Trang chủ Blog Phát triển cá nhân - Quản trị cảm xúc

Tại Sao Chúng Ta Thường Trì Hoãn

By: OopsyAdmin, 2019-09-10 15:48:31

Có nhiều nguyên nhân mà một ông vua trì hoãn ra đời hoặc tạo thành, nghe đáng sợ như thể một con người thứ hai tự đẻ ra trong chúng ta vậy. Thứ trì hoãn này được cấu thành từ các "thành phần" khác nhau của ba nhân tố là thân thể, tâm lí và trí tuệ chúng ta. Không có gì ngạc nhiên, bởi dường như mọi nguồn cơn bất hạnh và vui sướng của cuộc đời chúng ta đều khởi sinh từ ba nhân tố này, chúng "quấn quít", ảnh hưởng và kích động lẫn nhau. Hãy nhớ là, không có nguyên nhân riêng lẻ cho bất cứ sự việc nào, mỗi nguyên nhân luôn có đằng sau một tá nguyên nhân khác. Ở đây, chúng ta đã phát hiện ra ba nhân tố "mấu chốt của mọi mấu chốt", "nguyên nhân của mọi nguyên nhân", việc cần làm lúc này là đi vào từng nhân tố và khám phá từ những biểu hiện bề mặt nhất, trực tiếp nhất dẫn đến thói quen trì hoãn.

TẤM THÂN CHÁN NẢN

Nguyên nhân chủ yếu là chúng ta thường Không đủ sức lực để hoàn thành một việc dài hơi. Nhưng gượm đã, thế nào là thực sự không-đủ-sức-lực đây? Điều kì quặc là chúng ta thường đủ sức cho những trò giải trí thâu đêm suốt sáng, hay vật vờ hàng giờ ngoài quán cà phê tán dóc với bạn bè, hoặc "điên cuồng" lăn chuột xem tin Facebook, vậy mà chúng ta lại ít khi có sức để làm việc!

Sao thế nhỉ? Ngồi gõ báo cáo một lúc là chúng ta chỉ muốn cựa quậy thân thể hòng chạy ra khỏi văn phòng đòi hít khí trời, hoặc lao đi pha một cốc cà phê và ngồi ăn uống thỏa thuê (một cách ra chiều bận rộn khi vừa nhìn màn hình máy tính vừa ăn).

Nôm na rằng, chúng ta có thể tạm kết luận vấn đề của Thân thể ở đây là: Khó kiên nhẫn. Điều này không phải là một tính cách, mà là một cảm giác của thân thể theo nghĩa đen - chúng ta thấy nóng bụng, bồn chồn ở chân, nhịp tim phổi không đều đặn, đầu óc khi phải nghĩ ngợi thì tự nhiên nặng trịch và đau như bị bóp hoặc buồn ngủ và mất khả năng suy nghĩ bình thường, còn cảm giác của da - thịt - cơ thì bải hoải như muốn đổ xuống.

Những sự bất ổn này là kết quả của một quá trình dài dằng dặc mà thân thể bị ở trong tình trạng thiếu rèn luyện. Đừng vội nghĩ đến rèn luyện tức là chạy bộ hay các hoạt động thể thao sôi nổi hừng hực khác nhé, có khi chính những hoạt động đấy lại khiến chúng ta "điên lên" muốn chạy bộ khi đang phải ngồi tịt một chỗ để gõ báo cáo đấy!

Sự rèn luyện cần xem xét đến ở đây là thói quen sống lành mạnh. Thế nào là lành mạnh? Không hút ma túy và tránh sa vào các tệ nạn xã hội là lành mạnh chứ gì nữa? Thực ra đó chỉ là điều tối thiểu và đương nhiên của sự lành mạnh. Điều mà chưa chắc chúng ta đã biết, hoặc có thể thừa biết nhưng ít khi để tâm, đó là xây dựng (hẳn hoi là xây dựng - tức là nghiêm túc đặt ra với chính mình) những kỉ luật sống, hay gọi là những nhịp sinh hoạt đều đặn cho thân thể. Nghe thì đơn giản, nhưng mấy ai làm được! Và đó chính là nguyên nhân nổi cộm của việc trì hoãn từ thân thể mà ra.

Hãy tưởng tượng thế này, thân thể như một nhà máy (hay là một công ti cũng được). Như mọi nhà máy trên thế giới, chủ nhà máy (chúng ta đấy!) cần đặt ra một khung giờ làm việc và các quy tắc cho các công nhân của mình tuân theo, để đảm bảo sự vận hành ổn định và tiến trình các công việc của nhà máy được diễn hóa đúng quy trình. Sẽ thế nào nếu nhà máy này hoạt động bừa bãi, thích gì làm nấy? Chẳng hạn như, hễ lúc nào bộ phận nhập nhiên liệu (miệng, thực quản) đưa thêm nhiên liệu vào, thì bộ phận xử lí nhiên liệu (hệ tiêu hóa - đường ruột) phải lập tức xử lí thứ nhiên liệu này - dù không cần biết nó đã xử lí xong hết số nhiên liệu từ đợt trước đấy chưa (giống như chúng ta thích ăn lúc nào thì ăn, thích uống lúc nào thì uống vậy), cứ như thế, nhà máy sẽ lộn xộn và các công nhân của chúng ta sẽ đình công! “Chỉ huy của chúng tôi đâu?”, các công nhân hoang mang và hỗn loạn hỏi nhau (nói thế là hiền lành chán, vì lúc ấy chắc các công nhân - các bộ phận thân thể - hoặc là kiệt quệ lắm rồi, hoặc là sẽ thi nhau nổi loạn phá hoại).

Và ở bề mặt, thực ra chúng ta không nhận thức nổi cơn khủng hoảng của thân thể mình, chỉ cảm thấy muốn trì hoãn, lười biếng, thích tham gia vào các hoạt động giải trí mang tính hời hợt và nổi loạn để tìm cảm giác nghỉ ngơi thỏa mãn, hơn là làm một điều gì đấy mang tính cống hiến, dài hơi và nghiêm túc. Khá ích kỉ nhỉ, nhưng đó là điều dĩ nhiên thôi, khi thân thể chúng ta không được rèn luyện lành mạnh thì làm sao chúng ta có thể trở nên cống hiến, nghiêm túc và kiên nhẫn được?

TÂM CẢM CHÁN CHƯỜNG

• Sợ áp lực

Một trạng thái thường xảy ra trong tâm lí và đưa đến thói trì hoãn là nỗi sợ áp lực.

Loại áp lực nào mà khiến chúng ta sợ? Không kể đến các áp lực dồn dập khi chúng ta đang vắt chân lên cổ vì sát nút deadline - đấy là một kiểu áp lực mà có lẽ nếu sợ nó thì chúng ta đã chẳng trì hoãn! Đây là một kiểu khác, thường được lấy làm cái cớ cho sự trốn tránh và trì hoãn trong tâm lí chúng ta: Như đã nói về sự kết nối giữa thân thể - tâm lí – lí trí, áp lực này liên quan khá rõ ràng đến sự thiếu kiên nhẫn của thân thể, đó là: Áp lực của việc phải tập trung và nỗ lực.

Hãy để ý đến vòng quay luẩn quẩn này: Chúng ta không chịu (không phải là không thể) tập trung và nỗ lực → do đó chúng ta sợ việc phải tập trung (nghĩ, sáng tạo) và nỗ lực (chịu khó nhọc) → chúng ta sợ bởi vì chúng ta không tập trung và nỗ lực. Từ vòng quay luẩn quẩn này, chúng ta đang có một mệnh đề:

Sợ cố gắng = Không chịu cố gắng

Nói một trong hai là nguyên nhân của cái còn lại thì cũng phải, nhưng chính xác hơn, chúng chỉ như nhau.

Vậy thì hãy đi sâu hơn một chút về lí do vì sao chúng ta sợ phải cố gắng (hay không cố gắng).

Đằng sau tất thảy nỗi sợ mơ hồ luôn tồn tại những nguyên nhân rõ ràng khiến nó được hình thành. Một trong những nguyên nhân có thể suy ra được (từ kết quả của các nhà nghiên cứu tâm lí, hoặc kết quả của việc ngồi lại và tự nhìn mình một lúc), đó là, sự không chịu cố gắng là kết quả của một quá trình tích lũy các loại tổn thương mà chúng ta từng gặp trong suốt những thời gian sống trước đó.

Hóa ra, sợ áp lực là một kết quả của sự tổn thương.

Nhưng đừng vội cho rằng tổn thương giống như những bi kịch phim ảnh mà chúng ta bị rơi vào, vì như thế vẫn là chúng ta đang lấy cớ cho mình đó thôi. Thực chất, tổn thương thường được tạo ra bởi chính chúng ta, hẳn rồi, chúng ta thường tích lũy các loại tâm trạng tiêu cực thay vì tích cực khi đối diện với các sức ép khác nhau mà cuộc sống đặt ra cho chúng ta.

Chúng ta quen than vãn hơn là giải quyết, quen oán trách hơn là tha thứ, quen nhìn vào người khác hơn là tự nhìn mình. Từ đó những hạt mầm của nỗi sợ đã được gieo xuống trên mảnh đất của trái tim chúng ta, và đến khi cây lá hình thành, một trong các "trái ngọt" của nó là: Sự trì hoãn, sự bàn lùi, sự mặc cả với chính mình. Chúng ta chỉ đơn giản là: "Thụ hưởng" những gì do chính mình tạo ra. Vậy đấy.

Đó là một điểm nhỏ trong tâm lí, giống như bạn vừa bước vào một tổ ong mang tên "trì hoãn" và mở một trong số các ô cửa vậy.

Tiếp theo, hãy nhìn đến một nguyên nhân khác của sự trì hoãn, cũng xuất phát từ tổ ong tâm lí này:

• Mong chờ kích thích từ những phút giây cuối

Điều kì quặc là tâm lí chúng ta tin rằng những kích thích và xung động trong những phút cuối (last minute) của việc hoàn thành deadline lại hiệu quả hơn những lúc mà chúng ta làm việc trong trạng thái ổn định và bình tĩnh. Bởi vậy, chúng ta bắt đầu đẻ ra suy nghĩ: Dồn việc đến phút cuối nhằm tạo động lực cho bản thân.

Nhưng sự thực, đây lại là một cái cớ không hơn. Chúng ta có mấy khi làm việc trong sự ổn định và bình tĩnh, để đánh giá được hiệu quả của nó?

Chúng ta thích những sự kích động và hào hứng mà cafein mang lại khi uống cà phê, cũng như cảm giác sảng khoái giả tạo ngắn ngủi mà chất endorphine trong thân thể sinh ra khi chúng ta bị tác động bởi các nhân tố mang-tính-sức-ép. Nhưng những cảm hứng này dù tươi đẹp đến đâu, cũng chẳng kéo dài bao giờ, và sớm muộn những người chọn cách hoàn thành công việc kiểu phút cuối sẽ đối mặt với một sự căng thẳng không hề nhẹ.

Lại một vòng quay khác nữa (bạn thấy đấy, các tâm lí luôn là những vòng quay): Trải qua căng thẳng -> chúng ta thấy như được giải thoát, rồi lại lao vào giải trí hưởng thụ và trì hoãn -> lại dồn việc đến phút cuối -> lại căng thẳng. Cứ như vậy, cứ như vậy.

Cũng chẳng có quá nhiều điều đáng nói, bởi nguyên nhân nổi bật nhất là vì: Chúng ta đang sống một đời chán ngắt! Thôi nào, đừng biến mình thành "kẻ lười biếng nhưng nghĩ mình thông minh và đủ năng lực" nữa, bạn định hưởng ứng với trò tự thôi miên của tâm lí mình đến bao giờ?

Những kẻ trì hoãn như chúng ta quen sống theo tâm cảm chứ không quen sống theo kỉ luật và lí trí, chúng ta không dành cảm xúc cho sự cống hiến tích cực mà dể dành nó cho sự nuông chiều cá nhân, vì vậy dễ hiểu thôi, điều ý nghĩa trong cuộc đời chúng ta cuối cùng chỉ còn lại là: Những kích thích ngắn ngủi và ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Thế đấy, chúng ta luôn bị động trước các sức ép nhưng lại mong chờ những kích thích để khiến mình chủ động! Và như thế, một nỗi kiệt sức mệt nhọc cứ dần dần giăng đầy trong tâm trạng chúng ta, biến chúng ta thành một kẻ ngụy biện, lấy tuyên ngôn về động lực và kích thích chớp nhoáng làm lớp vỏ bọc cho thói mặc cả bạc nhược.

TINH THẦN LƯỜI BIẾNG

Không lạ gì, sự trì hoãn cũng đến từ tâm lí ngại việc (đặc biệt, đây là tâm lí xuất hiện nhiều ở những người thường xuyên "sinh sống" trong văn phòng kín).

Cứ tưởng tượng thế này, anh bạn tâm lí của chúng ta sống trong một căn phòng (là thân thể chúng ta), ngày ngày anh ta phải đối diện với các hoạt cảnh gần giống nhau lặp đi lặp lại, mọi thứ ở nguyên chỗ, chỉ thỉnh thoảng anh ta nhận một chút sức ép từ những nhiệm vụ mà sếp giao cho căn phòng (tuy là cả thân thể - tâm lí - lí trí cùng thực hiện nhưng thân thể vẫn luôn là phần “đứng mũi chịu sào”), hay những vui vẻ bâng quơ thu nhận từ các tâm lí khác trong các căn phòng khác (các căn phòng khác là các đồng nghiệp khác của chúng ta ấy mà).

Hết giờ làm là căn phòng lại về một căn phòng lớn hơn bằng gạch đá để ăn ngủ giải trí. Tâm lí của chúng ta không có điều gì cao cả cần hướng tới, không thật sự phải sống vì lí tưởng nào, cũng chẳng nhất thiết phải làm mọi thứ (cùng thân thể và trí óc) với mục đích vì điều gì đó khác ngoài chính nó, mọi sự chỉ là: Hoàn thành việc được giao và nhận tiền khi đến hạn - cả tâm lí, thân thể, trí óc của chúng ta tồn tại chỉ để như thế thôi!

Trừ khi có những kích thích (lại là kích thích) nghiêm trọng như công việc và tiền lương bị đe dọa, hầu như hiếm có gì khiến tâm lí phải lo lắng để bảo vệ cho sự yên ổn của nó. Vậy mà, điều kì quặc là anh chàng tâm lí này cũng dễ dàng "điên tiết" khi bị nhờ vả, cũng vẫn chán nản khi phải nhận thêm nhiệm vụ. Bởi khi đó, mục đích duy nhất mà anh ấy hướng tới là: Thu nhận càng nhiều càng tốt và không muốn phải mất đi điều gì!

Tâm lí thật...vô lí, nó chưa hiểu quy tắc tối thiểu là muốn được phải mất, ngọc muốn sáng đẹp thì phải chịu bị mài, muốn hoàn thành việc thì phải bắt đầu làm!

Cũng đúng thôi, vì nó chưa bao giờ được dạy như thế, hoặc đã quên mất điều này sau một thời gian đằng đẵng sống trong một hoàn cảnh cố định - không phải cống hiến vì điều gì. Điều này nghe thực giống một thuật thôi miên: Khi chúng ta đối diện với một chuyện gì lặp đi lặp lại, chúng ta nghiễm nhiên chấp nhận chuyện ấy bất kể đúng sai.

Kiểm tra lại đời mình sẽ thấy, khi đi học, chúng ta đã quen cứ đến giờ thi là phải lén lút hỏi bài bạn, cho đến khi thấy quay cóp nghiễm nhiên là hợp lí; lúc đi làm, nhiều cô gái quen trang điểm, cho đến khi thấy người khác để mặt mộc lúc ra đường thật là lạc hậu lắm!

Vậy đấy, tâm lí từ đây có một kiểu cách kì quặc: Mang tiếng là đi làm nhưng lại ngại việc. Đã ngại việc, bèn sinh ra trì hoãn.

© OOPSY - CỘNG ĐỒNG DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI ĐAM MÊ TÂM LÍ HỌC VÀ TÂM LÍ TRỊ LIỆU

----------------------------------------------

Trích sách: LẬT ĐỔ ÔNG VUA TRÌ HOÃN - OOPSY


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147