Trang chủ Blog Phát triển cá nhân - Quản trị cảm xúc

Sống Mòn - Ta Đứng Cách Bệnh Trầm Cảm Chưa Đầy Một Bước Chân (P.3)

By: OopsyAdmin, 2018-12-27 01:31:27

BẤT LỰC LÀ RẤT BỰC

Một kiểu tâm trạng nữa thường đẩy người ta rơi vào chứng trầm cảm, có tên là: nỗi bất lực. Khi chúng ta cảm thấy bất lực, thường có hai quan niệm đưa đẩy đằng sau đấy:

(i) Việc ấy phải như ý mình

(ii) Mình buộc phải tìm ra giải pháp

Những quan niệm này chặn đứng các dòng chảy suy nghĩ và cảm xúc, khiến chúng trở nên bế tắc. Càng bế tắc lại càng khiến ta đóng khung thêm những quan niệm này.

Sự bế tắc này cũng là hệ quả của một thói quen ta dung dưỡng mỗi ngày: Lập tức nảy sinh cảm xúc, cảm giác với mọi điều mình gặp, vui vẻ với những điều vừa ý và khó chịu với những điều không may. Chúng ta không từ bỏ nổi thói quen này.

Dù thế, cảm giác dù sao vẫn chỉ là cảm giác, chúng không thật gắn với lí trí và hành động. Dẫu ở những tình huống tưởng chừng khó khăn nhất: người thân bị ốm và không đủ tiền thuốc thang; phải thi một môn quan trọng nhưng ngủ quên muộn giờ thi; bị người yêu bỏ dù ra sức níu kéo; bị hiểu lầm và không biết làm sao để thanh minh,… Bạn dễ cảm thấy thật bất lực trong những tình huống này. Tuy nhiên, những lúc như thế hãy nhớ một câu nói của người Trung Quốc cổ thế này:

Luôn luôn có một giải pháp ở đâu đó, chỉ là ta không dễ tìm ra nó lúc để mình chìm vào cảm giác bất lực; hoặc những giải pháp ấy khó chấp nhận và không hoàn hảo như ý ta.

Kiên quyết thoát khỏi cảm xúc để tìm ra giải pháp, đối diện với chính mình và thừa nhận những điều mình thực nghĩ, sự chân thật sẽ dẫn đường cho bạn.

Vì thế, để ngăn mình chìm xuống cơn trầm cảm bất lực hãy cố gắng tìm một giải pháp hay hướng hành động cụ thể. Ngay lúc bắt đầu nghĩ về hướng giải quyết, bạn đã tự thắp sáng cho chính mình thay vì để mặc mình cho các cảm xúc hành hạ.

LÒNG THƯƠNG CHẲNG BÌNH THƯỜNG

Có một hiện tượng kì lạ xuất hiện trong tâm lí con người thế này: thích thú với đau khổ và suy bại của người khác. Sự thích thú này nằm ẩn sau biểu hiện thương cảm. Đó cũng là một khuôn mặt khác của sự thương hại chính mình.

Hãy nói về sự thương cảm/ thích thú với suy bại của người khác.

Ví dụ thế này, có một người rất tốt với bạn, bạn luôn cảm thấy biết ơn và yêu quý người ấy. Rồi một ngày người ấy gặp phải những chuyện rất bất hạnh. Bạn sẽ lo lắng, có thể bật khóc, cảm thấy đau khổ thay cho họ. Như thế cũng có thể thấy là bạn khá chân thành. Nhưng một sự thể xuất hiện sau đó là: Mỗi lần nhớ về họ và khoảng thời gian họ gặp chuyện, điều bạn thấy cảm động là lúc bạn bật khóc và lo lắng cho họ. Nói cách khác: Bạn thỏa mãn với sự cảm động của mình, thích thú và hạnh phúc về nó. Vào giây phút đó, bạn thấy mình có đủ mọi ý nghĩa và trở nên cao đẹp nhất.

Hiện tượng tâm lí này có biểu hiện trực tiếp hơn: thấy bị kích động với bất hạnh của người khác, hoặc thỏa mãn với bất hạnh của người khác. Triệu chứng mạnh hơn là sự thích thú khi bôi nhọ, giết người, tàn sát, trả thù… Đây là lúc những triệu chứng trầm cảm biến hẳn thành một cơn điên loạn.

Thử nghĩ xem: Bạn thần tượng một ai đó, rồi mong người này chịu bất hạnh, bị hủy hoại, bị chết đi. Thỉnh thoảng ý nghĩ đó xuất hiện. Nhưng bạn sẽ cố nghĩ rằng mình luôn cầu nguyện cho người đó điều tốt lành. Sự cầu nguyện đó chính là chuẩn bị cho cảm giác thỏa mãn khi thần tượng hoặc người bạn yêu quý chết, bị tổn thương, bị hủy hoại. Đây là một sự mâu thuẫn tồn tại sẵn trong tâm lí con người.

Một tâm trạng khác ẩn giấu sau vẻ thương cảm cho hoàn cảnh bất hạnh của người khác là: Âm thầm thấy may mắn vì không ở trong hoàn cảnh như họ.

Có thể bạn sẽ thấy khó chấp nhận, nhưng những hiện tượng tâm lí này thật sự tồn tại. Sự thương hại người khác không những không mang lại điều tích cực nào, nó còn đem đến những điều tiêu cực như sau:

- Làm suy yếu người khác: Sự thương cảm của bạn làm người khác tin rằng tình huống của họ thật sự kinh khủng. Tuy vậy, sự đồng cảm là cần thiết, bạn có thể đồng cảm, giúp đỡ họ, nhưng đừng sa vào cảm giác đau khổ, bi lụy;

- Sự thương hại bóp méo thực tại khi bạn chỉ tập trung vào những điều tiêu cực và bỏ qua những điều tích cực. Mọi điều trên thế giới này đều tồn tại song song hai mặt sáng và tối, tập trung vào chỉ một mặt nào cũng dẫn đến cực đoan;

- Làm tăng thêm nỗi sợ khó khăn trong bạn;

- Nuôi dưỡng sự tàn nhẫn ngấm ngầm trong tâm hồn.

LÀM GÌ ĐỂ XUA TAN BÓNG ĐÊM TRẦM CẢM?

- Hãy trân trọng bản thân, đồng thời thừa nhận những sai lầm. Liên tục tìm cách và nỗ lực để làm tốt hơn;

- Chịu trách nhiệm và cố gắng chủ động, tự lập;

- Cách tốt nhất để bắt đầu làm một việc là làm nó trước khi bạn cảm thấy sẵn sàng;

- Đưa ra một quyết định và thực hiện một hành động bất kì mỗi lúc bế tắc, bạn sẽ thấy thoải mái hơn;

- Đồng cảm, chia sẻ và giúp đỡ người khác. Nhưng đừng tự nhấn chìm mình trong các cảm xúc của họ;

- Ghi nhớ bốn nguyên nhân của trầm cảm: Tự sỉ nhục mình; tự thấy thương thân; cảm thấy bất lực; thương thay người khác.

Tặng bạn một đoạn trích trong cuốn Ảo Ảnh của Richard Bach:

“Nếu một người thưa với Đức Chúa rằng điều anh ta muốn nhất là được trừ đi những khổ đau trên thế gian, bất kể cái giá anh ta phải trả có là gì, Chúa đáp lại và bảo cho anh ta biết phải làm gì, người đó có nên làm điều anh ta được bảo không?... Và bạn sẽ làm gì… nếu Chúa nói trực tiếp ngay trước mặt bạn rằng, ‘Ta LỆNH cho con hãy hạnh phúc trong thế gian, chừng nào con còn thở.’ Bạn sẽ làm gì?”

(Bẻ răng con quái vật cảm xúc - James Biết Tuốt)


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147