẫn gợi cảm hứng có ý nghĩa đối với bạn. Bạn muốn là ai? Bạn muốn gì trong cuộc sống của mình? Bạn muốn tạo ra điều gì?

8/ Quyết định điều gì có ý nghĩa nhất đối với bạn

Cuộc sống là thỏa hiệp. Bạn không có thời gian hay năng lượng để làm tất cả mọi thứ, nhưng điều quan trọng là cần phải quyết định xem những ưu tiên của mình là gì. Việc xác định được mình trân trọng điều gì nhất trong cuộc sống sẽ tránh cho bạn khỏi những phiền toái bực bội của việc cố gắng có được tất cả mọi thứ, mà điều này hiển nhiên là không thể.

Đam mê công việc có quan trọng không? Bạn có thể sẽ phải hi sinh những mặt khác trong cuộc sống, như sở thích hay sự an toàn về mặt tài chính.

Có tiền để theo đuổi đam mê du lịch hay một sở thích nào đó có quan trọng với bạn không? Bạn có thể phải làm một công việc ổn định, lương cao nhưng kém phần thú vị để chi trả cho đam mê này.

Càng cụ thể càng tốt. “Hạnh phúc” và “Thành công” là hai khái niệm quá mơ hồ. Hãy dựa trên chính những cảm nhận của mình về giá trị và việc tận hưởng để xác định xem điều gì khiến bạn hạnh phúc.

Cho dù có phải đánh đổi và thỏa hiệp, bạn sẽ cảm thấy hài lòng hơn – và do đó đam mê hơn khi chính mình làm chủ lựa chọn của bản thân. Không phải kỳ vọng của ai khác, mà chính bạn đứng sau lựa chọn của mình.

Lên ‘’to-do-list’’

1/ Đặt mục tiêu

Mục tiêu này có thể lớn lao, như là “tìm một công việc mới”, hoặc nhỏ hơn như là “theo một khóa nghệ thuật”. Để đặt được mục tiêu trong tầm với, hãy cân nhắc những điều sau:

- Ai chịu trách nhiệm cho việc đạt được mục tiêu này? Trong đa số trường hợp người đó là bạn, nhưng nếu mục tiêu bao gồm cả những người khác nữa, như “dành nhiều thời gian hơn cho gia đình” – thì những người này cũng có trách nhiệm trong việc hiện thực hóa mục tiêu.

- Chi tiết mục tiêu của bạn là gì? Một trong những lý do mọi người không đạt được mục tiêu là do chúng quá mơ hồ. Hãy đặt mục tiêu càng cụ thể càng tốt. Ví dụ, “học để có chút chất nghệ sĩ” nghe quá to tát. “Theo một lớp vẽ để khám phá phần nghệ sĩ trong con người mình” sẽ dễ thực hiện hơn.

- Khi nào bạn sẽ hoàn thành mỗi chặng của mục tiêu? Nhiều mục tiêu, đặc biệt là những mục tiêu lớn hay phức tạp, cần chia thành nhiều giai đoạn. Hãy xác định khi nào bạn cần hoàn thành mỗi chặng. Ví dụ “Tìm một khóa nghệ thuật quanh đây tuần này. Đăng ký lớp và mua đồ dùng tuần tới. Bắt đầu học vào tuần sau nữa”.

- Những mục tiêu này sẽ thực hiện ở đâu? Có nhiều mục tiêu, chẳng hạn “tập thể dục nhiều hơn”, có ý tưởng về nơi chốn định làm có thể sẽ hữu ích. Ví dụ, nếu bạn muốn tập thể dục 3 lần một tuần, hãy xác định bạn muốn tới phòng tập, đi chạy, tập tại nhà hay theo lớp.

- Bạn sẽ hoàn thành mỗi chặng như thế nào? Câu hỏi này giúp bạn xác định khung mục tiêu. Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là “Du lịch nước Pháp”, hãy xác định những gì cần làm cho từng giai đoạn, ví dụ “tìm kiếm trên các trang du lịch”, “nói chuyện với những người bạn đã từng tới Pháp”, “đặt vé”, “lấy hộ chiếu…

- Tại sao bạn lại đang làm điều này? Động lực sáng tỏ sẽ khiến bạn dễ đạt được mục tiêu hơn. Việc hoàn thành mục tiêu này sẽ giúp bạn thỏa mãn đam mê thế nào?

2/ Tránh xa thói “Ừ - Nhưng”

Bậc thầy phát triển bản thân Martha Beck dùng thuật ngữ này để chỉ nỗi sợ khiến bạn tránh xa việc thử những điều mới lạ. “Ừ” chính là sự phấn khích hoặc cảm hứng thúc đẩy bạn tìm kiếm niềm đam mê. “Nhưng” là khởi đầu của nỗi sợ hãi đẩy bạn xa rời việc theo đuổi nó.

Lần tiếp theo nếu bạn thấy mình nghĩ “Ừ, chu du thế giới/ xây chuồng chim/ tìm một công việc mới… sẽ hay ho đấy, nhưng…” hãy dừng ngay ở đó.

Hãy tự hỏi: có phải bạn thực sự không vượt qua được chữ “nhưng”, nói cách khác là khó khăn hoặc chướng ngại là gì? Hay bạn chỉ cần một chút sáng tạo để khéo léo xử lý nó?

Ví dụ, mục tiêu của bạn có thể là “Mình muốn du lịch thế giới, nhưng mình không có tiền”. Có vẻ đây là một trở ngại không thể vượt qua, nhưng thực ra có vài cách thu xếp. Ghi nhớ mục tiêu để tiết kiệm tiền. Bán tất cả đồ đạc và dùng tiền lời đi chơi. Đi nhờ xe và trông chờ vào lòng tốt từ người lạ. Luôn có những cách thực hiện những điều quan trọng đối với bạn.

3/ Sức mạnh của sự quyết tâm

Một trong những điều dễ hủy hoại việc theo đuổi đam mê nhất là nỗi sợ hãi. Khi sợ hãi làm chủ quyết định của bạn, bạn không còn mạo hiểm hay cho phép mình bị tổn thương. Khả năng tổn thương và sự cởi mở là hai điều then chốt để kết nối với chính mình và với người khác. Nỗi sợ thường xảy ra khi bạn tập trung quá nhiều vào việc có thể xảy ra đến nỗi bạn không chấp nhận những gì đang diễn ra. Thực hành sự chú tâm có thể giúp bạn điều này.

- Thực hành nhận diện nỗi sợ. Đừng phán xét nó. Hãy thừa nhận những cảm giác của bạn ngay lúc này. Ví dụ, “Mình thấy sợ mạo hiểm lần này vì có thể nó sẽ chẳng đi đến đâu’’. Hãy tự trấn an bản thân, chẳng hạn “Mình không thể kiểm soát diễn tiến mọi việc. Mình chỉ có thể kiểm soát những hành động của chính mình mà thôi”.

- Đừng cố gắng kìm nén nỗi sợ. Kìm nén cảm xúc sẽ chỉ khiến nó quay trở lại mạnh mẽ hơn mà thôi. Thay vào đó, hãy ngồi xuống cùng cảm xúc một lát. Khám phá nó. Hãy đối xử tốt với bản thân và nhắc nhở chính mình rằng việc cảm nhận mọi cảm xúc, kể cả nỗi sợ hãi, là một điều tự nhiên.

- Hãy thử tĩnh tâm. Tĩnh tâm có thể giúp bạn khám phá cảm xúc mà không phán xét nó, và giúp bạn đi qua nỗi sợ.

- Hãy kiên nhẫn với chính mình. Tìm kiếm đam mê có nghĩa là thử nghiệm, và thử nghiệm thì mất thời gian. Bạn có thể phải thử một số ý tưởng trước khi tìm được một ý tưởng thực sự “khớp” với mình. Nhiều người thất bại trong việc tìm kiếm đam mê vì họ đã rời bỏ nó khi gặp khó khăn.

- Chấp nhận rằng bạn có thể gặp một vài trở ngại và thách thức trên hành trình tìm kiếm đam mê. Đây cũng là một điều bình thường. Hãy coi mọi thử thách là một trải nghiệm để học hỏi. Khi bạn thực sự tìm thấy đam mê, bạn đã tích lũy được cả một kho tàng kinh nghiệm và học vấn từ việc theo đuổi nó.

- Hãy đối xử tốt với bản thân. Một số người có thể phán xét về đam mê của bạn, họ nghĩ rằng nó ngớ ngẩn, ấu trĩ, ngô nghê, hoặc chẳng qua chỉ là tẻ nhạt. Đừng để những chỉ trích của bất cứ ai trở thành vật cản trên con đường của mình, bởi vì đam mê của bạn chính là của bạn. Bạn không nợ ai ngoài chính mình lời giải thích cho lựa chọn của bản thân.

(Còn nữa...)

(Nguồn tham khảo: wikihow, psychcentral, mindful.org,...)

***

Bạn có muốn:

- Trắc nghiệm tâm lí để thấu hiểu bản thân
- Cách để lấp đầy thời gian rảnh rỗi bằng những điều hữu ích
- Vượt qua sự ngại ngùng trong cuộc sống
- Kĩ năng giao tiếp khi không biết bắt đầu từ đâu
- Cách để xác định niềm đam mê

Hãy đăng kí nhận ngay ebook Sống từng giây - Xây từng việc --- cuộc hành trình giúp bạn vui sống mỗi ngày, để trở thành con người đẹp nhất!

Tại đây: http://huongnoihuongngoai.oopsy.vn/


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147