Trang chủ Blog Sống khỏe

10 Sự Thật Về Người Trầm Cảm Không Phải Ai Cũng Biết

By: OopsyAdmin, 2019-12-21 21:39:10

Từ những thứ rất phức tạp cho đến những việc thật đơn giản

Có những người cười nói suốt cả ngày, làm việc rất xuất sắc, và có đủ các mối quan hệ mà bất cứ ai cũng phải mơ ước. Nhưng sự thật không như những gì chúng ta nhìn thấy. Nhiều người trong số đó đang phải chống chọi với bệnh trầm cảm. Hiểu đơn giản “trầm” là nặng, đi xuống; “cảm” là cảm xúc. “Trầm cảm” là những cảm xúc cứ ngày một đi xuống, nặng nề, và rất khó khởi lên trong thời gian dài đến mức biến thành bệnh. OOPSY xin chia sẻ với các bạn 10 điểm ít ai biết về loại bệnh rất phổ biến này.

1/ Kiệt sức chỉ vì những gì nhỏ nhặt

Kati Morton, nhà trị liệu và là tác giả của cuốn sách “Bạn có ổn không?” (Are U Ok?) cho biết “Những người bị trầm cảm gặp khó khăn cả trong những việc đơn giản nhất.

“Những ai không bị trầm cảm không thể hiểu được rằng họ tốn biết bao nhiêu năng lượng để thức dậy, đánh răng rửa mặt, ăn sáng và ra khỏi nhà”, Morton nói. “Những người mắc chứng này nói rằng họ cảm thấy kiệt sức ngay cả khi chưa làm việc.”

Reya Kost, giám đốc trung tâm phục hồi tinh thần cho phụ nữ tại San Diego, California nói rằng, thật khó để những người bình thường hiểu được những ai đang mắc phải căn bệnh trầm cảm rằng “Một công việc lương cao, gia đình hạnh phúc, và có đủ các mối quan hệ vững bền mà không cảm thấy vui vẻ.”

Vị giám đốc này nói thêm, họ rất khó để bảo đảm thời gian biểu, lịch trình làm việc trong cuộc sống, luôn cảm thấy mệt mỏi, và không bao giờ thấy đủ với bất cứ điều gì.

2/ Tìm kiếm sự giúp đỡ là một điều quá khó khăn

Nhiều người vật lộn với bệnh trầm cảm khao khát cảm thấy tốt hơn và hòa nhập với cuộc sống, theo Kost. Tuy nhiên, tìm kiếm sự giúp đỡ có vẻ thật là khó khăn khi cả ngày họ phải tỏ ra là một người tốt đẹp. Họ giả tạo trạng thái của mình, có thể là hòa đồng, là hăng hái, cho dù đang ở một tâm trạng rất xuống dốc và hầu như chẳng có chút động lực nào để hoàn thành các nhiệm vụ.

“Việc mở miệng nhờ ai đó giúp đỡ đối với họ rất khó. Nhưng họ vẫn có cơ hội để tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ là họ không biết phải đề nghị/bắt đầu nó như thế nào.

3/ Che giấu tình trạng thực bằng vẻ ngoài giả tạo

Karla Campos, người đang chạy dự án Marketing tại Tampa, California và sống với căn bệnh trầm cảm chức năng cao này nhiều năm nói rằng, mọi người đều ấn tượng với tôi về vẻ ngoài. Họ nói rằng tôi là một phụ nữ rất tự tin và thành đạt. Nhưng tất cả chỉ là vẻ bề ngoài.

“Khi cơn trầm cảm đổ bộ, tất cả những gì tôi muốn là được ở một mình, chui vào một xó hay ngủ.” Nhưng không thể trưng bộ mặt đó ra để cho tất cả mọi người biết về mình, nên tôi hành động cứ như thể mình đang diễn vậy. Một cơ chế mà chính tôi không thể kiểm soát được.

Vào những ngày Karla rất tự tin, chị ấy đã làm gì? Karla sẽ chào hỏi mọi người rất niềm nở, cô ấy sẽ cảm thấy hào hứng với cuộc sống. “Nhưng vào những ngày cảm thấy thất vọng, trầm cảm, tôi không hề muốn ‘say hi’ với Mr.Jones hay bất cứ ai. Không phải bởi vì Mr. Jones hay bất cứ ai làm gì đó khiến tôi buồn bực, chỉ bởi vì tôi không muốn ai làm phiền mình. Bởi vì tôi cảm thấy mình không có năng lượng để giao tiếp với ai. Lúc đó có lẽ là một trạng thái nào đó rất vô nghĩa” Karla chia sẻ.  

4/ Luôn phán xét, chỉ trích tất cả mọi người, bao gồm cả bản thân

Đã bao giờ có những tiếng nói này xuất hiện trong đầu bạn chưa? “Thế giới này điên hết cả rồi”; “Đời toàn lũ khốn nạn”; hay “Tất cả lũ chúng nó đều là đểu giả”,… Khi bạn bị trầm cảm mức cao, sẽ có lúc bạn biến thành như vậy đấy. Nguyền rủa mọi thứ và bản thân. Ngay cả những người thân như sếp, vợ/chồng, con cái, cũng được liệt vào danh sách “bị chửi” của bạn. Ta hay gọi là các suy nghĩ này là tiêu cực hay lời nói dằn vặt. Mà này, lúc ấy có khi còn hơn cả thế ấy chứ, nhỉ! Những điều ấy một khi đã xuất hiện thì thật là khó bỏ ra khỏi đầu.

Không phải cái gì cũng là tivi và có điều khiển, bật-tắt bất cứ lúc nào mà có những thứ tắt đi rồi vẫn lải nhải bên tai. Chẳng có gì là tích cực cả.

Skopich nói rằng, loại suy nghĩ tiêu cực này bao gồm cả những suy nghĩ nghi ngờ bản thân, ví dụ “Sống làm gì, chỉ muốn chết cho xong.”

Bạn sẽ ngay lập tức nghi ngờ rằng liệu mình có đang đi đúng hướng hay không, bạn đang làm cái quái gì thế, cuộc sống này hình như không có chỗ cho mình,…

5/ Không ai hiểu bạn trầm cảm như thế nào

Các thân chủ của tôi nói rằng “Điều khó khăn nhất đối với các bệnh nhân trầm cảm là nó dường như vô nghĩa với tất cả mọi người. Ngay cả khi thân chủ có vấn đề và nói điều đó ra với một người khác, thì những người ngoài không thấy đấy là vấn đề. Họ vẫn cho rằng “Cậu vẫn đang ổn/tốt mà. Có chuyên gì đâu nhỉ?’ Không phải bởi vì họ vô tâm đâu, mà vì căn bệnh này quả thật như “vô hình” trong mắt người khác vậy.” John Duffy, một nhà trị liệu cho hay.

Duffy lấy ví dụ về một thân chủ của ông, học Đại học, có lực học rất xuất sắc, hầu như đạt điểm A trong tất cả các môn, hoàn thành tất cả mọi việc trong to-do list hằng ngày, và dường như chẳng có gì bất ổn đối với cô ấy cả. Bạn bè cô ấy nói “Ồ, trông cậu chẳng giống trầm cảm tí nào. Cậu không thể mắc bệnh đó được” hay là “Cậu vẫn đang làm mọi việc tốt thế cơ mà”. Nhưng không ai biết rằng cô bé phải trải qua những lúc tuyệt vọng thế nào, theo nghĩa đen.

6/ Khó chăm sóc bản thân

“Vài thân chủ của tôi đến văn phòng, trông rất bơ phờ như thể vừa đi đâu xa về” Azizi Marshall, nhà sáng lập và là CEO của Center for Creative Arts Therapy, trung tâm trị liệu và huấn luyện tại Chicago. Ông nói rằng, những thân chủ này phải điều hòa tất cả mọi việc, từ tương tác với đồng nghiệp, làm việc, làm sao để chăm sóc con cái và gia đình,… mọi thứ dường như thật hoàn hảo. Nhưng khi họ đến buổi trị liệu, thì đấy mới là lúc họ thật sự “bùng nổ”.

Họ quá bận tâm đến người khác mà không có thời gian chăm sóc bản thân. Họ không cảm thấy mình có giá trị gì trong mắt người khác rơi vào trạng thái này.

Myisha T. Hill, một chuyên gia cũng đồng ý với điều này:

“Tất cả mọi thứ giống như một gánh nặng và nó khiến bạn không muốn làm gì hết, kể cả những việc rất nhẹ nhàng như là bôi son”. “Bạn sẽ cảm thấy làm một việc nhỏ nhất, như ăn một bữa đủ dinh dưỡng, đi bộ, hay đến tiệm giặt là thôi cũng thật là khó khăn.”

7/ Cảm thấy tất cả là con số 0

Đúng thế, ở trạng thái này, bạn vẫn có thể hoàn thành tất cả mọi việc trong ngày. Nhưng hầu như chỉ là làm cho xong chứ không thấy hứng khởi với nó.

“Suốt cả ngày, bạn cảm thấy nóng ruột, cứ nhấp nha nhấp nhổm và không thể tập trung làm được gì. Nhất là lúc không gắn kết được với công việc hay các mối quan hệ.” Greg Kusshnick, nhà tâm lí học tại New York cho hay.

Carrie Kraweic, nhà trị liệu tại Michigan đồng ý rằng, “Những người này không bao giờ cảm thấy vui vẻ hay hào hứng, thậm chí những hoạt động từng làm họ hào hứng cũng trở nên vô dụng.”

“Họ đổ lỗi cho trạng thái trầm cảm đã tước đi niềm vui của họ, và chỉ đem đến tức giận và sự tiêu cực. Họ cảm thấy vô nghĩa và có gì đó thật bất hạnh”

8/ Kế hoạch chỉ là viễn tưởng

“Những người bị trầm cảm thường hay lập kế hoạch, và sau đó thì không thể làm theo kế hoạch nào” – Katheryn Vercillo, một nhà văn tại San Francisco.

Là một người từng bị trầm cảm, Vercillo chia sẻ rằng, cô thường cảm thấy rất hào hứng với các dự định “Nếu hôm đấy tâm trạng tốt, tôi sẽ vui vẻ đi chơi với bạn bè. Nhưng nếu như hôm đó tâm trạng xấu, thì tôi sẽ gặp khó khăn trong việc ép mình phải đi. Tôi sẽ nói dối và hủy cuộc hẹn đó. Có khi còn chẳng báo trước vì lí do nào.”

Nghe thì đơn giản như vậy thôi, nhưng bất cứ một sự việc nào đối với người trầm cảm cũng biến thành một điều gì đó rất to. Và họ sẽ dằn vặt về nó.

 “Chúng tôi cảm thấy rất tệ khi không thể thực hiện lời hứa. Nhưng lại không thể tự mình thực hiện được điều đó” Cô nói “Tôi cảm thấy rất tội lỗi mỗi khi như vậy. Và điều này còn làm tôi rơi vào trạng thái trầm cảm nặng nề hơn.”

9/ Các mối quan hệ là thảm họa

Morgan Eisenstot, một Kế toán tại Austin, bang Texas nói rằng, duy trì các mối quan hệ riêng tư thật khó khăn khi bị trầm cảm.

“Tôi không bao giờ muốn tụ tập với bạn bè, thậm chí là gia đình. Có những lúc tôi nổi điên lên chỉ vì họ bắt tôi phải đồng ý đi đâu đó với họ. Đôi lúc tôi đã nổi nóng. Thậm chí là quát tháo họ chỉ vì một câu nói.” Những lời rủ rê hay những câu nói mang tính chất trêu đùa vốn không có gì quá nặng nề. Nhưng với người trầm cảm, vốn dĩ rất nhạy cảm thì đó là vấn đề. Họ nhạy cảm với mọi thứ, dù rất nhỏ. Morgan chia sẻ thêm “Những ai không sống với bệnh trầm cảm sẽ không hiểu được rằng sự tức giận lúc ấy chỉ là nhất thời, mang tính chất bộc phát. Nhưng hệ quả thì rất tai hại. Tôi đã phải lĩnh trọn những cơn tức giận ngược từ phía bạn bè của mình. Và sau đó, tôi lại chìm vào những cảm giác tội lỗi. Vậy đấy!”

Bệnh trầm cảm chức năng cao có thể dẫn đến những cảm giác như xấu hổ. Đây là cảm giác làm cho mọi người muốn rời bỏ những người khác, theo Allison Zamani, chuyên gia tại Trung tâm ở San Francisco cho hay.

10/ Đằng sau những tấm hình trên mạng xã hội

Mạng xã hội có thể nhân sự giả tạo các vấn đề lên nhiều lần. Đây là thực tế với nhiều người. Những bức hình chẳng bao giờ nói ra được những sự thật đằng sau cuộc đời một người.

Bearden từng đăng những bức hình lên mạng. Cô ấy so sánh những gì từng chia sẻ trên đó và những gì thực có trong đầu:

Comment trên bức ảnh: Hôm nay là thứ Hai! Tôi rất hào hứng để bắt đầu tuần làm việc mới sau mấy ngày nghỉ lễ vùi đầu vào phim ảnh và bỏng ngô.

Thực tế: Tuần trước quả là một thảm họa với những khách hàng khó tính và phiền phức. Tôi đã dành 2 ngày cuối tuần nằm lì trên sô pha để gặm nhấm nỗi buồn, xem phim, ăn, và coi như là lời an ủi cho mình. Lại là một ngày mới đến. Tôi ghét cái việc phải giả đò như mình rất ổn để đi gặp khách hàng.

---

Đọc tiếp:

- Từ thói tự sỉ nhục mình - ta đứng cách bệnh trầm cảm chưa đầy một bước chân (P.1)

- Tâm hay so sánh, tự thấy thương thân, tần ngần chán ngán - chúng ta chỉ cách bệnh trầm cảm chưa đầy một bước chân (P.2)

- Sống Mòn - Ta Đứng Cách Bệnh Trầm Cảm Chưa Đầy Một Bước Chân (P.3)

- Mệt Mỏi Kéo Dài Mãi Không Hết, Tôi Bị Làm Sao Thế Này?

- Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa

- Tôi nên làm gì khi có người nói rằng họ muốn tự tử?

-------------------

Và đây là các ''liều thuốc'' dành cho bạn:

(Bài viết: OOPSY Team dịch và biên tập từ: https://www.huffpost.com/entry/high-functioning-depression-truths_l_5c549744e4b0871047533697)


Liên hệ

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

E: pr.oopsy.vn@gmail.com G: oopsy.vn P: 0968 523 147 | 0968 523 147