Trang chủ Blog Sống khỏe

Mối Liên Hệ Giữa Những Cơn Tức Giận Và Trầm Cảm

By: OopsyAdmin, 2019-12-21 21:40:00

Trầm cảm không phải thứ chúng ta muốn kiểm soát mà được. Nó xảy ra bất kỳ lúc nào, mà bạn không thể biết được. Mà có biết cũng không thể ngăn nó lại. Và nó… như một cơn bão… sẽ đánh sập tinh thần của bất cứ ai.

Đừng cho rằng trầm cảm là một điều gì đó quá to tát. Và những người phải đến bệnh viện tâm thần hay đi khám bác sĩ tâm lí mới gọi là có bệnh. Ngay cả chúng ta, vào một ngày nào đó cũng có thể mắc bệnh tâm lí… như thường!

Chúng ta, ở một lúc nào đó sẽ nổi điên lên vì một lí do rất bình thường. Và lúc ấy chẳng còn nghĩ đến điều gì khác ngoài những thứ vừa khiến chúng ta sôi máu.

Có phải nguyên nhân đến từ những sự việc kia không? Hay chính chúng ta có-gì-đó-rất-khó-hiểu tạo nên những sự khó chịu đó cho chính mình?

Thật ra thì, ai cũng có những thứ rất khó hiểu đó thôi. Nổi nóng hay tức giận ai đó là một phần của con người. Nhưng ở vài trường hợp thì nó không chỉ là như vậy. Nó là biểu hiện có một điều gì đó sâu hơn: Bệnh trầm cảm.

Tức giận và bệnh trầm cảm liên quan đến nhau

Một nghiên cứu năm 2014 cho biết, nổi nóng và tức giận với người khác thông báo sức khỏe tinh thần của một người. Các nhà tâm lí học cho rằng những người khó kiềm chế cơn tức giận của mình dễ có nguy cơ mắc trầm cảm/tăng mức độ trầm cảm.

“Tức giận trông chẳng có vẻ gì là giống bệnh trầm cảm. Thực chất chúng có liên quan đến nhau”

Marianna Strongine, nhà tâm lí người Mỹ khẳng định.

 

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự tức giận liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh trầm cảm. Mức độ tức giận tăng có nghĩa là bệnh trầm cảm gia tăng, và ngược lại. Chúng tỷ lệ thuận với nhau. Tất nhiên bệnh trầm cảm có nhiều triệu chứng khác ngoài tức giận, và không thể phụ thuộc vào mỗi yếu tố tức giận để khẳng định đó là trầm cảm. Nhưng quả là chúng có liên quan đến nhau. Đó là lý do tại sao Strongin khuyến khích bất cứ ai cảm thấy tức giận hơn mức bình thường nên tìm kiếm sự giúp đỡ thay vì gạt đi.

Nhiều người quan niệm rằng, trầm cảm là một trạng thái mà người bệnh luôn cảm thấy buồn bã hay trống rỗng, những không phải chỉ có như vậy. Buồn bã hay trống rỗng chỉ là hai trạng thái, diễn ra trong một giai đoạn nào đó. Rất nhanh sau giai đoạn này, họ sẽ chuyển sang trạng thái khác. Có thể là tức giận, cũng có thể là bỗng nhiên muốn làm một chuyện gì đó thật điên rồ.

Thực tế, buồn bã không phải dễ, và không phải ai cũng cảm nhận được trạng thái này. Thử kiểm nghiệm mà xem, trừ phi bạn là người cực kỳ hay để ý đến trạng thái cảm xúc của bản thân hay là một người sâu sắc, thì mới rất-hiểu buồn bã là thế nào. Nếu không, hầu hết chúng ta đều rất khó gọi tên được trạng thái này. Trong tiếng Anh, sự buồn bã là sadness, danh từ miêu tả trạng thái; trong khi anger là động từ, thể hiện hành động phát tiết ra. Strongine nói rằng tức giận bao giờ cũng dễ cảm nhận và phát tiết hơn là sa vào những cảm xúc nặng nề khác. Khi cảm xúc nặng đến mức phát tiết/làm điều xấu với một ai, đó là khi những cảm xúc kia đủ năng lượng để chi phối hành động của bạn.

Bởi vậy, đôi khi những người mắc bệnh trầm cảm bị căn bệnh này “đánh lừa”. Họ không hề cảm thấy buồn bã, mà thay vào đó là nổi điên, tức giận.

Theo Viện Sức khỏe tinh thần quốc gia của Mỹ, trong 16,2 triệu người trưởng thành ở Mỹ sống với căn bệnh trầm cảm, rất nhiều người mắc căn bệnh này là phụ nữ, có độ tuổi từ 18-25. Nhưng Sherry Bentor, một nhà tâm lí tại Florida cho hay, rất nhiều nam giới cũng mắc bệnh trầm cảm. Và họ là trường hợp điển hình bộc lộ sự tức giận khi trầm cảm.

Nam giới và bệnh trầm cảm

Đàn ông khi gặp vấn đề về tâm lí nặng nề như trầm cảm thường có xu hướng cách li tất cả mọi người. Họ từ chối kết nối với người khác, kể cả những bạn thân, vợ, hay con cái. Họ muốn được ở một mình. Muốn được yên thân thì cách tốt nhất mà họ viện đến là nổi giận với người khác. Và đương nhiên, chẳng ai muốn gần một người đang tức giận cả. Nên ai cũng tránh xa họ. Vậy là họ đạt được mục đích: ở một mình.

Nhưng bạn nên hiểu rằng họ không cố tình nổi nóng, cũng không có ý định muốn ở một mình ngay từ đầu, mà căn bệnh này khiến họ có những hành động đấy. Một cơ chế nào đó bên trong họ cứ thôi thúc phải thực hiện việc nổi nóng bằng được. Nó giống một cỗ máy, một khi đã khởi động thì không thể dừng. Cỗ máy ấy là bệnh trầm cảm. Một khi nó khởi động thì người mắc bệnh này sẽ hoạt động đúng nguyên lí của nó. Và người ta cứ muốn ở một mình, nổi nóng, cảm thấy cô đơn,… không thể dừng được.

Nói về nam giới và căn bệnh trầm cảm, khi họ ngắt kết nối với người thân và thế giới bên ngoài chỉ để che giấu bệnh trầm cảm thì đây là điều rất nguy hiểm đấy. Nó thậm chí dẫn đến chết người. Theo báo cáo của Đại học Harvard, nam giới có nguy cơ tử vong cao gấp 4 lần so với phụ nữ và 17% nam giới mắc bệnh trầm cảm ít nhất 1 lần trong đời. (Nguy hiểm quá!)

Phụ nữ và bệnh trầm cảm

Nhưng điều này không có nghĩa rằng phụ nữ không có triệu chứng tức giận tương tự như đàn ông khi trầm cảm. Họ cũng hay nổi giận. Elizabeth, một cô gái được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm từ năm 19 tuổi và đã trả qua cảm giác tức giận thế này. “Tôi không hiểu vì sao mình có thể mất kiểm soát đến như vậy. Tôi đã hét thẳng vào mặt một người bạn trong buổi họp nhóm vì một lí do nào đó mà tôi không nhớ nổi. Và tôi còn ‘khủng khiếp’ đến mức đập vỡ cửa kính nhà bạn trai vào ngày anh ta đá đít tôi.”

Trước khi sự việc xảy ra, mẹ tôi nói rằng “Trông con hôm nay không được ổn lắm, có phải con đang tức giận với ai không?” Mẹ khuyên tôi nên làm gì đó để kiềm chế cảm xúc của mình. Cuối cùng, những sự việc đáng tiếc vẫn xảy ra.

“Tôi cho rằng mình có những quan niệm về chứng trầm cảm. Tôi coi đó là một điểm yếu của mình. Tôi cô gắng che giấu nó, không để ai biết rằng mình mắc bệnh. Và có một thứ đáng sợ hơn cả sự che giấu ấy là… tôi… không thể tin ai. Lúc nào tôi cũng cảm giác họ đang làm hại tôi. Nếu không ai làm gì xấu đến tôi, thì trạng thái đề phòng đó như là một cơ chế mà tôi không tài nào điều khiển được mình.”

Đây là cách tôi chế ngự bệnh trầm cảm

Đó là những gì mà Elizabeth hồi tưởng lại về sự kiện cách đây 10 năm, khi cô 19 tuổi. Elizabeth bây giờ bắt đầu kiểm soát tình trạng của mình và cơn tức giận bằng việc kết hợp dùng thuốc và thay đổi lối sống.

“Tôi bắt đầu tập Yoga khi cảm thấy quá khó khăn để chống chọi với căn bệnh trầm cảm này. Tôi bắt đầu tập các bài tập đều đặn và hít thở nhẹ nhàng. Chúng quả thực có ích. Tôi bắt đầu cảm nhận được thân thể và hơi thở của mình. Và tuyệt vời ở chỗ, nó giúp tôi quan sát bản thân tốt hơn mỗi khi sắp ‘nổi điên’. Nó quả thực đã giúp tôi tránh khỏi một vài lần ‘phát hỏa’ với mấy tay đồng nghiệp cà chớn.”

Bên cạnh các bài tập thở, Strongin, nhà tâm lí học người Mỹ, nói rằng viết lách cũng là một phương pháp tốt để kiểm soát cơn tức giận và từng bước loại bỏ nguyên nhân của chứng trầm cảm. Strongin bảo bệnh nhân viết ra giấy những suy nghĩ tiêu cực có trong đầu họ. Dựa vào những gì họ viết, vị bác sĩ này bắt đầu đặt câu hỏi để thu thập thông tin của bệnh nhân. Còn các bệnh nhân có cơ hội nhìn vào những cảm xúc của mình sâu sắc hơn.

Nếu họ viết rằng “Tôi không đủ tốt, tôi là kẻ thừa thãi.”

Tôi sẽ hỏi “Anh cảm thấy mình không tốt ở đâu?”; “Ai từng bảo anh là kẻ thừa thãi à?”

Khi không chắc về những gì người đó viết ra, hãy đặt câu hỏi để họ hiểu hơn về mình. Vì những gì họ nói/viết ra rất có thể chỉ là những biểu hiện bề mặt. Nguyên nhân nằm ở những lớp sâu hơn nữa.

Đừng bao giờ coi thường những cơn tức giận. Nó không bao giờ chỉ là những cảm xúc thường ngày. Nó là biểu hiện của một điều gì đó trong bạn đã hoạt động không còn tốt

Marianna Strongin

Tham khảo sách:

(OOPSY Team dịch và biên tập từ nguồn: https://www.huffpost.com/entry/depression-anger-symptom_l_5c5858d0e4b087104755e3d1)

 


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147