Trang chủ Blog Phát triển cá nhân - Quản trị cảm xúc

Vì sao người Việt phát cuồng vì bóng đá?

By: OopsyAdmin, 2018-09-02 09:20:09

Chiến thắng nhọc nhằn nhưng xứng đáng của tuyển U23 Việt Nam trước đội bóng Tây Á đã đưa chúng ta lần đầu tiên góp mặt ở bán kết và có cơ hội chạm tay vào Huy chương vàng Asiad 2018. Xin chúc mừng đội tuyển U23 Việt Nam và những người hâm mộ đội bóng nước nhà! Xin chúc mừng huấn luyện viên người Hàn Quốc Park Hang Seo cũng như anh em đội tuyển đã lập chiến công!

Chắc chắn giờ này các “fan” hâm mộ trên cả nước vẫn còn đang đang ăn mừng tưng bừng trước chiến thắng này. Vì sao chúng ta lại đề cập đến một trận đấu bóng trên fanpage của Oopsy ngày hôm nay? Bởi điều gì cũng có động lực tâm lí đứng sau đó và ta có thể giải thích được dưới góc độ tâm lí học. Một trận đấu bóng và những người tham gia cổ vũ cũng như thế.

bóng đá, tâm lý, oopsy

1. Có bao giờ bạn thắc mắc vì sao một trận đấu bóng, chỉ có 22 cầu thủ trên sân tranh nhau một quả bóng, và một vị trọng tài (một vị chính và 2 trọng tài biên) trong hơn 90 phút (trận này là hơn 130 phút) lại khiến nhiều người hâm mộ đến thế?

Tại sao chỉ có hơn hai chục con người trên một mảnh sân hình chữ nhật bé bé cùng một trái bóng bé xíu màu trắng (chu vi của nó là từ 69cm - 71cm và trọng lượng là 397g - 453g) lại có thể làm chúng ta hò hét vì nó, sung sướng nếu sút trúng gôn, và sầu đời chỉ vì thua trận?

Tại sao kì quặc thế nhỉ?! Có thật là chúng ta yêu thích trò chơi này tột độ, hay là có điều gì khác đứng sau đó mà ta tưởng ta biết nhưng lại không?

Xem bóng đá là phải xem chung với nhiều người. Anh em đồng nghiệp hò nhau ra quán làm cốc bia hò hét vang dội. Thậm chí có công ti còn phấn khích đến nỗi tổ chức hẳn một phòng riêng, cho nhân viên nghỉ làm để xem. Còn có nhà bỏ hết cơm nước chỉ để chúi mắt vào cái màn hình tivi phẳng. Xem xong rồi nấu! 
Có nhà còn chuẩn bị đồ ăn sẵn sàng chờ phục vụ cho trận đấu bóng đêm mùa World Cup. Cho dù đó chỉ là bát cháo, bát mì, miếng bánh mì không hay quả dưa chuột, chẳng phải cao lương mĩ vị gì nhưng chẳng hiểu sao ăn lúc đó vừa ăn với cả nhà vừa xem trận lại thấy ngon thế nhỉ!? Xem một mình cũng có đầy đủ những thứ ấy nhưng không thấy vui với ngon bằng.

Tại sao xem bóng nhiều người mới vui, còn xem một mình thì chán chết? Lúc xem bóng, chẳng cần biết tôi ghét anh hay ghét chị, anh chị có thứ gì hơn tôi, anh là sếp hay nhân viên, già hay trẻ, hay hôm qua thằng này vừa chơi đểu mình, thì khi ngồi xem bóng, tất cả những thứ cảm xúc này dường như được dẹp sang một bên, nhường chỗ cho một điều chung nhất họ hướng tới: CỔ VŨ CHO ĐỘI NHÀ.

Nếu để ý bạn sẽ thấy, tất cả những người xem bóng trong nhóm đều hò hét chung một tông giọng: YEEEEEE, Ồ Ồ Ồ…, VÀOOOOOOOOOO, UI GIỜI ƠIIIIIIIII… Cùng nhẩy cẫng lên, cùng đưa tay lên trời, thậm chí tìm lấy nhau để ăn mừng, chẳng cần biết đứa bên cạnh mình là đứa nào, thân hay sơ. Chỉ cần biết: chúng ta đang sướng và ăn mừng. Thật là một giây phút hiếm hoi cho tất cả mọi người! Vấn đề ở đây không phải là tâm lí đám đông.

Điều đề cập đến ở đây là tất cả mọi người đều có chung chí hướng, mục đích, làm một việc giống nhau. Điều này nhắc nhở họ về một thế giới nơi họ từng có và từng biết, nơi tất cả mọi người đều cùng làm một việc chung. Đó là thế giới CỘNG ĐỒNG.

Thế giới cộng đồng đã lùi bước nhường chỗ cho thế giới của đô thị lên ngôi, nơi có xứ sở văn phòng và những mối quan hệ hời hợt chóng vánh, nơi mỗi người có một chỗ ngồi và thế giới hình hộp đóng kín ở trong lẫn ngoài.

Mỗi trận đấu bóng này, khi mọi người ngồi chung với nhau, cùng reo hò một thứ, nó giống như phá tan khoảng cách mỗi người tự đặt ra cho mình khi sống trong đô thị. Những ngăn lập phương đóng kín bên trong thế giới mỗi người được dỡ bỏ để hòa mình vào trong một không gian lớn rộng hơn.

Chẳng có ngăn cách nào giữa người với người, chẳng có khối hình hộp nào hiện diện. Một trận đấu bóng, tiếng reo hò, giống như một cuộc đình công có mong muốn lật đổ và phá vỡ trật tự đô thị đang đè nén lên mỗi người.

Những người xem bóng cũng vậy. Họ mong muốn phá vỡ trật tự đang đính dán lên đời họ. Càng là người có nhiều sức ép và dồn nén trong cuộc sống, họ lại càng mong muốn tìm đến một thứ để giải tỏa, và những trận đấu bóng như thế này quả là điều họ muốn.

Đó là cách để họ giải tỏa những kìm nén bên trong mình. Đằng sau những tiếng reo hò, cổ vũ là những tiếng của sự dồn nén được mở chốt. (Những người ít áp lực dồn nén có khi chẳng mặn mà gì mấy với những trận đấu bóng thế này. Có chăng là tò mò ngó qua vì tiếng reo hò quá to!)

Bạn thấy đấy, xem bóng chẳng phải chỉ vì bóng!

2. Còn nói gì thêm về trò chơi bóng đá này nữa?

Tại sao chúng ta lại "cuồng" bóng đá nam hơn bóng đã nữ? Tại sao bóng đá nam vẫn luôn được quan tâm hơn bóng đá nữ, ở bất cứ đâu? Tại sao bóng đá nữ cũng có rất nhiều thành tựu, thậm chí có nhiều thành tựu hơn cả bóng đá nam với nhiều trận đấu giành ngôi quán quân? Nhưng tại sao sự ưu ái và cổ vũ dành cho đội tuyển nam vẫn luôn nhiều hơn? Đều có lí do của nó cả.

Đây không phải là vấn đề "trọng nanm khinh nữ", mà bởi vì người nam thể hiện cho tính dương, sự mạnh mẽ, sự can trường, can đảm. Người nữ đại diện cho những gì âm thầm hơn. Thi đấu trên trường quốc tế, lại là những môn mang tính chất thể lực, nên người nam luôn được quan tâm hơn cả. Đó là lí do vì sao chúng ta lại ưa thích bóng đá nam hơn bóng đá nữ.

3. Mục đích của một trận đấu bóng là: SÚT BÓNG VÀO LƯỚI, và CÓ NHIỀU BÀN THẮNG HƠN ĐỐI PHƯƠNG. Nếu coi trận đấu bóng là một sứ mệnh, thì yêu cầu của luật chơi là điều sứ mệnh yêu cầu hoàn thành. Và mỗi cầu thủ là một người đảm đương thực hiện sứ mệnh đấy. Mỗi lần một quả bóng được sút vào lưới, nó thể hiện một sứ mệnh đã hoàn thành.

Nó thể hiện cho sự chờ đợi của cả một thời gian rất dài mà trận đấu đi qua (mãi mới có một quả!). Một quả bóng ghi bàn là chiến thuật từ huấn luyện viên, là thành quả của sự phối hợp giữa các cầu thủ trên sân, là kì vọng của người hâm mộ cả nước đặt lên vai các cầu thủ. Một quả bóng ghi bàn là nỗ lực của cả đội không chỉ về mặt sức khỏe, đó là rèn luyện, chiến thuật, nỗ lực, quyết tâm. Có khi chiến thắng là chiến thắng của đòn tâm lí, có khi chiến thắng là chiến thắng của một dân tộc từng trải qua nhiều năm chiến tranh gian khổ và bị đô hộ trường kì trong lịch sử luôn có mong muốn chiến thắng và vượt lên các đối thủ.

Bởi vậy một quả bóng thể hiện nhiều hơn những gì mà quả bóng đó nói. Một quả bóng có trọng lượng của sự kì vọng của một đất nước. Càng mang tính chất quốc tế toàn cầu, càng là những trận đấu bóng quan trọng, thì một quả bóng sút vào có trọng lượng lớn hơn nhiều so với một quả bóng chúng ta tự sút vào với nhau trong những trận đấu bình thường khác.

Nói vậy để những ai ít yêu bóng đá hiểu rằng vì sao chỉ có 22 cầu thủ, 1 ông trọng tài, 2 cái gôn, và 1 quả bóng lại có sức lay động đến vậy. 

James Biết Tuốt, một tác giả Oopsy


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147