Trang chủ Blog Phát triển cá nhân - Quản trị cảm xúc

Tuyệt Vời Làm Sao, Vượt Qua Sợ Hãi - Hèn Yếu - Bạc Nhược, Bạn Có Thể Trở Nên Mạnh Mẽ - Trí Tuệ Và Thấu Biết Đến Thế

By: OopsyAdmin, 2019-12-12 14:54:05

Có lần tôi viết trong cuốn sổ nhỏ của mình, đại ý:

Hiểu mình chính là bước khởi đầu và kết thúc của một cuộc trị liệu.

TRONG TÌNH TRẠNG BẤT HÒA VỚI CHÍNH MÌNH, TA SẼ KHÔNG CÓ NĂNG LƯỢNG NỘI TẠI ĐỂ ĐẤU TRANH VỚI CUỘC SỐNG

Nhà tâm lí học nổi tiếng người Đức - Marcinowski đã nêu lên một ý tưởng tuyệt vời trong tác phẩm nổi tiếng “Sự can đảm cho chính mình: Đời sống tinh thần của những người bệnh thần kinh và các phép chữa lành”. Ông cho rằng:

Ý chí bạc nhược là “sự nới lỏng tính thống nhất của cái Tôi trung tâm”.
“Không cần ngạc nhiên khi bãn ngã của chúng ta vô cùng phức tạp và có xu hướng vỡ làm muôn mảnh.

(…) Trong thân xác này không chỉ có ‘hai linh hồn’ thôi đâu. Trong thân xác này có triệu triệu linh hồn cùng tồn tại. Đáng mừng cho con người – kẻ có những linh hồn tách biệt – nếu chúng ta có thể triệu hồi và thúc giục chúng đi về cùng một hướng. Chúng ta sẽ có khả năng để duy trì sức khỏe bằng cách tiêu thụ năng lượng ít hơn.”

Marcinowski đã đưa ra một so sánh rất thú vị:

“Sức mạnh mà chúng ta phải ước chừng cho sự tồn tại của mình khiến các cơ quan vận hành theo một tổ chức chặt chẽ. Ý chí thể hiện bản thân càng mạnh thì tính cách con người càng biểu hiện một cách rõ ràng và toàn diện hơn. Thân thể này giống như một bộ máy chuyên chế, và chủ nhân của nó có thể đưa ra giải pháp ngay lập tức cho mọi mâu thuẫn trong cuộc sống.

Người bệnh thần kinh, xét ở khía cạnh nào đó, giống như nhà nước với nghị viện, ở đó ta thấy: cuộc tranh đấu không ngừng giữa những cái Tôi, giữa cá nhân với các nhóm đảng phái, giữa những nhân tố cải cách và trì trệ, giữa điểm mạnh và điểm yếu, giữa thỏa hiệp và âm mưu...

Hình dung như vậy để thấy sự phức tạp trong phân li nhân cách của một người bệnh thần kinh diễn ra như thế nào. Anh ta rơi vào tình trạng bên trong thì nội tâm đổ vỡ, bên ngoài thì đánh mất bản sắc cá nhân. Cơn điên, từ chỗ chỉ là một dạng bệnh lí, sẽ trở thành một cuộc hỗn loạn và bạo động. Quá trình phân li hoàn tất và nhà nước tan rã thành từng mảnh. Nó sụp đổ.”

Theo đó, chúng ta thấy rằng con-người-bất-toàn là cá thể đang ở trong tình trạng tương tự như một số tiểu bang. Ta cần phải nỗ lực trong mọi hoàn cảnh để đạt được thỏa thuận nếu muốn sống trong hòa bình. Chỉ khi thực sự đạt đến sự đồng thuận, ta mới có thể cân bằng với những yêu cầu của cuộc sống này. Trong tình trạng bất hòa với chính mình, ta sẽ không có năng lượng nội tại để đấu tranh với cuộc sống.

Vì vậy, con-người-bất-toàn phải phấn đấu trở thành con-người-toàn-hiện.
Nhưng bằng cách nào? Đó là một câu hỏi rất khó.

HẠNH PHÚC VÀ THÀNH CÔNG, ĐÓ LÀ HÀNH VI, CHỨ KHÔNG PHẢI CHỈ LÀ MỤC ĐÍCH


Bí ẩn lớn nhất của hạnh phúc và thành công đó là tìm ra một lối đi “chênh vênh” giữa tất cả những ảnh hưởng trái ngược nhau của đạo đức và tôn giáo, bổn phận và bản ngã mà không đánh mất chính mình, cũng không vượt quá ranh giới của những quy luật muôn đời.

Marcinowski đã nói rằng, hạnh phúc và thành công, đó là hành vi, chứ không phải chỉ là mục đích. Nó cho thấy giá trị trong từng hành động của chúng ta. Chính vì hoàn hảo ắt sẽ chỉ “hoàn hảo” so với tiêu chuẩn, khuôn thước bên ngoài.

Con-người-toàn-hiện là con người đạt được trạng thái thống nhất thân - tâm - trí một cách trọn vẹn, thay vì nội tâm tan vỡ, nhân cách phân li, thống khổ dằn vặt.

Vậy, chúng ta cần phấn đấu tới cùng để đi đến hợp nhất giữa bên trong với bên ngoài, giữa nội tâm và ngoại hiện.

Nỗ lực đến khi suy nghĩ của ta có thể hoàn toàn đồng thuận với ý chí, một Ý-chí-sống tối thượng. Khi đó những hành động của ta sẽ luôn đúng đắn và xuôi thuận.

Có thể hiểu ý của Marcinowski như sau:

Dũng khí đối diện với chính mình có nghĩa là dũng khí để hiểu về bản chất con người mình. Điều này giúp ta có thể buông bỏ đi nhiều thứ làm chúng ta phân tâm, lạc lối.

Dũng khí đối diện với chính mình cũng có nghĩa là can đảm bao dung, thấu hiểu với tất cả động lực tâm lí bên trong con người mình.

Dũng khí đối diện với bản thân đòi hỏi phải có trí tuệ, và buông bỏ nhiều thứ bằng đôi mắt mở to.

Nói cách khác, nó đòi hỏi việc buông bỏ những cân nhắc hèn mạt, chứ không phải từ bỏ hành động. Thay vì để mình chạy theo nỗi đố kị với người khác, chúng ta nên đứng ở một nơi đủ cao để có thể tự nhìn nhận chính mình.



Nhưng thường thì chúng ta phán xét bản thân nhiều hơn là nhìn nhận, chúng ta dằn vặt mình nhiều hơn là hiểu mình bằng lí trí. Chúng ta đôi khi quá khoan hồng, đôi khi lại quá hà khắc với bản thân, đi từ cực đoan này tới thái quá khác.

CHỈ KHI NGỪNG PHÁN XÉT, CHÚNG TA MỚI BẮT ĐẦU THỰC SỰ HIỂU ĐƯỢC MÌNH

Biết được con người thật sự của mình là gì, chúng ta mới có thể trở thành con người mà mình muốn trở thành – một con người cao thượng, có phẩm giá.

Đa phần chúng ta trưởng thành trên nền tảng không hề chắc chắn. Nền giáo dục của chúng là một sự pha trộn kì lạ giữa sự trung thực giả tạo và sự dối trá được che đậy, giữa lòng can đảm được tô vẽ và sự yếu hèn từ sâu thẳm, giữa quy ước xã hội và khát khao độc lập.

Đứa trẻ nghe người khác bảo với chúng rằng: “Con không được nói dối!” Tuy nhiên một lúc sau mẹ chúng lại nhờ người giúp việc nhắn với khách là bà ta không có nhà.

Đứa trẻ được bảo rằng đừng sợ hãi, hãy can đảm lên. Nhưng nó lại được bao bọc, che chở kĩ lưỡng đến mức bí thở. Nó loay hoay không biết nên trưởng thành thế nào, mạnh mẽ ra sao...

“DŨNG KHÍ ĐỐI DIỆN VỚI BẢN THÂN MÌNH” có phần đau đớn, có phần sợ hãi, có phần trốn tránh, có phần mỏi mệt…

Nhưng chắc chắn chúng ta sẽ thấy tốt hơn nếu chúng ta nhận thức rõ về tình trạng của mình. Trí tuệ không bao giờ hại chúng ta. Để cho suy nghĩ của mình thảnh thơi, lúc đó ta sẽ thấy thấu suốt mọi thứ.

Marcinowski nhắc nhở chúng ta qua một câu tuyệt vời của Else Varnhagen:

Chỉ có tự do hoàn toàn mới thực sự là vĩnh cửu!

Chúng ta hãy nắm giữ điều này trước tiên. Tự do trong suy nghĩ và dũng cảm đối diện với bản thân sẽ dạy cho ta biết làm những điều tốt đẹp, giúp ta thoát khỏi nỗi sợ bị trừng phạt (nơi trần thế hay thiên đàng). Chỉ còn lại lòng tôn kính từ chính tình yêu với những điều tốt đẹp, từ sự lựa chọn tự do của chính mình mà không bị ép buộc hay ra lệnh.

Con-người-toàn-hiện chỉ sợ duy nhất sự phán xét của linh hồn mình và chỉ cúi đầu khi nhận lãnh sứ mệnh, với một niềm tin vào những điều cao đẹp hơn nhân gian này.

Chúng ta có thể tuyệt vọng vì thống khổ, nhưng chúng ta có thể vươn lên.

Chúng ta có thể giằng xé vì cô độc, nhưng chúng ta có thể cùng nhau làm một điều gì đó đẹp đẽ.

Chúng ta xấu hổ vì sự hèn yếu bạc nhược của mình, nhưng chúng ta có thể thực sự trở nên mạnh mẽ, ý chí nhờ tôi rèn.

Chúng ta có thể mù quáng, sợ hãi, điên rồ, nhưng chúng ta có thể trở nên thấu biết, trí tuệ.

Chúng ta là tất cả những tồi tệ, xấu xa, bạc ác của đời, nhưng chúng ta cũng là tất cả những điều tốt đẹp, thánh khiết, thuần lành trên thế gian.

Hãy nhớ rằng:

Chúng ta vốn là Con-người-bất-toàn. Nhưng chúng ta có thể trở nên một Con-người-toàn-hiện bằng tất cả ý chí mạnh mẽ, nỗ lực không ngừng, trí tuệ sáng suốt và nội tâm cao đẹp của chính mình.
 


Trích Cái Tôi được yêu thương - Wilhelm Stekel, dịch Lam Anh (một dịch giả OOPSY)

 


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147